Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01.01 năm 2012
EmailPrintAa
09:03 14/03/2013

Những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị làm gia tăng khí thải, chất thải, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đã tác động xấu đến môi trường sinh thái gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, môi trường đất, thoái hoá đất... do vậy, bảo vệ môi trường luôn được xác định là một chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế- xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế...”.

Với mục tiêu nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội trong mọi lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm bớt tác động tiêu cực, giảm thiểu ô nhiếm suy thoái, tạo nguồn thu cho hoạt động khôi phục môi trường phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam và thế giới. Ngày 15/11/2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật thuế bảo vệ môi trường. Ngày 29/11/2010, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 14/2010/L-CTN về việc công bố Luật thuế bảo vệ môi trường.

Theo quy định của Luật: có 08 nhóm hàng hoá mà khi sử dụng có thể gây ô nhiễm trên diện rộng sẽ phải nộp loại thuế này, đó là: Xăng dầu (Xăng các loại, nhiên liệu bay, diesel, dầu hoả, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn); Than đá (Than nâu, than an-tra-xít, than mỡ, than đá khác); Dung dịch hydrro-chloro-fluoro-carbon (Dung dịch HCFC); Túi ni lông thuộc diện chịu thuế; Thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Những hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế BVMT nhưng không được sử dụng ở Việt Nam thì sẽ được đưa vào đối tượng không chịu thuế BVMT

“Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh một số sản phẩm gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khoẻ con người thì phải nộp thuế BVMT”. Ngoài ra, đối với trường hợp ủy thác nhập khẩu hàng hóa thì người nhận ủy thác nhập khẩu là người nộp thuế; Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế. Là thuế gián thu nên thuế BVMT sẽ nằm trong giá. Đổi lại, ngân sách sẽ chi trả cho người dân thông qua đầu tư hạ tầng, BVMT, phúc lợi xã hội...

Số lượng hàng hoá tính thuế được qui định cụ thể đối với từng loại hàng hoá như đối với hàng hóa sản xuất trong nước, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho; đối với hàng hóa nhập khẩu, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu.

Phương pháp tính thuế là: Số thuế BVMT phải nộp bằng số lượng đơn vị hàng hóa chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa.

Mức thuế BVMT được qui định theo thuế tuyệt đối để đơn giản, minh bạch trong thực hiện, bảo đảm ổn định số thu ngân sách nhà nước. Mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hoá được quy định với mức thuế tuyệt đối tối thiểu và mức thuế tuyệt đối tối đa. Túi ni lông sẽ chịu mức thuế cao nhất là 40.000 đồng/kg. Mức thuế thấp nhất là dầu mazut, dầu hỏa, dầu nhờn (300 đồng/lít).

Thời điểm xác định thuế được quy định phù hợp với từng nhóm hàng hoá. Đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, thời điểm tính thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa; Đối với hàng hóa sản xuất đưa vào tiêu dùng nội bộ, thời điểm tính thuế là thời điểm đưa hàng hóa vào sử dụng; Đối với hàng hóa nhập khẩu, thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; Đối với xăng, dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng, dầu bán ra. Để không làm tăng chi phí trong tổ chức thực hiện chính sách mới, Luật thuế BVMT qui định việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế BVMT đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho được thực hiện theo tháng và theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế BVMT đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện cùng thời điểm với khai thuế và nộp thuế nhập khẩu. Thuế BVMT chỉ nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu.

Luật thuế BVMT có hiệu lực từ ngày 01/01/2012, để bảo đảm thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện ở tỉnh ta, Cục thuế tỉnh cần mở các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ trong ngành và cho các tổ chức cá nhân chịu sự điều chỉnh của luật, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan làm tốt công tác tuyên truyền để cho Luật thuế bảo vệ môi trường nhanh chóng đi vào cuộc sống.


    Ý kiến bạn đọc