Siết chặt kỷ cương sử dụng ngân sách Nhà nước
EmailPrintAa
13:38 28/10/2013

Tại phiên thảo luận tại Tổ về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014, các ĐBQH đã đề nghị Chính phủ cần đưa ra thông điệp chi tiêu tiết kiệm trong sử dụng ngân sách nhà nước khi mà nợ công đã tiệm cận giới hạn an toàn, phải tăng bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ mới có đủ nguồn lực cho các nhiệm vụ chi trong thời gian tới.
 
Nguồn: ITN

Sau nhiều năm vượt thu, thì năm 2013, số thu ngân sách cả năm dự tính không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi. Nguyên nhân của tình trạng này theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách thì,  cân đối vĩ mô chưa vững chắc, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản chưa phục hồi, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra (5,5%); sức tiêu thụ của nền kinh tế vẫn thấp; sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, không phát sinh số thuế phải nộp cao hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2013 được QH quyết định với mức phấn đấu khá cao. Và việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế đã làm giảm số thu ngân sách nhà nước ngay trong năm khá lớn.

Hụt thu ngân sách là điều không mong muốn đối với bất kỳ quốc gia nào vì thường chỉ xảy ra tình trạng này khi kinh tế khó khăn hơn hoặc chậm phục hồi so với dự toán. Tuy vậy, theo lý thuyết, tình trạng này sẽ không phải quá lo ngại nếu như hụt thu đi cùng với giảm chi để có thể cân đối được ngân sách. Nhưng vấn đề với nước ta hiện nay là ngân sách giảm thu, song giảm chi chưa được thực hiện mạnh mẽ và cương quyết. Thực tế, trong khi thu ngân sách khó khăn thì chi cho quản lý hành chính không phải 95.000 tỷ đồng như QH quyết định mà tăng lên thành 97.000 tỷ đồng. Vậy tình trạng khó khăn của ngân sách hiện nay là do chưa có ý thức tiết kiệm trong chi tiêu hay vì một lý do khác? Không khó để nhận ra đây thực ra là thể hiện cho việc chưa chấp hành nghiêm kỷ cương trong sử dụng ngân sách.

Việc chấp hành trong sử dụng ngân sách đã được QH nhắc qua nhiều kỳ họp vừa qua. Nhưng Chính phủ vẫn thường đặt QH vào sự đã rồi khi mà số bội chi thực thường luôn cao hơn chỉ tiêu được đề ra, thậm chí ngay cả năm 2012 là năm có số bội chi thấp hơn dự toán thì thực chất là do nguồn thu ngân sách tăng chứ không phải do giảm chi. Và mức chi thực tế vẫn vượt dự toán ở nhiều khoản. Nhưng tình thế hiện nay đã khác và có lẽ việc chấp hành kỷ cương ngân sách đã đến lúc không chỉ dừng ở lời nói mà chuyển biến thành hành động cụ thể. Bởi việc nâng mức bội chi của năm 2013 không phải chỉ để thêm tiền cho đầu tư phát triển mà còn sử dụng vào những mục đích khác. Nguy hiểm hơn là việc nâng mức bội chi, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ trong năm 2014 còn để có nguồn trả các khoản nợ đến hạn thanh toán, hay nói cách khác là phải sử dụng biện pháp đáo nợ (đi vay chỗ này để trả nợ chỗ khác). Đành rằng giới hạn an toàn nợ công do QH quyết định là 65% GDP, nhưng theo ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) thì việc nợ công có an toàn hay không không chỉ phụ thuộc vào con số này. Nợ công có an toàn hay không còn phụ thuộc vào khả năng cân đối nguồn để trả nợ. Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào một số quốc gia vỡ nợ trên thế giới trong thời gian qua đều chỉ có mức nợ công từ 60 – 70% GDP. Vậy các quốc gia này vỡ nợ vì lý do nào? ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) chỉ rõ: giới hạn an toàn nợ công chỉ là con số đúng về lý thuyết, còn thực tế nếu phải dùng 25% ngân sách để trả nợ thì gọi là đèn vàng - tức là mức cảnh báo. Và con số này vượt 30% sẽ là đèn đỏ - tức là nguy hiểm rồi. Vì vậy, để đánh giá nợ công của nước ta có an toàn không thì Chính phủ phải báo cáo thêm về khả năng cân đối nguồn lực để trả nợ vay, giúp QH có cái nhìn chính xác, quyết định đúng đắn khi phê duyệt dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014.

Một thực tế khác được ĐBQH chỉ ra là năm 2013 không phải là năm đầu tiên nước ta phải đi vay để đáo nợ, mà đã phải thực hiện từ năm 2011. Và nợ công theo tính toán của Chính phủ (đã cộng thêm khoản bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ) đã tiệm cận giới hạn an toàn được QH cho phép. Hai yếu tố này đã cho thấy Nghị quyết của QH không thể chỉ đơn giản đồng ý tăng bội chi, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ mà phải có quan điểm rõ ràng về việc cải cách quản lý dòng tiền đầu tư của ngân sách Nhà nước. Chính phủ cũng không thể chỉ trình con số khung về các dự án, công trình, chương trình chi mà cần có con số cụ thể hơn, với đánh giá chính xác về lợi ích phát triển kinh tế - xã hội để QH có nhiều căn cứ khi xem xét, quyết định. Thiết nghĩ, đây không phải là cách làm để kỷ cương sử dụng ngân sách không còn dừng ở lời nói mà cần trở thành hành động cụ thể.

 


    Ý kiến bạn đọc