Hội LHPN Hà Tĩnh với công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội
EmailPrintAa
14:11 26/03/2018

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Tĩnh hiện có trên 251.000 hội viên (tỷ lệ 77,7%), trong đó có 27.551 hội viên giáo dân/37.517 phụ nữ giáo dân (73,4%), với 7.486 hội viên nòng cốt, 261 cán bộ Hội là người gốc giáo.

Với vai trò, chức năng của tổ chức Hội, để góp phần giúp chị em hội viên phụ nữ tôn giáo nâng cao nhận thức, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của Hội góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tập trung vào một số giải pháp:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

Xác định việc tuyên truyền, vận động phụ nữ tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Tĩnh đã đề ra các giải pháp: Thành lập đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn vùng giáo đội ngũ báo cáo viên đến tận chi hội. Xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền với các nội dung theo từng đợt và tổ chức tuyên truyền qua các kênh như: Tổ chức sinh hoạt hội viên, tuyên truyền trên loa phát thanh thôn, xóm, đến tận từng nhà hội viên gặp gỡ, tuyên truyền... Đặc biệt trong những dịp cao điểm như bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, sự cố môi trường biển, Hội LHPN Hà Tĩnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác tuyên truyền vận động, nắm tình hình và xử lý điểm nóng; phân công các đoàn công tác tỉnh Hội trực tiếp xuống tận cơ sở nắm bắt, tuyên truyền, vận động để hội viên phụ nữ nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phối hợp với TW Hội, các ngành liên quan tập huấn nghiệp vụ công tác dân tộc, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ Hội phụ trách vùng giáo, cán bộ, hội viên nòng cốt vùng giáo. Củng cố, xây dựng tủ sách pháp luật, phục vụ nhu cầu đọc sách báo nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho chị em phụ nữ.

Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Tĩnh, trang thông tin điện tử của Hội đăng tải tin bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục trong đó tập trung tuyên truyền các gương phụ nữ tôn giáo điển hình trên các lĩnh vực, từ đó, khơi dậy lòng tự trọng và khuyến khích chị em thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế -  xã hội.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đã tạo sự đồng thuận, tin tưởng, thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân. Phụ nữ tôn giáo cơ bản nắm, hiểu và chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia vào tổ chức Hội và có nhiều đóng góp quan trọng trong phong trào Hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương.

Hỗ trợ phụ nữ tôn giáo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia xây dựng nông thôn mới

Về hỗ trợ phụ nữ tôn giáo phát triển kinh tế: Các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ tôn giáo về phát triển kinh tế như: Phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao KHKT, khởi sự kinh doanh; tuyên truyền các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; đối thoại về xuất khẩu lao động... với trên 40% phụ nữ vùng giáo được tham gia. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các ngân hàng, Quỹ phát triển phụ nữ và tranh thủ  nguồn từ các chương trình, dự án khác để hỗ trợ cho chị em phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất; hướng dẫn hỗ trợ, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; đẩy mạnh các hoạt động giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có địa chỉ như phân công cụ thể cho các chi hội giúp vốn, kiến thức làm ăn, ngày công, con giống, cây giống.

Với sự quan tâm, vận động, hỗ trợ của các cấp Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ công giáo tích cực thi đua lao động sản xuất, tham gia Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các đề án phát triển nông thôn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, chuyển đổi mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, nhất là các loại cây con giống có năng suất cao, phát triển kinh tế trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong số 1.617 hộ nghèo do phụ nữ có đạo làm chủ, đã có hơn 1.400 hộ được tiếp cận vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật và có trên 918 hộ đã thoát nghèo. Đã có hàng nghìn mô hình, tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển kinh tế trên các lĩnh vực ở vùng giáo: Mô hình làm bún, bánh ở Gia Phổ (Hương Khê), làm kinh tế vườn đồi, trang trại, gia trại Cam Khe Mây ở Hương Độ, Lộc Yên (Hương Khê), Bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê, chăn nuôi Bò, Lợn, Hươu hàng trăm con/hộ ở Hương Sơn; nuôi, trồng, buôn bán thủy hải sản ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Lộc Hà... đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm mô hình phụ nữ vùng giáo dân chăn nuôi, sản xuất được Hội hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; nhiều chủ doanh nghiệp nữ tiêu biểu là hội viên phụ nữ tôn giáo. Kinh tế phát triển, nhận thức chị em cán bộ, hội viên phụ nữ tôn giáo đã có nhiều đổi mới: Mạnh dạn, tự tin, tích cực, hoà đồng hơn trong các hoạt động xã hội; sinh đẻ có kế hoạch, sinh con có trách nhiệm hơn; con em vùng giáo được học hành ngày càng bài bản.

Về xây dựng gia đình hạnh phúc

Các cấp Hội đã có nhiều giải pháp, sáng tạo, triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ chị em xây dựng gia đình hạnh phúc: Tập huấn, truyền thông hướng dẫn cách tổ chức cuộc sống gia đình, nói chuyện chuyên đề trang bị các kiến thức, kỹ năng nuôi, dạy con, phát triển kinh tế; thành lập các mô hình sinh hoạt cộng đồng giao lưu chia sẽ kinh nghiệm như thành lập các Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”; phân công giúp các gia đình đạt 8 tiêu chí cuộc vận động; phát huy vai trò nòng cốt “nêu gương”...

Bằng các giải pháp cụ thể đã có trên 70% chị em học tập, đăng ký thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; trên 90% cơ sở Hội vùng giáo ký cam kết xây dựng chi hội xanh - sạch - đẹp; gần 16.518 hộ gia đình hội viên vùng giáo đạt 8 tiêu chí “5 không, 3 sạch” đạt gần 50% (vượt chỉ tiêu 10%); xây dựng và nhân rộng 76 mô hình chi hội xanh - sạch - đẹp an toàn tại vùng giáo; 32 câu lạc bộ và các mô hình “xây dựng gia đình hạnh phúc, sống tốt đời đẹp đạo, không sinh con thứ ba, xây dựng gia đình hạnh phúc, nông thôn mới, Bình đẳng giới - Gia đình hạnh phúc”; 57 mô hình “gia đình 3 sạch” hoạt động hiệu quả, giúp chị em hội viên phụ nữ có kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, chị em phụ nữ tôn giáo còn tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội, khuyến học, khuyến tài, xây dựng “Hũ gạo tiết kiệm”, “ống tiền tiết kiệm” theo gương Bác, quyên góp tiền ủng hộ người nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình neo đơn, tàn tật. Hàng nghìn lượt hội viên ủng hộ kinh phí xây dựng mái ấm tình thương, các hoạt động nhân đạo từ thiện...

Hoạt động của các cấp Hội góp phần hỗ trợ phụ nữ tôn giáo nâng cao nhận thức, năng lực mọi mặt. Chị em gắn bó, đồng hành cùng Nhân dân trong các hoạt động xã hội; phát huy tinh thần đoàn kết, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia phát triển kinh tế, đời sống từng bước được nâng lên rõ rệt, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.


    Ý kiến bạn đọc