Nhớ mãi ngày 30 tháng 4 năm ấy!
EmailPrintAa
21:31 29/04/2022

Đó là kỷ niệm khó quên của tôi về 30.4.1975 - ngày mà cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta giành được thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, kết thúc một trong những cuộc chiến tranh giữ nước lâu dài nhất, gian khổ nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Ngày hôm đó, chúng tôi - những người giúp việc của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiêm Chủ tịch Tổng Công đoàn đang ăn cơm trưa ngay tại Văn phòng thì có điện thoại:

- Xin lỗi, đồng chí là ai? - người gọi điện đến giọng rất “lính”.

- Tôi, thư ký đồng chí Hoàng Quốc Việt.

- Tôi, Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng yêu cầu đồng chí báo cáo ngay với Thủ trưởng Việt là chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng; quân ta đã chiếm được Phủ Tổng thống Ngụy lúc 11h30 phút. Chào đồng chí.

Thế là chiến tranh đã kết thúc. Mừng quá là mừng. Điều mong ước bấy lâu nay của Nhân dân ta đã trở thành hiện thực!

Niềm vui chiến thắng vỡ òa trong căn phòng nhỏ. Chẳng ai bảo ai, tất cả bỏ cơm, chúng tôi chạy lên vây quanh Thủ trưởng. Những chén rượu gấc, đặc sản mà Ban Quản trị - Tài chính Trung ương dành cho các đồng chí lãnh đạo được đem ra để ăn mừng chiến thắng.

Chuyện đang rôm rả, bỗng Thủ trưởng quay sang hỏi tôi: - Thế bài diễn văn kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5 đọc chiều nay, ta xử lý ra sao?

Từ hồ hởi, phấn khởi chuyển sang băn khoăn, lo lắng. Diễn văn đã được viết cách đây đúng một tuần, đã được tập thể Ban Thư ký Tổng Công đoàn góp ý và lãnh đạo cấp trên thông qua. Mạch văn vẫn là thừa thắng xông lên, tiếp tục tấn công, tiếp tục nổi dậy, miền Bắc không tiếc máu xương, tất cả vì miền Nam ruột thịt… Với chiến thắng hôm nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Nghĩa là bài diễn văn hiện có đã bị “phá sản”. Thầy trò chúng tôi bàn nhau viết lại để kịp đọc vào buổi mít tinh lúc 15 giờ chiều hôm đó. Các phần khác có thể sửa nhanh. Riêng thái độ của ta đối với Mỹ và tướng lĩnh, sĩ quan Ngụy thì chịu, vì đây là vấn đề hệ trọng, thuộc đường lối của Đảng.

Sau một hồi trao đổi, thầy trò quyết định sang xin ý kiến đồng chí Trường Chinh, hồi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác lý luận - tư tưởng, Chủ tịch Quốc hội.

Sau ít phút mừng vui khôn xiết với chiến thắng vĩ đại của dân tộc, đồng chí Hoàng Quốc Việt đi thẳng vào đề và được đồng chí Trường Chinh lý giải:

- Đây là thái độ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với kẻ thù sau khi “Mỹ cút, Ngụy nhào”, là đường lối, là chính sách của Đảng và Nhà nước. Tôi và anh không thể tự định đoạt được. Chúng ta cùng sang xin ý kiến anh Ba [1] .

Đồng chí Trường Chinh ở nhà số 3, đồng chí Hoàng Quốc Việt ở nhà số 5, còn đồng chí Lê Duẩn ở cuối ngõ số 7, đường Nguyễn Cảnh Chân nên chưa đầy 10 phút, các đồng chí đã gặp nhau. Chiến thắng vĩ đại là tất yếu, nhưng đến có phần quá bất ngờ ngay cả đối với những người có trách nhiệm chủ chốt chỉ đạo chiến tranh đã khiến các đồng chí không giấu nổi niềm vui, xúc động.

Ba cây “đại thụ” của cách mạng Việt Nam ôm chầm lấy nhau, miệng cười nhưng mắt nhòa lệ, làm tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt”.

Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt chưa kịp trình bày thì đồng chí Lê Duẩn đã nói ngay:

- Mấy năm trước đây, Nhân dân ta đã đánh cho “Mỹ cút” và hôm nay Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy như vũ bão của Nhân dân và Quân đội ta đã làm cho “Ngụy nhào”, đưa cách mạng nước ta bước sang một trang sử mới. Để giải quyết những nhiệm vụ trước mắt, tôi đã triệu tập Bộ Chính trị họp gấp vào chiều nay, đề nghị anh Việt cùng dự và cho lùi thời gian cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động vào ngày mai, mồng 1.5.

Chiều hôm đó, Bộ Chính trị đã họp và đề ra nhiều quyết sách quan trọng. Riêng đối với Mỹ, diễn văn mà đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc trong Ngày Quốc tế Lao động được viết lại với nội dung như sau:

“Với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chúng ta gửi lời chào hữu nghị đến Nhân dân Mỹ. Chúng ta cảm ơn những người Mỹ có lương tri đã đồng tình và ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam. Chúng ta mong rằng từ nay mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ sẽ bước sang một trang sử mới”.

Lúc đó, khi viết những dòng chữ này, bản thân tôi không thông và có phần nào bị sốc. Mới ngày hôm qua, các phương tiện thông tin đại chúng của ta vẫn gọi Mỹ là “tên đế quốc đầu sỏ”, tên “sen đầm quốc tế”, tên “hung nô thời đại” với “tội ác ngất trời, muôn đời, muôn kiếp không tan”…, nay sao đổi giọng nhanh quá vậy. Tôi nêu thắc mắc đó với Thủ trưởng. Ông không giải thích mà chỉ nói: - Cậu cứ viết đúng như tôi bảo. Sau này cậu sẽ hiểu.

Năm tháng qua đi, tuổi tác và kiến thức của tôi cũng lớn dần. Đặc biệt, thực tiễn đã giúp tôi dần dần hiểu rõ tư tưởng hòa hiếu của ông cha ta, được Bộ Chính trị kế thừa và phát triển.

Đó là thông điệp đầu tiên mà Chính phủ và Nhân dân ta gửi đến Chính phủ và Nhân dân Mỹ ngay sau ngày chiến tranh kết thúc. Nó thấm đượm tinh thần hòa hiếu và khát vọng hòa bình. Nó chứa đầy chất nhân văn mà ông cha ta truyền lại cho thế hệ chúng ta sau mỗi lần chiến thắng kẻ thù. Nó thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập, trong những bức thư mà Bác Hồ kính yêu đã gửi nhà cầm quyền Mỹ khi Nhân dân ta vừa giành được độc lập.

Tiếc rằng, do thất bại quá nặng nề ngoài sức tưởng tượng, cộng thêm tính “tự cao” của một cường quốc đứng đầu phe đế quốc, những người lãnh đạo nước Mỹ lúc đó đã khước từ mọi thiện chí của Nhà nước và Nhân dân ta, tiến hành cấm vận lâu dài.

Ngót nửa thế kỷ đã qua từ ngày 30.4 năm ấy, đặc biệt là qua hơn 35 năm Đổi mới, với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước Đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [2] .

Với những thành tựu như vậy, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và với tinh thần “khép lại quá khứ, mở ra tương lai”, hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế của nước ta không ngừng được mở rộng.

Đối với Mỹ, đã một thời là kẻ thù của nhau, nay đã có sự chuyển biến cơ bản. Quan hệ giữa Chính phủ và Nhân dân hai nước đã có bước phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Thiện chí, hòa bình và hợp tác của Nhân dân Việt Nam đối với Hoa Kỳ mà Chính phủ Hồ Chí Minh đã nêu ra từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được Đảng, Nhà nước ta tái khẳng định khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược vừa kết thúc đã trở thành hiện thực, và đang trên con đường hoàn thiện, phát triển, vì lợi ích của hai nước, hai dân tộc và nhân dân hai nước.

Báo daibieunhandan.vn

    Ý kiến bạn đọc