Những vấn đề đặt ra trong công tác cập nhật, chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
EmailPrintAa
14:20 13/12/2023

Công tác cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Nhằm quản lý quỹ đất có hiệu quả, làm cơ sở để Nhà nước phân tích các hiện tượng kinh tế, xã hội phát triển trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Do đó, công tác cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính luôn được Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí thực hiện. Hồ sơ địa chính được lập theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980; Luật đất đai năm 1993; Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013...

Tại Hà Tĩnh, trên cơ sở Dự án tổng thể “ Xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015 ”; Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 54/2013/NQ-HĐND ngày 13/7/2013 về Hoàn thành đo vẽ bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 175/NQ-HĐND ngày 15/12/2019 về cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo để đảm bao nguồn kinh phí, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 13/13 huyện, thị xã, thành phố được đo đạc bản đồ địa chính, 215/216 xã, phường, thị trấn có bản đồ địa chính chính quy phục vụ công tác quản lý đất đai, có 13.203 tờ bản đồ địa chính với 2.573.127 thửa đất; cùng với đó đo vẽ bản đồ đất lâm nghiệp phục vụ giao đất, giao rừng cũng được quan tâm triển khai thực hiện tại 138 xã với diện tích 42.417ha. Hệ thống hồ sơ địa chính được thiết lập dạng số và dạng giấy cơ bản đảm bảo về số lượng, tính pháp lý theo quy định;

Hàng năm các thửa đất có biến động cơ bản được đo đạc, cập nhật sao quét hồ sơ bổ sung vào cơ sở dữ liệu đất đai. Việc sao quét hồ sơ biến động đất đai bổ sung vào cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện đồng thời với vận hành cơ sở dữ liệu và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Việc cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính trong thời gian qua đã góp phần tạo chuyển biến căn bản về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, giúp chính quyền các cấp kiểm soát được biến động đất đai, nắm chắc quỹ đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Huy động nguồn lực từ người sử dụng đất thực hiện công tác chỉnh lý biến động đất đai thông qua việc áp dụng giá dịch vụ công về đo đạc bản đồ, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác đo đạc xây dựng lại hồ sơ địa chính sau một thời gian biến động. Người sử dụng đất được đảm bảo quyền lợi, thuận tiện trong việc khai thác thông tin đất đai, giảm thiểu các thủ tục về đất đai.

Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát kết quả thực hiện cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại thị xã Kỳ Anh.

Đo vẽ bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cập nhật, chỉnh lý biến động là nhiệm vụ có tính chiến lược trong công tác quản lý đất đai. Tuy vậy, qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, như: Sau khi đo vẽ xong không tổ chức kê khai đăng ký cấp giấy CNQSDĐ; cấp giấy CNQSDĐ sau khi đo vẽ bản đồ địa chính nhưng chưa hoàn thiện bản đồ sau cấp giấy; hồ sơ chưa đầy đủ, chưa thể hiện hết thông tin về thửa đất, còn có sự khác nhau giữa hiện trạng sử dụng và hồ sơ địa chính, gây khó khăn cho công tác quản lý; Việc cập nhật, chỉnh lý biến động chưa được quan tâm thực hiện trong thời gian dài, do đó khối lượng, thời gian và kinh phí nay phải bỏ ra là rất lớn, ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh chưa được quan tâm thực hiện…;

Đến nay, còn 18 xã bản đồ địa chính đo vẽ trong giai đoạn 1993-2004 chưa được cập nhật chỉnh lý biến động lần nào; cá biệt có xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh chưa có bản đồ địa chính. Chưa thực hiện việc đo đạc lập bản đồ và hoàn thiện hồ sơ địa chính 19 xã, phường, thị trấn. Còn 65/237 xã chưa hoàn thiện để trình phê duyệt bản đồ sau cấp giấy;

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh quá trình triển khai chậm. Lưu giữ hồ sơ, bản đồ địa chính còn lỏng lẻo, có nhiều địa phương không có hồ sơ. Chưa quan tâm bố trí kinh phí thực hiện cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính, nhất là cấp huyện đến nay mới chỉ có 03 huyện có bố trí trí kinh phí để thực hiện. Huy động nguồn lực xã hội hóa chưa đáng kể, chủ yếu là thực hiện qua các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, nguồn vay nước ngoài….

Từ những thực trạng và khó khăn hạn chế nêu trên để công tác cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính thực sự có hiệu quả cần quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất là, hoàn thiện thế chế đảm bảo đồng bộ phù hợp với các điều kiện thực tiễn như: thời hạn điều chuyển, trách nhiệm, quyền hạn cán bộ địa chính; quy định bộ thủ tục hành chính về đất đai; việc lưu trữ, chuyển giao hồ sơ, cơ sở dữ liệu địa chính; đồng bộ, thống nhất về phần mềm số hóa trong công tác đo vẽ, cập nhật hồ sơ, bản đồ địa chính…

Thứ hai là, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật, các quy định của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký biến động đất đai, thu giá dịch vụ công để người sử dụng đất biết, thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Thứ ba là, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đo vẽ, cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính trong những năm qua, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp phù hợp vời tình hình thực tiễn của tỉnh nhà.

Thứ tư là, Quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục việc cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai, đảm bảo thông tin về thửa đất trên giấy tờ và thực tế sử dụng là đồng nhất, phục vụ chức năng quản lý nhà nước về đất đai, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. cùng với đó án hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân hiến đất phục vụ lợi ích công cộng.

Thứ năm là, đảm bảo yêu cầu số lượng, chất lượng cán bộ, thiết bị, phương tiện, máy móc thực hiện đo vẽ, cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất đai trên địa bàn toàn tỉnh./.

Lê Ngọc Hà - Phó Phòng CTHĐND

    Ý kiến bạn đọc