Nữ giáo viên năng động, tâm huyết với nghề
EmailPrintAa
16:53 25/10/2011

Cơ sở vật chất khang trang, môi trường đạt chuẩn cho việc giáo dục, chăm sóc trẻ em giữa vùng quê nghèo Cẩm Lộc. Đó là cả quá trình gian nan, mang đầy nhiệt huyết của cô giáo Nguyễn Thị Thu – Hiệu trưởng trường Mầm non Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên

Cô Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1974, tại xã Cẩm Hà. 17 tuổi cô Thu trở thành giáo viên trường Mầm non xã Cẩm Hà và gắn với ngôi trường này gần 16 năm. Tháng 7 năm 2007, cô Thu được Phòng Giáo dục điều về làm Hiệu trưởng trường Mầm non Cẩm Lộc. Khi về đây nhận công tác, trường Mầm non Cẩm Lộc đang nằm phân tán ở 8 điểm trong xã và cả 8 điểm trường này đều là nhà văn hóa của thôn. Chật chội, nhếch nhác, thiếu thốn đủ bề là diện mạo chung của cả 8 điểm trường. Chính vì vậy nên tỷ lệ huy động trẻ đến trường chỉ đạt gần 40%. Vượt lên tẩt cả những trở ngại đó, khi về đây nhận công tác không nản chí, không ngại khó, ngại khổ cô Thu đã từng bước liên hệ với chính quyền địa phương để học sinh về địa điểm học tập trung. Biết rằng Cẩm Lộc còn nghèo không để thực hiện ngay một lúc nên cô đã đi từng bước một. Năm học 2008 – 2009, cô Thu đã thành công bước đầu khi chính quyền địa phương đồng ý cho 3 lớp Mầm non ở 3 thôn về học tại trường THCS Cẩm Lộc. Khi trao đổi với chúng tôi cô Thu tâm sự: “Bắt đầu nhận công tác tại Cẩm Lộc tôi hiểu rằng vấn đề cơ bản là do các em không có nơi học tử tế nên phụ huynh không yên tâm, không muốn cho con đến lớp học và giáo viên cũng rất nản lòng. Vì vậy vấn đề đầu tiên tôi nghĩ đến là phải có một mái trường cho các em để ở đó mỗi em đều được vui chơi, khám phá thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, đạt được điều đó việc làm ngay trước mắt là phải nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ

Là ngôi trường đóng ở địa điểm xa trung tâm, nên để đảm bảo thức ăn luôn tươi sống cô Thu đã tìm đến những phụ huynh làm nghề chài lưới và phát triển kinh tế vườn để hợp đồng những sản phẩm sẵn có tại địa phương như tôm, cá, rau xanh. Cùng với đó, cô Thu thường xuyên thực hiện việc kiểm tra để qua đó hướng dẫn thêm nghiệp vụ cho một số giáo viên, đồng thời nhắc nhở những trường hợp giáo viên còn nhiều thiếu sót trong quá trình giảng dạy, chăm sóc trẻ. Nhờ đó đã phát huy được tinh thần, trách nhiệm của từng cán bộ, giáo viên trong trường. Vui mừng trước những đổi thay của mái trường ở vùng quê khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Nhung – Giáo viên trường Mầm non Cẩm Lộc cho biết: “Khi cô Thu về đây nhận công tác cô đã truyền cho chúng tôi lòng nhiệt huyết, sự yêu nghề nên mỗi người đã tự đổi mới tư duy, hành động, không ngừng học hỏi. Nhờ đó hiệu quả công việc được nâng cao rõ rệt”

Cô Thu thường xuyên theo dõi các tiết học để kịp thời uốn nắn những thiếu sót cho giáo viên đứng

 

Học kỳ 2, năm học 2008 – 2009 khi trường THCS Cẩm Lộc sát nhập với trường THCS Cẩm Trung, cô Thu đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền chọn nơi đây làm địa điểm xây trường mầm non. Nhận thấy đó là sự đúng đắn phù hợp với nhu cầu phát triển của giáo dục nên năm 2009 xã Cẩm Lộc đã tiến hành đầu tư xây trường mầm non với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng từ nguồn vốn của dự án và của địa phương. Năm học 2010 – 2011 các lớp học ở hội quán thôn đã được chuyển về học tập trung tại đây. Khi có được cơ sở vật chất, cô Thu cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên có điều kiện tập trung đầu tư chuyên sâu cho chất lượng, các phòng học được bố trí khoa học, phù hợp với từng độ tuổi của trẻ nên các cháu có được môi trường vui chơi, học tập tốt nhất. Đến nay, trường Mầm non Cẩm Lộc có 10 nhóm lớp với 266 học sinh và 22 cán bộ, giáo viên, tỷ lệ học sinh đến trường đạt trên 70%. Đầu năm học 2011 – 2012, trường được công nhận chuẩn quốc gia và được chuẩn sang công lập. Bà Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Cẩm Xuyên khẳng định: “Là một đồng chí nữ đảm nhận công tác quản lý ở địa phương nghèo, khó khăn, giáo dân chiếm 52% dân số, nhưng cô Nguyễn Thị Thu đã rất nỗ lực, sáng tạo trên cả 2 phương diện: xây dựng cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ. Vì vậy, cô đã được chính quyền địa phương hết sức tin tưởng và được phụ huynh đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, đến nay Trường Mầm non Cẩm Lộc đã có cơ sở vật chất khang trang, quy tụ được học sinh về học tập trung. Đó thật sự là một kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng đưa phong trào giáo dục của xã Cẩm Lộc đi lên và xóa dần khoảng cách chênh lệnh trong đào tạo giáo dục giữa các địa phương, các vùng miền trong huyện”

Tình yêu trẻ thơ cộng với sự nổ lực không ngừng, sự năng động, sáng tạo và tâm huyết với nghề đã là nền tảng vững chắc để cô giáo Nguyễn Thị Thu vượt lên tất cả những khó khăn, mang đến những khởi sắc cho vùng quê nghèo Cẩm Lộc và trở thành điển hình của ngành giáo dục Cẩm Xuyên.

 


    Ý kiến bạn đọc