Huyền thoại một vị tướng tham gia giải phóng Sài Gòn
EmailPrintAa
21:26 29/04/2022

Chiến thắng 30/4/1975 đã đi qua được 47 năm, nhưng ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình- nguyên là chỉ huy Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) tham gia đánh vào Dinh Độc lập, Đài Phát thanh Sài Gòn và chuẩn bị các điều kiện để Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trong thời khắc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lịch sử

Trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, chúng tôi cùng Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình - nhân vật lịch sử gắn với ngày chiến thắng 30/4 trở về quê hương - xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà để dâng hương, dâng hoa đồng đội và các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình chia sẻ, khi đang công tác trong quân ngũ và cả khi nghỉ hưu, hàng năm ông đều dành thời gian đến các nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho đồng đội của mình. Mỗi lần đến viếng nghĩa trang, đứng trước hàng ngàn tấm bia mộ và anh linh của đồng chí, đồng đội cùng hàng ngàn ngôi sao vàng lấp lánh, vị tướng như thấy mình đang đứng giữa những hàng quân.

Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình cùng cán bộ, nhân viên Ban CHQS thành phố Hà Tĩnh tham quan vũ khí trang bị tại đơn vị

Ở bên những người đồng chí, đồng đội đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, máu xương cho tự do độc lập, thống nhất đất nước, ký ức về quãng thời gian “cả nước lên đường đánh Mỹ”, giữa chiến trường bời bời bom đạn, cái sống, cái chết cận kề, coi thường hiểm nguy, “đạp lên đầu thù xốc tới”, chiến đấu cho đến ngày toàn thắng... cứ ùa về vẹn nguyên trong ký ức của một vị tướng, để dẫu rằng thời gian đã xa nhưng lại hóa rất gần.

Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi cùng chúng tôi đến thăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 841, được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, huấn luyện vất vả của các chiến sĩ mới, Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình như sống lại những năm tháng trong quân ngũ của mình. Khi đó, ông mới nhập ngũ huấn luyện để vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu. Trên bãi tập, các chiến sĩ lại được cùng Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình trở về với ký ức những ngày đầu Thiếu tướng nhập ngũ chuẩn bị tham gia chiến đấu.

Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình nói chuyện truyền thống với các thế hệ trẻ Thị đoàn Cẩm Xuyên và các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 841

“Ngày 15/01/1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở giai đoạn ác liệt nhất, tôi cũng như các đồng chí bây giờ vừa bước sang tuổi 18 đã xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tại Đoàn 52, Quân khu 4 ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa), chiến sĩ Hoàng Trọng Tình cùng đơn vị hành quân vào chiến đấu ở mặt trận B5 thuộc chiến trường Quảng Trị”.

Trên mảnh đất đầu cầu giới tuyến, nơi đụng đầu lịch sử giữa hai thế lực Cách mạng và phản Cách mạng, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa tình thương với bạo tàn, giữa khát vọng thống nhất non sông của một dân tộc với dã tâm chia cắt lâu dài của bè lũ cướp nước và tay sai. Trong suốt chặng đường dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian lao và anh dũng, Quảng Trị là chiến trường nóng bỏng, gồng mình gánh chịu sự ác liệt của chiến tranh với bao đau thương, tàn khốc.

Giữa bời bời bom đạn, bằng bản lĩnh kiên cường của người con quê hương Hà Tĩnh anh hùng và khí chất, con người Quảng Trị - Một miền quê dạn dày, gan góc, miền quê “ra ngõ gặp anh hùng”, “vào nhà gặp dũng sĩ” với quyết tâm sắt đá: “ Gươm nào chém được dòng Bến Hải/Lửa nào thiêu được dải Trường Sơn...” đã hun đúc, tôi luyện nên người cán bộ Hoàng Trọng Tình gan dạ, dũng cảm, kiên cường chiến đấu, lập nhiều chiến công.

Thiếu tướng Hoàng Trong Tình cùng các chiến sĩ trẻ Trung đoàn 841 kể chuyện đánh vào Dinh độc lập trưa ngày 30.4.1975

Từ năm 1967 đến năm 1973, trên chiến trường Quảng Trị, đồng chí Hoàng Trọng Tình tham gia hàng trăm trận đánh, trưởng thành từ người chiến sĩ đến cương vị Đại đội trưởng ở Tiểu đoàn 27 mặt trận B5; Chính trị viên Đại đội, Chính trị viên Tiểu đoàn của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304...

Hơn 7 năm chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị ác liệt, đồng chí Hoàng Trọng Tình và đơn vị của mình vinh dự được đón Chủ tịch Cu Ba, Fidel Castro và Thủ trướng Phạm Văn Đồng đến thăm. Hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro giữa cao điểm 241 thuộc vùng đất Tân Lâm, Cam Lộ, Quảng Trị vừa mới giải phóng còn ngổn ngang vũ khí của Mỹ, ngụy phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và dõng dạc hô to:

“Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn!”, “Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng!”. Và cũng chính tại địa điểm này, Chủ tịch Fidel Castro đã nói câu lịch sử: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Câu nói ấy mãi mãi khắc sâu trong trí nhớ của Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình cho đến tận bây giờ.

Tháng 6 năm 1974, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 của đồng chí Hoàng Trọng Tình nhận mệnh lệnh hành quân đánh chiếm căn cứ Chi khu quân sự quận ly Thượng Đức (Quảng Nam - Đà Nẵng). Trong trận chiến đấu hết sức ác liệt này, trên cương vị là Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, đồng chí Hoàng Trọng Tình thực sự là “linh hồn” để bộ đội giữ vững quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và các đồng đội đã hy sinh cho đất nước độc lập

Kể từ sau xuân Mậu thân năm 1968, đơn vị của đồng chí Hoàng Trọng Tình đã 3 lần tổ chức tấn công đánh chiếm quận lỵ Thượng Đức, nhưng cả 3 lần đều không thành công. Và cứ sau mỗi lần bị ta tiến công, địch lại tăng cường hệ thống phòng thủ Thượng Đức kiên cố vững chắc hơn. Bởi chúng ví Thượng Đức là “mắt ngọc của đầu rồng” và thường xuyên thách thức “Bao giờ nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Thượng Đức”.

Sau chiến thắng Thượng Đức, đồng chí Hoàng Trọng Tình được điều động làm Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Ngày 27/3/1975, thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “thần tốc, táo bạo, nhanh chóng đánh chiếm thành phố Đà Nẵng”, Tiểu đoàn 8 bước vào trận đánh mới. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, chỉ sau 3 ngày Tiểu đoàn 8 đã cùng với các lực lượng giải phóng Đà Nẵng. Trong trận đánh này, đồng chí Hoàng Trọng Tình bị thương và hiện một phần mảnh đạn của địch vẫn còn nằm trong phổi của vị tướng.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mặc dù vết thương chưa lành, nhưng đồng chí Hoàng Trọng Tình vẫn xung phong cùng đơn vị hành quân thần tốc tham gia giải phóng Sài Gòn. Sư đoàn 304 của đồng chí Hoàng Trọng Tình nằm trong đội hình Quân đoàn 2 chỉ sau 11 ngày đã vượt chặng đường gần 1.000km qua 11 tỉnh, 18 thị xã địch đang chiếm đóng, vừa hành quân vừa đánh địch, lập nên những chiến công vang dội.  Điển hình như trận đánh chiếm căn cứ Nước Trong vào lúc 17 giờ ngày 26-4-1975. Căn cứ Nước Trong là điểm phòng ngự rắn nhất của địch trên chiến tuyến Đông Nam Sài Gòn. Sau 3 ngày chiến đấu liên tục, Sư đoàn 304 của đồng chí Hoàng Trọng Tình đã làm chủ hoàn toàn trận đánh.

Trước sức mạnh tiến công như vũ bão của quân ta, xe tăng M113 chở quân tiếp viện hốt hoảng húc vào nhau và trở thành những đống sắt vụn bất động trước hỏa lực của B40, B41 và pháo bắn thẳng của ta khiến địch bỏ chạy nháo nhác, hoảng loạn. Được đà thẳng tiến, đơn vị đồng chí Hoàng Trọng Tình nhận lệnh đánh vào Dinh Độc Lập, thành lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.

Khoảnh khắc lịch sử ngày đất nước trọn niềm vui đã đi theo Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình trong suốt cuộc đời. Hình ảnh một vị tướng đã kinh qua nhiều gian khó, hiểm nguy, đối mặt với giây phút sinh tử cận kề luôn ở trong trái tim, kí ức của những người đồng đội, đồng chí. Trong niềm vui đoàn tụ, anh em đồng đội tay bắt mặt mừng, ôm nhau khóc giữa sự hân hoan chào đón của hàng vạn đồng bào mãi mãi vẹn nguyên trong trái tim vị tướng- trái tim của thời hoa đỏ, rực sáng tình yêu đất nước, quê hương

Xuân Liệu

    Ý kiến bạn đọc