Lấp kín các lỗ hổng pháp lý trong giám sát tài chính
EmailPrintAa
15:57 29/12/2011

Thị trường tài chính Việt Nam sau hơn hai thập kỷ cải cách vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và là một trong những nguyên nhân gây bất ổn vĩ mô. Trong một Kết quả nghiên cứu mới được công bố gần đây, Ủy ban Kinh tế khuyến nghị, cần nhanh chóng lấp kín các lỗ hổng pháp lý trong giám sát tài chính nhằm cảnh báo, ngăn ngừa và giảm nhẹ thiệt hại của các diễn biến xấu trên thị trường tài chính đối với kinh tế vĩ mô; đồng thời bảo đảm giám sát chặt chẽ nhưng không bóp nghẹt tính năng động, sáng tạo của thị trường này
Thị trường tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro
 
Kết quả nghiên cứu Các chỉ tiêu giám sát tài chính do nhóm tác giả Võ Trí Thành, Lê Xuân Sang, Đinh Hiền Minh và Nguyễn Anh Dương thực hiện trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam chỉ ra rằng: một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua là do hoạt động giám sát tài chính còn yếu kém, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các định chế tài chính và các công cụ tài chính. Tại Việt Nam, mặc dù đã trải qua hơn một thập niên cải cách hệ thống tài chính và đã đạt một số thành tựu ban đầu đáng ghi nhận nhưng xét về tổng thể, hệ thống tài chính vẫn kém phát triển, chứa đựng nhiều rủi ro. Điều đáng nói là, hiện nay, việc giám sát tài chính vẫn còn nhiều yếu kém. Thậm chí, đến thời điểm này, chúng ta vẫn thiếu các công cụ phục vụ cho giám sát an toàn vĩ mô, nhất là đối với giám sát dựa trên rủi ro. Các mô hình phân tích định lượng, cảnh báo, kiểm định rủi ro như mô hình cảnh báo sớm, mô hình kiểm tra sức chịu đựng các cú shock tài chính tiền tệ của các định chế tài chính và mô hình xác định giá trị rủi ro bị tổn thất cho cả hệ thống tài chính và cho từng định chế tài chính vẫn hầu như chưa được phát triển và áp dụng. Việc giám sát các rủi ro chéo cũng còn nhiều yếu kém do thiếu sự phối hợp, liên thông trong giám sát toàn bộ thị trường tài chính xuất phát từ việc các cơ quan giám sát hoạt động một cách độc lập. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa có một cơ quan giám sát tài chính vĩ mô có đủ thẩm quyền và năng lực bộ máy để có thể cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của hệ thống tài chính. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã được thành lập khá lâu song theo nhận định của nhóm chuyên gia thì chính vị thế pháp lý còn yếu kém của Ủy ban này cũng là một tác nhân khiến các cơ quan quản lý, giám sát và hiệu quả giám sát toàn hệ thống thị trường tài chính trở nên thiếu chặt chẽ và tất nhiên là sẽ thiếu hiệu quả.
 
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: hoạt động giám sát các định chế tài chính đang trở nên khó khăn hơn do ngày càng gia tăng các hoạt động đổi mới tài chính và công nghệ, thông tin và truyền thông, tự do hóa kinh tế, tài chính, các bộ phận của thị trường tài chính ngày càng đan xen nhau chặt chẽ; ranh giới giữa thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán truyền thống trong một nước hay giữa thị trường vốn nội địa với thị trường vốn quốc tế đang bị mờ dần; các tổ chức tài chính ngày càng trở nên đa năng, đa quốc gia và các công cụ tài chính, nhất là các cụ phái sinh ngày càng phong phú và phức tạp. Những khó khăn, thách thức đó đòi hỏi các cơ quan giám sát phải có tầm nhìn vĩ mô, toàn cầu và sự phối hợp chặt chẽ trong việc vừa quản lý một cách có hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho các bộ phận của thị trường tài chính phát triển.
 
Giám sát chặt chẽ nhưng không bóp nghẹt tính năng động, sáng tạo của thị trường tài chính
 
Khẳng định tính cấp thiết của việc phải củng cố và hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính trong bối cảnh hiện nay, kết quả nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng: nhiệm vụ đầu tiên của quá trình này là phải xây dựng được một bộ chỉ tiêu phục vụ cho việc giám sát hợp nhất thị trường tài chính dựa trên các tiêu chí giám sát tài chính hiện đại đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Cần lấp kín các lỗ hổng pháp lý trong giám sát từng lĩnh vực tài chính và giữa các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hữu hiệu các hành vi đánh tráo quản lý, nhất là đối với hoạt động của các tập đoàn tài chính. Đặc biệt, cần tăng cường hiệu lực giám sát tuân thủ, chuyển dần sang giám sát dựa trên rủi ro thông qua việc thu hẹp các chuẩn mực trong nước với quốc tế; xây dựng và áp dụng các chỉ tiêu giám sát và ngưỡng cảnh báo an toàn vĩ mô, các mô hình định lượng và các quy chuẩn, chỉ tiêu giám sát các tập đoàn tài chính, từ đó giảm thiểu các rủi ro toàn hệ thống và nâng cao hiệu quả giám sát toàn thị trường tài chính trong dài hạn, nhất là khi nền kinh tế, tài chính ngày càng biến động khó lường.
 
Chuyên gia Võ Trí Thành, thành viên Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: cần tăng cường giám sát tài chính vĩ mô của toàn hệ thống tài chính cũng như hoạt động của các tập đoàn tài chính thông qua việc củng cố vị thế pháp lý, bổ sung nguồn lực cho Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và xây dựng các chế định, tiêu chí giám sát các tập đoàn theo nguyên tắc giám sát chặt chẽ nhưng không bóp nghẹt tính năng động, sáng tạo của thị trường tài chính. Điều quan trọng nữa là, phải nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính trong giám sát toàn bộ hệ thống tài chính, kể cả các tập đoàn tài chính đa năng. Trong ngắn hạn, cần xây dựng các quy chế về quy trình, tiêu chí giám sát chung giữa các cơ quan hữu quan và quy chế xác định khung hợp tác giữa các cơ quan giám sát riêng với nhau. Còn trong 5-10 năm tới, cần phân định rõ và tăng cường chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, nhất là đối với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; bảo đảm Ngân hàng Nhà nước có mức độ độc lập hơn trong xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ – ngân hàng... Trên cơ sở các tiêu chí giám sát tài chính hiện đại đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và đối chiếu với điều kiện cụ thể của Việt Nam, Kết quả nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế cũng đã đưa ra một số chỉ tiêu chọn lọc để đo lường an toàn vĩ mô như: tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả tăng trưởng của toàn nền kinh tế và tăng trưởng ngành; cán cân thanh toán; thâm hụt cán cân vãng lai; dự trữ ngoại hối; nợ nước ngoài trên tổng số GDP; nợ công; lạm phát; tỷ giá; cho vay và giá bất động sản, bao gồm cả cho vay nền kinh tế, cho vay bất động sản, giá bất động sản và cho vay các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Và khuyến nghị, để áp dụng hiệu quả các tiêu chí giám sát tài chính nêu trên thì phải xây dựng được một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và số liệu phải được cập nhật thường xuyên, hiệu quả.
 
Những thách thức và rủi ro tiềm ẩn của thị trường tài chính vốn còn khá non trẻ của Việt Nam đã được các ĐBQH đề cập khá nhiều trên diễn đàn của QH, đặc biệt là trong nhiệm kỳ QH Khóa XII, khi mà nền kinh tế chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Những hạn chế, yếu kém mà Nhóm chuyên gia của Ủy ban Kinh tế chỉ ra trong Báo cáo nghiên cứu cũng đã được một số ĐBQH Khóa XII, đồng thời là các chuyên gia kinh tế khuyến nghị tại các Phiên thảo luận về tình hình KT – XH. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các khuyến nghị này đã chưa được thảo luận một cách đầy đủ tại diễn đàn của QH, thậm chí là tại diễn đàn của các cơ quan của QH.
 
Có thể sẽ là khiên cưỡng nếu nói rằng, vì vấn đề này chưa được thảo luận đầy đủ tại diễn đàn của QH mà hiệu quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ của các cơ quan của QH và QH chưa được như mong đợi. Nhưng tâm tư của một số đại biểu khi cho rằng, giám sát hay quyết định các chính sách tài chính, tiền tệ là công việc rất khó khăn đối với các ĐBQH, nhất là những đại biểu không có chuyên môn sâu về lĩnh vực này cho thấy, nhu cầu chính đáng của các đại biểu về việc nâng cao năng lực tiếp cận và xử lý các vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền của QH trong lĩnh vực tài chính và ngân sách.
 
Cùng với Kết quả nghiên cứu Các chỉ tiêu giám sát tài chính, trong những ngày cuối năm nay, Ủy ban Kinh tế cũng đã công bố hai kết quả nghiên cứu kinh tế vĩ mô khác là, Lạm phát mục tiêu và hàm ý đối với khuôn khổ chính sách tiền tệ ở Việt NamTỷ giá hối đoái giai đoạn 2000 – 2011: các nhân tố quyết định, mức độ sai lệch và tác động đối với xuất khẩu. Còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các Kết quả nghiên cứu này nhưng việc Ủy ban Kinh tế lựa chọn 3 vấn đề nóng nhất của kinh tế vĩ mô hiện nay để nghiên cứu và đề xuất hướng giải quyết là nỗ lực rất đáng ghi nhận của cơ quan chuyên môn của QH trong việc cung cấp thông tin, từ đó góp phần nâng cao năng lực giám sát và quyết định các vấn đề kinh tế vĩ mô cho các ĐBQH. Những khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế có thể chưa thật đầy đủ và còn phải tiếp tục hoàn thiện mới được gửi đến các ĐBQH, các cơ quan hoạch định chính sách nhưng có thể thấy, nghiên cứu đã gợi mở nhiều ý tưởng để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của QH, các cơ quan của QH trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Trong đó, có những khuyến nghị để có thể hiện thực hóa được thì đòi hỏi vai trò rất lớn của QH, các cơ quan của QH như: khắc phục những lỗ hổng pháp lý của thị trường tài chính, thể chế hóa cơ chế chia sẻ thông tin, ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi hướng đến giám sát hệ thống tài chính hiện đại và thiên về giám sát rủi ro hơn là giám sát tuân thủ... Với riêng các ĐBQH, xin mượn lời của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc tại Hội thảo công bố các Kết quả nghiên cứu trên: mong rằng, các kết quả nghiên cứu sẽ không nằm trong ngăn bàn, sẽ lan tỏa rộng rãi và đóng góp tích cực vào hoạt động hoạch định chính sách...

    Ý kiến bạn đọc