Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các Khu kinh tế, Khu công nghiệp Hà Tĩnh
EmailPrintAa
08:50 18/02/2019

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự đóng góp tích cực của các khu kinh tế (KKT) như Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Khu kinh tế Vũng Áng; khu công nghiệp (KCN) như khu công nghiệp Gia Lách, các KCN khác trong thời gian qua đã khẳng định là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế Hà Tĩnh.

Giai đoạn trước năm 2010 tại các KKT, KCN thu hút được 17 dự án (10 dự án trong nước và 07 dự án nước ngoài), nhưng giai đoạn 2010-2018 tại các KKT, KCN thu hút được 196 dự án đầu tư (146 dự án trong nước và 50 dự án nước ngoài), tăng 11,53 lần. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn KKT, KCN có hơn 500 doanh nghiệp đang hoạt động và có 167 dự án còn hiệu lực, gồm có 111 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 53,917 nghìn tỷ đồng và 56 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 13.615,764 triệu USD.

Một góc Nhà máy sản xuất tại KKT

Đến nay các dự án tại các KKT, KCN đã bắt đầu đi vào triển khai, hoạt động, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đã có bước tăng trưởng khá. Từ năm 2010 đến nay, tổng thu ngân sách tại các KKT, KCN là 37.556,64 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2010-2014 là 14.964,82 tỷ đồng, chiếm 57,58% tổng nộp ngân sách của toàn tỉnh. Giai đoạn 2015-2018 là 22.601,82 tỷ đồng, chiếm 56,94% tổng nộp ngân sách của toàn tỉnh.

Tổng số lao động trong các doanh nghiệp tại các KKT, KCN là: 21.129 người  trong đó có 18.877 lao động Việt Nam; 2.252 lao động nước ngoài với mức lương bình quân lao động trong KKT khoảng 6,8 triệu đồng/tháng.

Giai đoạn 2010-2018, tổng vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư vào các KKT, KCN khoảng 319.100,30 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 78,3% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của cả tỉnh (406.239 tỷ đồng).

Với các con số nêu trên, năm 2018 các KKT, KCN đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội của tỉnh, nhờ đó có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Đặc biệt sự phát triển của KKT Vũng Áng trong thời gian qua là động lực hình thành đô thị thị xã Kỳ Anh; mặc dù mới hơn 03 năm thành lập, từ một vùng đất khó khăn giờ đây thị xã đã có vóc dáng của một “trung tâm công nghiệp, đô thị” của khu vực với nhiều tiềm năng, lợi thế và từng bước khẳng định vị thế đô thị động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình trong tương lai không xa.

Tuy bước đầu có những kết qua như vậy, nhưng tại các KKT, KCN còn tồn tại, hạn chế như: Thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sau thép gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm điều kiện phát triển cho các KKT, KCN; còn tình trạng một số dự án triển khai chậm tiến độ, hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, gây lãnh phí đất đai, hạ tầng KCN, KKT do gặp khó khăn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; một số doanh nghiệp chỉ chú trọng công tác sản xuất kinh doanh, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm...; nguồn lao động qua đào tạo còn thiếu, ngành nghề và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp KKT, KCN…

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, xây dựng và phát triển các KKT, KCN theo định hướng đã đề ra nhằm đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại, một trong các giải pháp đó là phải nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với các KKT, KCN trên các mặt như sau:

Thứ nhất, tuyệt đối tuân thủ quy hoạch, tham mưu ban hành chính sách phù hợp kịp thời, quyết liệt trong cải cách hành chính, tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch đã được phê duyệt, trên cơ sở đó khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của cảng nước sâu, cửa khẩu quốc tế; khai thác lợi thế giao thông, nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng chiến lược, lộ trình khai thác hợp lý để đưa hiệu quả cao nhất. Đồng thời, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, đối chiếu với thực tế để đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ các cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư.

Rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy định thuộc chức năng quản lý nhà nước đối với các KKT, KCN; tham mưu cho tỉnh trong việc sửa đổi, ban hành các chính sách ưu đãi phù hợp với thực tế phát triển địa phương; kịp thời cập nhật các chính sách phù hợp các Luật mới, tạo môi trường đầu tư nhất quán và thông thoáng.

Đối với các dự án trọng điểm, dự án hạt nhân phát triển trong các KKT, KCN cần đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để dự án triển khai đúng lộ trình, tiến độ đề ra.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án; Công khai thủ tục hành chính đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4.

Thứ hai , xúc tiến đầu tư, đảm bảo môi trường phát triển bền vững

Tiếp tục công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư có trọng tâm trọng điểm nhằm khai thác tốt nhất sản phẩm có công nghệ cao, có hàm lượng chất xám lớn. Tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đối với các sản phẩm chế biến sâu, nhất là quan tâm đến lĩnh vực cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các lĩnh vực hỗ trợ ngành gia công sau thép, các ngành dịch vụ sửa chữa, cơ khí,…vv. Trong xúc tiến đầu tư tiếp tục xác định mục tiêu, định hướng phát triển các ngành tại các KKT, KCN với quy mô, công suất, công nghệ, … phù hợp, giữ vững được định hướng chiến lược phát triển đặc thù của từng KKT, KCN; ưu tiên lựa chọn được nhà đầu tư có tiềm lực, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Tăng cường rà soát, kiểm tra đôn đốc, xử lý nghiêm dự án sử dụng đất chậm tiến độ, không triển khai.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Lãnh đạo tỉnh tham quan Dự án Khu liên hợp Gang thép Formosa Hà Tĩnh

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kiểm tra, kiểm soát công tác bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng hướng dẫn trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời quy định pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp để thực hiện. Đặc biệt chú trọng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm bảo vệ môi trường.

Thứ ba , công tác quản lý lao động, cung ứng nguồn nhân lực, đảm bảo các điều kiện thiết yếu cho người lao động.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở thực hiện và phối hợp quản lý, đổi mới cách thức quản lý để công tác quản lý lao động đạt hiệu quả tốt nhất; gắn quản lý lao động với quản lý an ninh, trật tự, quản lý tạm trú, lưu trú của người lao động; gắn công tác tuyên truyền với công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; Ban Quản lý KKT tỉnh thường xuyên có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động; yêu cầu báo cáo tình hình sử dụng lao động định kỳ hàng tháng. Ban đã thành lập các tổ công tác thường xuyên bám sát từng doanh nghiệp, nhà thầu để hướng dẫn, kiểm tra, nắm tình hình lao động, thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động.

Xây dựng chiến lược phát triển nhân lực cho sự phát triển bền vững với việc tạo các cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động, cung ứng nhân lực cho các KKT, KCN giữ vững sự đồng thuận trong nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời tăng cường liên kết đào tạo lao động có tay nghề trong các trường dạy nghề, đào tạo lao động tri thức trong các trường đại học để từng bước và tiến tới chủ động tối đa về lao động cho sự phát triển các KKT, KCN về lâu dài.

Thường xuyên trao đổi, cập nhật để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhà thầu tại các KKT, KCN để định hướng chuyển đổi, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong KKT, KCN.

Thứ tư , UBND tỉnh cũng như các sở, ngành cần xem xét, đẩy mạnh việc ủy quyền các chức năng nhiệm vụ cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh theo tinh thần của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế để thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” nhằm giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, tạo đột phá về đầu tư và phát triển khu kinh tế mà không làm giảm vai trò giám sát của các ngành chuyên môn trong hệ thống hành chính./.


    Ý kiến bạn đọc