Phát triển du lịch Hà Tĩnh từ góc nhìn văn hóa vùng
EmailPrintAa
07:15 30/07/2018

Hà Tĩnh, vùng đất xưa được biết đến là “địa linh nhân kiệt”, với những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca bất tử, tiêu biểu cho lòng yêu nước, ý chí quật cường của mảnh đất, con người nơi đây. Song hôm nay, đến với Hà Tĩnh, chúng ta lại có thêm một cảm nhận mới, đó là vùng đất ẩn chứa tiềm năng du lịch. Mỗi địa danh làng xã, mỗi con đường, ngọn núi, dòng sông, bờ biển, đều là điểm đến du lịch của Hà Tĩnh.

Nhận thức được điều đó và để đánh thức, khai thác tiềm năng, đưa Hà Tĩnh trở thành điểm du lịch ấn tượng, hấp dẫn đối với du khách, Kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Đây là một trong những quyết sách quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển du lịch Hà Tĩnh, đưa việc phát triển du lịch trở thành nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và từng thời kỳ, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025 như tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 7/12/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh.

Với bờ biển dài 137km, nhiều bãi tắm đẹp; các khu bảo tồn thiên nhiên gắn với cảnh quan hùng vĩ và đa dạng sinh học tạo nên những điểm đến hấp dẫn như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Cửa Sót; núi Hồng - sông La, hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi, vườn Quốc gia Vũ Quang, suối Nước Sốt - Sơn Kim, quần thể khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, Hoành Sơn Quan, thác Vũ Môn, đảo nổi Xuân Giang, Lũy đá cổ Kỳ Lạc...

Lễ hội cầu ngư Nhượng bạn 

 

Hà Tĩnh còn có một hệ thống di sản với 459 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 78 di tích cấp quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt. Trong hệ thống di sản này có nhiều quần thể di tích, danh lam thắng cảnh đẹp, gắn với quê hương của nhiều danh nhân như di tích Đại thi hào Nguyễn Du, di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đền thờ Vua Mai Hắc Đế, đền thờ Chiêu trưng Đại Vương - Lê Khôi, chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, thành Sơn phòng Hàm Nghi, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập, khu lưu niệm anh hùng Lý Tự Trọng, khu lưu niệm Thành Sen nơi Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc...

Hà Tĩnh cũng là vùng đất nổi danh với đời sống văn hoá dân gian hết sức phong phú được phản ánh qua các làn điệu dân ca, ví dặm, qua lễ hội, làng nghề thủ công như: Hát Ví, hát Giặm, ca trù Cổ Đạm, múa sắc bùa, hò chèo cạn... Đặc biệt, dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại, “Mộc bản Trường học Phúc Giang”, “Hoàng hoa sứ trình đồ” được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...

Chỉ mới điểm xuyết vài nét về bức tranh tiềm năng du lịch Hà Tĩnh, chúng ta đã thấy được sự phong phú, đa dạng, muôn màu của nó. Tuy nhiên, để du lịch của Hà Tĩnh phát triển cần có sự gắn kết theo văn hóa vùng, sẽ tạo nên sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách và nhà đầu tư.

Trong xu thế hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế, việc phát triển du lịch phải gắn với văn hóa vùng là một tất yếu khách quan. Nghiên cứu lý thuyết về vùng văn hóa, tác giả Ngô Đức Thịnh cho rằng: Vùng văn hóa là một vùng lãnh thổ, có những tương đồng về hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu đã có mối quan hệ về nguồn gốc và lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế, xã hội, giữa họ đã diễn ra những giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại, nên trong vùng đã hình thành những đặc trưng chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với vùng văn hóa khác.

Trong vùng văn hóa có tiểu vùng văn hóa, đó là những bộ phận hợp thành vùng văn hóa, trong đó mỗi tiểu vùng được xác định với những nét đặc thù bị chi phối bởi không gian địa lý, khí hậu và lịch sử hình thành, phát triển của vùng.

Trên thế giới cũng đã có nhiều nghiên cứu về vùng văn hóa. Điển hình là thuyết “khuyếch tán văn hóa” ở Tây Âu, thuyết này quan tâm đến hiện tượng tương đồng văn hóa. Bên cạnh đó còn có lý thuyết “vùng văn hóa” trong nhân chủng học Mỹ cuối thế kỷ XIX. Lý thuyết vùng văn hóa theo loại hình: loại hình kinh tế, văn hóa; loại hình văn hóa, lịch sử của các nhà dân tộc học Xô Viết.

Ở Việt Nam các khuynh hướng nghiên cứu lý thuyết khá khiêm tốn, thành tựu của các nhà nghiên cứu Việt Nam chủ yếu vận dụng lý thuyết của các học giả nước ngoài vào việc xác định và phân vùng văn hóa ở Việt Nam theo các khuynh hướng khác nhau. Một vài khuynh hướng tiêu biểu đến từ thành tựu của các tác giả: GS. Đinh Gia Khánh, GS.TS Ngô Đức Thịnh, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, GS. Trần Quốc Vượng...

Để xác định một vùng văn hóa cần có một hệ tiêu chí cụ thể, hệ tiêu chí đó được xác định bởi không gian địa lý liên tục, liền khoảnh, có tính tương đồng về môi trường, cảnh quan sinh thái, cộng đồng dân cư có tính thống nhất cao, có quá trình tụ cư sớm, phát triển liên tục trong lịch sử, có sự tập hợp đầy đủ các yếu tố về lịch sử - văn hóa và có những giá trị đặc trưng, gắn bó hữu cơ với nhau, thể hiện rõ hơn cả là trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Tuy nhiên các hệ tiêu chí đó không phải là bất biến, có thể thay đổi theo thời gian và sự vận động, biến đổi của lịch sử.

Trong lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng. Di sản văn hóa là linh hồn gắn kết cộng đồng, dân tộc, di sản văn hóa là tài sản chung của mỗi cộng đồng, dân tộc, là môi trường mà cả dân tộc cùng chung vai gắng sức sáng tạo ra trong suốt tiến trình lịch sử của mình. Chính vì thế, nó trở thành nhân tố quan trọng, là hạt nhân gắn kết cộng đồng xã hội ở những cấp độ khác nhau. Việc nghiên cứu di sản văn hóa của một vùng không chỉ thấy được những nét đặc trưng về văn hóa của một vùng mà còn có thể thấy rõ cả một tiến trình lịch sử của địa phương ấy được phản ánh một cách sinh động trong hệ thống di sản văn hóa. Thông qua hệ thống di sản văn hóa có thể nhận diện đầy đủ các giá trị vật chất, tinh thần đến các lớp trầm tích văn hóa được tích lũy trong suốt quá trình lịch sử.

Để khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực tài nguyên du lịch trong tỉnh, tận dụng cơ hội thuận lợi trong nước, khu vực và quốc tế, tạo đột phá, phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh, độc đáo, thu hút du khách để phát triển bền vững trong thời kỳ mới, du lịch Hà Tĩnh cần có sự gắn kết với yếu tố vùng văn hóa. Việt Nam đã tham gia vào “Chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2016 - 2025”, đang trở thành điểm đến, thị trường mới nổi với những lợi thế nhất định trong hợp tác song phương và đa phương. Các dòng khách du lịch đang có xu hướng dịch chuyển mạnh tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến với những giá trị về bản sắc văn hóa và cảnh quan sinh thái đặc sắc, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho du lịch cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Hà Tĩnh nằm trên tuyến hành lang Đông - Tây với CHDCND Lào, Thái Lan, Myanmar, trong tiểu vùng Sông Mê Kông và các nước khác trong khối ASEAN.

Hiện nay, thị trường khách du lịch lớn nhất của Hà Tĩnh là Lào, Thái Lan và Trung Quốc. Theo thống kê, số liệu khách du lịch Lào chiếm tỷ trọng cao nhất 40%, Thái Lan khoảng 30%, Trung Quốc khoảng 20%; thị trường Châu Âu và các thị trường khác chiếm khoảng 10% còn lại.

Nhìn chung, khách du lịch đến từ thị trường Lào và Thái Lan có chung mục đích là tắm biển, nghỉ dưỡng, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa; khách đến từ Trung Quốc, Châu Âu và các thị trường còn lại chủ yếu vì mục đích công vụ.

Đối với trong nước, Hà Tĩnh nằm trên con đường di sản Miền Trung, gắn với văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sẽ là những tiềm năng cần được khai thác. Trong thời gian qua, khách nội địa đến Hà Tĩnh chủ yếu từ Hà Nội chiếm 30%, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc chiếm 4,2%, từ các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình chiếm 50%, từ các tỉnh phía Nam chiếm 15,8%. Khách du lịch nội địa chủ yếu: nghỉ dưỡng biển, tắm biển chiếm khoảng 30%; du lịch thương mại, công vụ chiếm gần 25%; tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh 30%; du lịch sinh thái, thưởng thức cảnh quan tự nhiên chiếm 15%.

Hiện nay, tuyến du lịch trong nước và quốc tế đã được liên kết; phối hợp với các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ xây dựng bản đồ liên kết, khai thác lợi thế về hành lang kinh tế Đông - Tây trên tuyến Quốc lộ 8A và đường 12, tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh; hợp tác với các tỉnh trong khu vực theo chủ đề “4 địa phương một điểm đến”.

Thông qua các chương trình hợp tác 09 tỉnh của 03 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng chung Quốc lộ 8A và đường 12, Hà Tĩnh cần kết nối tốt hơn các khu du lịch: Thiên Cầm, Xuân Thành, các khu di tích (Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc) với suối nước nóng Lacxao, du lịch bản Nacoi, hang đá núi Thenchau của Bolykhamxay và khu bảo tồn Đa dạng sinh học Quốc gia Nakai - Nam Theun của tỉnh Khăm Muộn (Lào) để tạo thành tour du lịch theo Quốc lộ 8 qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và đường quốc lộ 12 qua Cha Lo (Quảng Bình).

Tổ chức du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo đến năm 2020 khu vực Đông Nam Á với một nền chính trị ổn định sẽ đón khoảng 125 triệu khách quốc tế và Việt Nam là một quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc cùng với đó là việc bãi bỏ visa đối với công dân hay các nước ASEAN và một số nước khác ở Châu Á, Châu Âu, mở thêm các đường bay đến các thành phố lớn trên thế giới là một trong những cơ hội thuận lợi để du lịch Việt Nam phát triển, trong đó có du lịch Hà Tĩnh.

Vì vậy, cùng với xu thế phát triển du lịch của ASEAN và cả nước việc gắn kết phát triển văn hóa vùng là một trong những điều kiện tiên quyết cho phát triển du lịch Hà Tĩnh, muốn làm được điều đó, trong thời gian tới du lịch Hà Tĩnh cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch Hà Tĩnh đảm bảo yếu tố văn hóa vùng nhằm phát huy tối đa các lợi thế cạnh tranh. Rà soát quy hoạch các địa phương, các dự án đầu tư bảo đảm phù hợp với định hướng chung của Hà Tĩnh. Tăng cường phối hợp và liên kết quản lý nhà nước về du lịch giữa các địa phương trong vùng.

Thứ hai, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá, chú trọng liên kết trong quảng bá, xúc tiến du lịch, các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá chung của cả vùng.

Thứ ba, phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển mạnh các sản phẩm du lịch di sản văn hóa; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử - cách mạng; phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển hướng tới thị trường các tỉnh phía Bắc cũng như Lào và Đông Bắc Thái Lan. Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh. Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng với các địa phương lân cận như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Ninh Bình, Thanh Hóa cũng như với các quốc gia khác trên hành lang kinh tế Đông Tây.

Thứ tư, phát triển thị trường khách du lịch, phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Trong đó, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, chú trọng khách với mục đích nghỉ dưỡng biển, du lịch về nguồn, nghỉ cuối tuần, lễ hội tâm linh; khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch sinh thái và du lịch kết hợp công vụ. Thu hút, phát triển thị trường quốc tế gần như Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Lào, Campuchia, Myanmar) đặc biệt là các thị trường trong hành lang kinh tế Đông Tây và Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan). Tầm nhìn xa hơn khai thác thị trường cao cấp từ Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ...

Thứ năm, tập trung phát triển nguồn nhân lực nhất là đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng nghiệp vụ du lịch, đồng thời có giải pháp nâng cao nhận thức cho người dân tại các điểm phát triển du lịch.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự triển khai cụ thể, đầy đủ hệ thống chính sách, hi vọng trong thời gian tới Hà Tĩnh sẽ trở thành điểm đến ấn tượng, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

 


    Ý kiến bạn đọc