Phối hợp với Kiểm toán nhà nước trong giám sát ngân sách địa phương của HĐND
EmailPrintAa
07:53 14/02/2012

Để nâng cao chất lượng giám sát ngân sách địa phương, HĐND cần tăng cường phối hợp với cơ quan kiểm toán. Các thông tin do Kiểm toán nhà nước cung cấp giúp HĐND đánh giá sát hơn thực trạng quản lý ngân sách ở địa phương; có đầy đủ cơ sở hơn để quyết định phân bổ và quyết toán ngân sách

Kiểm toán nhà nước có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. Hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán ngân sách địa phương là việc kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách các cấp của địa phương; việc tuân thủ pháp luật; tính hiệu quả trong quản lý sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của địa phương.

Điều 11, Luật Tổ chức HĐND năm 2003 quy định: trong lĩnh vực kinh tế, HĐND tỉnh thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách địa phương; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; giám sát việc thực hiện ngân sách đã được HĐND quyết định; quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng. Điều 30 Quy chế hoạt động HĐND năm 2005 quy định: Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND cấp tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây: thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách, khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công; giúp HĐND giám sát hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp về lĩnh vực kinh tế, ngân sách; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp về lĩnh vực kinh tế, ngân sách.

Luật Kiểm toán nhà nước quy định: báo cáo kiểm toán là một trong những căn cứ quan trọng để HĐND sử dụng trong quá trình xem xét, thẩm tra, quyết định dự toán phân bổ, giám sát ngân sách địa phương.

Như vậy, mặc dù giữa Kiểm toán nhà nước và HĐND có vai trò, địa vị pháp lý và chức năng khác nhau, nhưng đều có chung mục đích là quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách địa phương nói riêng. Do đó, để hoạt động của từng cơ quan phát huy hiệu quả tối đa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Kiểm toán nhà nước với HĐND, cụ thể là trong hoạt động hỗ trợ và cung cấp thông tin cho nhau.

Thực tế hiện nay khi tiến hành giám sát chuyên đề về lĩnh vực ngân sách, HĐND thường phải trưng tập cán bộ ở các sở, ngành chuyên môn của UBND tỉnh. Điều này dẫn đến kết quả giám sát bị hạn chế, một số cán bộ được trưng tập chưa nhiệt tình tham gia do lĩnh vực giám sát thuộc sở, ngành đang công tác, quản lý. Vì vậy, trong điều kiện đội ngũ đại biểu HĐND có chuyên môn về lĩnh vực kinh tế, ngân sách ít như hiện nay thì kết quả kiểm toán nhà nước thực sự là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho HĐND. Kết luận kiểm toán là cơ sở để HĐND có biện pháp chấn chỉnh, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước.

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa HĐND tỉnh Bắc Giang với các Đoàn kiểm toán nhà nước ở địa phương đã từng bước được chú trọng. Khi triển khai kế hoạch kiểm toán tại địa phương, Đoàn kiểm toán nhà nước đã mời đại diện HĐND tham dự; kết thúc kiểm toán gửi báo cáo kết quả cho HĐND tỉnh. Khi phê duyệt quyết toán ngân sách địa phương, hay tiến hành giám sát trong lĩnh vực kinh tế ngân sách, HĐND tỉnh cũng đã sử dụng kết quả kiểm toán của kiểm toán nhà nước để phục vụ cho hoạt động của mình. Các thông tin do kiểm toán nhà nước cung cấp giúp HĐND đánh giá sát thực thực trạng quản lý ngân sách ở địa phương; có đầy đủ cơ sở hơn để quyết định phân bổ và quyết toán ngân sách. Mặt khác, thông qua viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật của Đoàn kiểm toán nhà nước khi nhận định về những sai phạm trong quá trình chấp hành pháp luật của các đơn vị được kiểm toán; viện dẫn các văn bản hướng dẫn của địa phương khi đơn vị được kiểm toán giải trình nguyên nhân sai phạm giúp Thường trực, ban Kinh tế - Ngân sách HĐND củng cố và nắm chắc hơn các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa HĐND và Kiểm toán nhà nước còn chưa thường xuyên do cơ chế cung cấp thông tin giữa 2 cơ quan chưa được quy định rõ ràng. Quá trình kiểm toán ngân sách địa phương, sự trao đổi thông tin giữa Đoàn kiểm toán với HĐND còn hạn chế, dẫn đến tình trạng HĐND không nắm được diễn biến, tiến độ kiểm toán của Đoàn kiểm toán, cũng như thực trạng quản lý, sử dụng ngân sách của đơn vị tại địa phương được kiểm toán. HĐND chưa mạnh dạn đề xuất các nội dung cần kiểm toán tại địa phương để Kiểm toán nhà nước đưa vào kế hoạch hoạt động hàng năm.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng giám sát của HĐND, nhất là trong lĩnh vực ngân sách địa phương cần tăng cường phối hợp và sử dụng kết quả kiểm toán. Để công tác phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với HĐND hiệu quả, cần làm tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, quá trình thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương cần xác lập rõ ràng cơ chế trao đổi thông tin giữa Đoàn kiểm toán Nhà nước và HĐND. Khi tiến hành kiểm toán ngân sách địa phương, nên có đại diện của HĐND, trực tiếp là Ban Kinh tế - Ngân sách tham gia cùng Đoàn kiểm toán nhà nước. Như vậy, Ban Kinh tế-Ngân sách sẽ giúp Thường trực HĐND cung cấp trực tiếp và kịp thời các thông tin về tình hình sử dụng ngân sách thông qua giám sát cho Đoàn kiểm toán; đồng thời tranh thủ học hỏi được kinh nghiệm của các kiểm toán viên, góp phần nâng cao kỹ năng giám sát trong lĩnh vực ngân sách.

Hai là, Kiểm toán nhà nước cử kiểm toán viên tham gia vào công tác giám sát của HĐND khi được HĐND tỉnh mời. HĐND tỉnh cần chủ động mời Kiểm toán nhà nước tham gia ý kiến đối với dự toán phân bổ ngân sách hàng năm trước khi xem xét, quyết định.

Ba là, định kỳ hàng năm, Kiểm toán nhà nước cần tổ chức các Hội nghị tập huấn, Hội nghị trao đổi thông tin giúp đại biểu HĐND, chuyên viên giúp việc có thêm các kỹ năng phục vụ hoạt động giám sát ngân sách địa phương.


    Ý kiến bạn đọc