PHÁT HUY VAI TRÒ HỘI NÔNG DÂN TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
EmailPrintAa
12:13 11/10/2019

Trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của BCH Trung ương khóa X và Nghị quyết số 08-NQ/ TW ngày 19/5/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020, cùng với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi tắt là Chương trình), Hội Nông dân Hà Tĩnh đã tích cực phát huy vai trò, chức năng của tổ chức Hội và hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nét nổi bật là các cấp Hội đã tập trung tích cực tuyên truyền, vận động để hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của các nghị quyết và Chương trình gắn với ba phong trào thi đua lớn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Kết quả đã tổ chức được hơn 6.000 cuộc tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn; nhất là tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, như: thông qua sinh hoạt chi Hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, Website Hội Nông dân tỉnh; phối hợp tổ chức các hội thi sân khấu hóa nhằm đa dạng và nâng cao hiệu quả truyên truyền như: Nhà nông đua tài, showgame truyền hình “Nông thôn ngày mới”.

Khai giảng lớp dạy nghề chăn nuôi gà tại huyện Vũ Quang

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như: tham gia xây dựng Đề án phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, các hợp tác xã, tổ hợp tác...; tư vấn, giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tín chấp cho nông dân vay vốn, giống cây con và máy móc nông cụ trả chậm; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể, phối hợp với các sở, ngành triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn... Các cấp Hội đã cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng việc tổ chức đăng ký những nội dung, phần việc, tiêu chí cụ thể mà các cấp Hội tham gia tại các xã, thôn. Vận động hội viên nông dân hiến đất, tài sản, kinh phí, ngày công và huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở, xây dựng nhà ở, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Tổ chức các đợt ra quân làm giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng... Trong 10 năm các cấp Hội vận động hiến hàng trăm ngàn m2 đất, tường rào, cây các loại; hướng dẫn chỉnh trang, cải tạo trên 107.000 vườn tạp, xây dựng mới 4.716 vườn mẫu, tham gia tích cực xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Thực hiện chủ trương của tỉnh về đỡ đầu xã xây dựng nông thôn mới, trong 10 năm Hội đã nhận giúp đỡ 5 xã xây dựng nông thôn mới; với nhiều hình thức như: Hỗ trợ các loại cây giống, ngày công lao động, hướng dẫn xây dựng vườn mẫu; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề; tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác cho vay vốn để phát triển kinh tế; hỗ trợ mua sắm các thiết chế nhà văn hoá các thôn... Tổng kinh phí đã hỗ trợ 1,918 tỷ đồng; góp phần giúp 3 xã về đích Nông thôn mới theo đúng thời gian, còn 2 xã dự kiến về đích cuối năm 2019.

Để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, ngày 08/5/2017 Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HNDT về “Nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân”. Nghị quyết ra đời được các cấp Hội Nông dân và hội viên, nông dân toàn tỉnh đồng tình, hưởng ứng tích cực, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất cho nông dân. Trước hết là hỗ trợ nông dân kiến thức khoa học. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ nông dân và Hội Nông dân cấp huyện, cấp xã tăng cường mở các lớp dạy nghề, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Chỉ tính riêng Trung tâm hỗ trợ nông dân từ đầu năm đến nay đã mở được 13 lớp nghề ngắn hạn trình độ sơ cấp; trực tiếp đào tạo và cấp chứng chỉ cho 390 nông dân; các cấp Hội đã phối hợp đào tạo nghề cho 1.570 nông dân. Phối hợp với các trường mở lớp đào tạo lớp đại học chuyên ngành khoa học cây trồng cho 22 học viên, mở lớp Trung cấp Thú y cho 42 học viên; tổ chức 148 lớp tập huấn về chăm sóc và phòng bệnh trên các loại cây ăn quả cây lúa và hoa màu, nuôi trồng thuỷ sản, kiến thức phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây rau, kỹ thuật sử dụng máy nông nghiệp cho 12.520 lượt người; tổ chức 19 cuộc hội thảo đầu bờ cho 1.102 hội viên nông dân... Bằng phương pháp giảng dạy “cầm tay chỉ việc”, gắn lý thuyết với thực hành, sau học nghề học viên có việc làm, tăng thu nhập từ nghề đã học. Đội ngũ nông dân qua đào tạo nghề còn là các tuyên truyền viên tích cực giúp đỡ nhiều nông dân trong thôn, xóm cùng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo an toàn, hiệu quả, tạo tiền đề xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa.

Tiếp đến là hỗ trợ vay vốn, kết nối tiêu thụ nông sản. Các cấp Hội tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo lãnh, tín chấp cho người dân vay vốn, đồng thời tư vấn, hướng dẫn nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả. Đến nay có 42.859 hộ vay 1.664,622 tỷ đồng tại Ngân hàng CSXH, 30.349 hộ vay 1.877,662 tỷ đồng tại Ngân hàng NN &PTNT. Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay toàn tỉnh huy động được 1,2 tỷ Quỹ hỗ trợ nông dân, nâng tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp Hội quản lý đạt 32,616 tỷ đồng (tăng 2,050 tỷ so với cuối năm 2018). Từ nguồn quỹ này đã cho 1.368 hộ vay chăn nuôi bò lợn, hươu, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, sản xuất nấm; hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã. Những năm qua các cấp Hội đã vận động thành lập được 698 tổ hợp tác, 128 hợp tác xã. Một số mô hình tổ hợp tác tiêu biểu, như tổ hợp tác chăn nuôi bò chất lượng cao ở xã Thạch Hạ thành phố Hà Tĩnh, xã Yên Lộc huyện Can Lộc; tổ hợp tác chăn nuôi lợn ở xã Kỳ Lạc huyện Kỳ Anh, tổ hợp tác trồng cam ở Vũ Quang, Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp và môi trường xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn... Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phối hợp với các công ty cung ứng 8.569 tấn phân bón, 750 tấn thức ăn gia súc, 78 tấn lúa, lạc giống, trên 320 ngàn cây giống, 11.500 con giống dưới hình thức trả chậm (trả sau khi thu hoạch sản phẩm) để giúp bà con nông dân sản xuất, chăn nuôi kịp thời vụ. Hội Nông dân các cấp còn chủ động tìm kiếm các đối tác tin cậy để thực hiện liên kết trong sản xuất với nông dân, hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, hạn chế rủi ro và khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động Cửa hàng Nông sản an toàn của Hội Nông dân tỉnh để kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân (chỉ riêng từ ngày 6 - 10/9/2019 Cửa hàng đã kết nối tiêu thụ 34.000 quả bưởi cho bà con nông dân huyện Hương Khê những ngày lũ vừa qua).

Người nông dân được tập huấn, dạy nghề, được hỗ trợ vay vốn kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ đã mạnh dạn khai thác các tiềm năng về đất đai, rừng, mặt nước, huy động vốn, sức lao động đẩy mạnh phát triển sản xuất. Từ đó hình thành nhiều chủ trang trại, gia trại, nhiều chủ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh có hiệu quả (năm 2018 toàn tỉnh có 2.056 trang trại). Cũng từ đây tỷ lệ đăng ký và đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hàng năm tăng lên (bình quân hàng năm có trên 80.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp). Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân điển hình trong sản xuất, nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn (có 205 hộ có thu nhập từ 01 tỷ đồng trở lên, 1.541 hộ thu nhập từ 500 triệu đến dưới 01 tỷ đồng).

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh đã phát huy tốt vai trò trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Làm thay đổi nhận thức cho người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, sang sản xuất quy mô, tập trung, theo hướng liên doanh, liên kết và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tích cực hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn, chính sách ưu tiên, kiến thức khoa học kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm; từ đó nhiều nông dân đã mạnh dạn phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân hiến đất, tài sản, đóng góp công, của xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh ngày càng khởi sắc. Các hoạt động của Hội đã góp phần làm thay đổi nhận thức của hội viên, nông dân trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách, của Đảng, Nhà nước; thể hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân; niềm tin của nông dân đối với Đảng, chính quyền, với chế độ được nâng lên. Vai trò đại diện của tổ chức Hội trong việc chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân tiếp tục được khẳng định.

Theo ĐBND Hà Tĩnh

    Ý kiến bạn đọc