Một số ý kiến tham gia góp ý đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
EmailPrintAa
16:51 02/04/2025

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tổ chức lấy ý kiến đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) với mục đích sửa đổi căn bản, toàn diện và hợp lý các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để cụ thể hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) (dự thảo Luật), tác giả có một số góp ý như sau:

Thứ nhất , tại dự thảo có nhiều điều, khoản đề cập đến đối tượng là “ tổ chức hành chính khác ” (tại khoản 1 Điều 14); “ cơ quan hành chính khác ” (điểm b khoản 2 Điều 15, điểm r khoản 1 Điều 18, điểm a khoản 2 Điều 19); “ tổ chức cộng đồng dân cư ” (điểm a khoản 2 Điều 15; điểm s khoản 1 Điều 18; điểm b khoản 2 Điều 19; điểm đ khoản 1 Điều 21…); tuy nhiên, không thể hiện rõ đây là các cơ quan, tổ chức nào. Do đó, đề nghị làm rõ các khái niệm này.

Thứ hai , tại Điều 5, khoản 1 quy định “HĐND … giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương…”. Đây là nội dung quy định mới so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025. Tuy nhiên, tại khoản 9 Điều 15 (Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh); khoản 7 Điều 19 (Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã) quy định: HĐND “giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cấp mình; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, Ban của HĐND cấp mình; giám sát hoạt động của UBND cùng cấp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác ở địa phương theo quy định của pháp luật”. Do đó, cần nghiên cứu, điều chỉnh lại nội dung tại khoản 1 Điều 5 cho đầy đủ, thống nhất với nội dung thể hiện tại Điều 15, Điều 19 của dự thảo.Khoản 5 cũng quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND…”. Tuy nhiên, để đầy đủ và phù hợp hơn, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh theo hướng: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động của HĐND cấp tỉnh; HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cấp tỉnh giám sát hoạt động của HĐND cấp cơ sở.

Thứ ba, tại điểm c khoản 3 Điều 8, dự thảo quy định việc giải thể đơn vị hành chính được thực hiện trong trường hợp “Do tổ chức lại đơn vị hành chính theo định hướng của cơ quan có thẩm quyền”. Quy định này không phù hợp với nguyên tắc của việc tổ chức đơn vị hành chính được quy định tại điểm khoản 1 Điều này (đó là: “Tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật…”) và không thể hiện cơ quan nào có thẩm quyền “định hướng” việc giải thể đơn vị hành chính? Bên cạnh đó, “định hướng” không thể coi là quy định pháp luật để thực hiện việc giải thể đơn vị hành chính. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, tránh tùy tiện trong việc áp dụng khi dự thảo được thông qua.

Thứ tư , tại điểm a khoản 1 Điều 10, đề nghị quy định rõ cơ quan có thẩm quyền phân công UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng đề án thành lập,giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính và đổi tên đơn vị hành chính cấp cơ sở cho đầy đủ (dự thảo mới chỉ nêu Chính phủ phân công UBND cấp tỉnh chủ trì xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh) .

Thứ năm , tại khoản 7 Điều 14, Quy định “… công chức thuộc UBND cấp xã được Chủ tịch UBND cấp xã giao thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn ký thừa ủy quyền thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về công tác văn thư”. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 của dự thảo thì không gọi là “UBND cấp xã” (gọi là UBND cấp cơ sở); và theo khoản 2 Điều 38 thì UBND cấp cơ sở có cơ quan chuyên môn. Do đó, cần nghiên cứu lại nội dung này cho chính xác, thống nhất.

Thứ sáu , tại Điểm a khoản 5 Điều 15, dự thảo quy định nhiệm vụ của HĐND tỉnh trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường và nông, lâm, ngư nghiệp là “Quyết định các chủ trương lớn trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường và nông, lâm, ngư nghiệp, phòng chống thiên tai tại địa phương”; tuy nhiên, dự thảo không xác định thế nào là “chủ trương, chính sách lớn”? Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh nội dung này, đảm bảo sự phân cấp rõ ràng về nhiệm vụ này giữa HĐND cấp tỉnh và HĐND cấp cơ sở.

Thứ bảy , tại điểm o khoản 1 Điều 18, đề nghị tách nội dung liên quan đến “tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một của liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp cơ sở và việc cung ứng các dịch vụ công phức tạp, vượt quá khả năng, nguồn lực của chính quyền địa phương cấp cơ sở hoặc có phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp cơ sở trở lên” thành một khoản riêng vì việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính không chỉ được thực hiện trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hộ tịch mà được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực khác.

Thứ tám , tại điểm c khoản 2 Điều 19, đề nghị cân nhắc việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã trong việc “xem xét” về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp mình, bởi vì cơ quan có thẩm quyền “xem xét” thông thường là cơ quan có thẩm quyền “quyết định”, HĐND xã không có thẩm quyền quyết định các nội dung này. Do vậy, đề nghị bỏ từ “xem xét” ở điểm này, chỉ quy định HĐND cấp xã “cho ý kiến” đối với nội dung này cho phù hợp.

Thứ chín , tại Điều 29, đự thảo quy định Chủ tịch HĐND có nhiệm vụ, quyền hạn “Chủ tọa các phiên họp của HĐND” (khoản 1). Tuy nhiên, để tạo sự linh hoạt trong hoạt động, đề nghị xem xét, bổ sung Phó Chủ tịch HĐND (tại khoản 2) cũng có nhiệm vụ, quyền hạn “đồng chủ tọa” các phiên họp của HĐND. Khoản 4 Điều 29 đề nghị quy định rõ cơ quan có thẩm quyền chỉ định người điều hành hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND cấp cơ sở trong trường hợp cả Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND đều bị xử lý kỷ luật.

Thứ mười , tại khoản 2 Điều 30, đự thảo quy định trường hợp đại biểu không tham dự kỳ họp, phiên hợp của HĐND thì phải có lý do và báo cáo trước với Chủ tịch HĐND. Quy định này không phù hợp với trường hợp khuyết Chủ tịch HĐND. Do vậy, đề nghị cân nhắc quy định theo hướng khi không thể tham dự kỳ họp, phiên họp của HĐND, đại biểu có trách nhiệm báo trước với chủ tọa kỳ họp, phiên họp cho phù hợp thực tế.

Mười một , tại điểm b khoản 1 Điều 37, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh lại thành “b) Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND cấp trên đối với UBND cấp cơ sở; theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh” cho chính xác, đầy đủ.

Mười hai , tại Khoản 4 Điều 46, Quy định “HĐND cấp cơ sở bị giải tán chấm dứt hoạt động kể từ ngày nghị quyết giải tán HĐND được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn”. Đề nghị thay cụm từ “cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn” bằng cụm từ “Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn” cho chính xác, phù hợp, thống nhất với quy định tại điểm e khoản 1 Điều 15 dự thảo.

BBT

    Ý kiến bạn đọc