Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở - một yêu cầu cấp thiết
EmailPrintAa
10:45 08/12/2016

Thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là một chỉnh thể gồm các yếu tố về tổ chức vật chất, bộ máy, quy chế hoạt động... để bảo đảm cho các hoạt động văn hóa, thể thao. Thực tiễn nhiều năm qua đã khẳng định, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở luôn giữ vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của đất nước, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng bộ và Chính quyền các cấp với quần chúng Nhân dân; là nơi truyền tải những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước đến với người dân; là bộ mặt văn hóa, thể thao của một địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đóng vai trò quan trọng như vậy nhưng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của tỉnh ta những năm trước đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn và bất cập. Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có tới 64% nhà văn hóa xã, phường, thị trấn chưa đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng, phông màn, bàn ghế, băng cờ khẩu hiệu để phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao và sinh hoạt cộng đồng. Thiết chế thể thao cũng tương tự, ở cấp phường, xã, thị trấn, chỉ có 36% sân bóng đá và 63% sân bóng chuyền đạt chuẩn; ở cấp thôn, xóm, tổ dân phố chỉ có 29% sân bóng đá và 41,7% sân bóng chuyền đạt chuẩn. Tổ chức bộ máy của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; quy chế hoạt động không rõ ràng, thiếu chặt chẽ, kinh phí đầu tư hạn hẹp.

 

Trước thực trạng này, ngày 13/7/ 2013, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 55/2013 /NQ-HĐND về việc thông qua Đề án “Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020”. Ngay sau khi Đề án được ban hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban, sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung của Đề án, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể cho từng địa phương. Một số huyện, thị xã, thành phố như huyện Lộc Hà, huyện Can Lộc, thành phố Hà Tĩnh đã ban hành một số chính sách riêng, cụ thể nhằm phù hợp với thực tế địa phương... Đặc biệt, năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/ 2015/QĐ-UBND ngày 9/4/2015 về việc quy định một số chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2015 - 2020.

 

Với những chính sách hữu hiệu, cụ thể, thiết thực của Đề án cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối kết hợp triển khai có hiệu quả giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ban, sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã đã làm cho công tác xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống thiết chế văn hóa trong cả tỉnh đã được chú trọng đầu tư xây dựng theo chuẩn quy định, tăng về số lượng và đảm bảo về chất lượng, cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ, đồng bộ. Phong trào xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở được tiến hành rộng khắp. Nếu như năm 2013, năm đầu thực hiện Đề án, toàn tỉnh có 44 xã chưa có nhà văn hóa, 135 xã, phường có nhà văn hóa nhưng chưa đạt chuẩn; có 143 thôn chưa có nhà văn hóa, 1543 thôn có nhà văn hóa chưa đạt chuẩn thì đến năm 2015, toàn tỉnh đã xây dựng mới thêm được 9 nhà văn hóa cấp xã, thị trấn; có thêm 61 nhà văn hóa xã, thị trấn và 537 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn. Nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ từ năm 2014 đến 2016 để thực hiện Đề án là 21.000 triệu đồng, trong đó hỗ trợ xây dựng 22 nhà văn hóa xã với kinh phí hỗ trợ là 6.750 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 11 khu thể thao xã với kinh phí 1.450 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 100 nhà văn hóa thôn với kinh phí 4.990 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 12 xã điểm về văn hóa với kinh phí 600 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 10 câu lạc bộ văn nghệ dân gian với kinh phí 52 triệu đồng; hỗ trợ 46 câu lạc bộ thể thao với kinh phí 360 triệu đồng. Đặc biệt là gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều nhà văn hóa xã, phường, thôn xóm đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, trở thành điểm sáng để nhiều nơi học tập như ở xã Tượng Sơn, xã Thạch Long (huyện Thạch Hà), xã Tiến Lộc, Quang Lộc (huyện Can Lộc), xã Xuân Viên, Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân), xã Hương Trà (huyện Hương Khê), xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên).

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã nói trên, việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh ta cũng không tránh khỏi những mặt còn tồn tại, hạn chế, đó là, dù đã có sự phát triển khá nhanh về số lượng hệ thống thiết chế từ tỉnh đến cơ sở nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của Nhân dân. Nhiều nhà văn hóa, thể thao từ cấp huyện đến cấp xã, thôn, trang thiết bị, phương tiện hoạt động thiếu thốn, lạc hậu, hoạt động không thường xuyên, kém hiệu quả. Nhiều kiểu mẫu nhà văn hóa không thống nhất, thiết kế không phù hợp với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở. Nhiều nhà văn hóa không đảm bảo chất lượng, nhanh chóng xuống cấp, một số nơi thậm chí còn bị bỏ hoang hoặc chuyển công năng sử dụng sang mục đích khác. Kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở hạn hẹp. Một số chính sách đã được phê duyệt trong Đề án nhưng chưa thực hiện được như chính sách hỗ trợ các hoạt động văn hóa thể thao, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Mức hỗ trợ từ ngân sách cho xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao xã còn thấp so với mục tiêu của Đề án. Theo Đề án mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước là 70% tổng dự toán công trình đối với các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi, nhưng thực tế mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh chỉ đạt từ 500 triệu đến 900 triệu cho 1 nhà văn hóa, công tác tổng hợp số liệu còn gặp nhiều khó khăn do đó việc đánh giá thực hiện chính sách chưa sát đúng và kịp thời.

 

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các Ban, sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân về vai trò, tác dụng của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; trách nhiệm thực hiện, nhiệm vụ xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện nay. Phải thống nhất nhận thức đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng chính là tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; thiết chế văn hóa, thể thao cũng chính là bộ mặt của địa phương, cơ sở. Lồng ghép việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở với thực hiện chiến lược phát triển văn hóa, thể thao Việt Nam đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/ 2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

 

Tích cực tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh tăng cường đầu tư kinh phí, tăng mức chi cho đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với các chương trình, dự án xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao toàn tỉnh. Tăng cường công tác xã hội hóa trong xây dựng và phối kết hợp sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, đa dạng hóa các loại hình, thiết chế văn hóa thể thao ngoài công lập. Tham mưu lựa chọn một vài công trình tiêu biểu, điển hình để đầu tư và sử dụng, từ đó làm động lực trong việc hoàn thiện các thiết chế khác ở giai đoạn sau, chú trọng tham mưu đầu tư đồng bộ các thiết bị chuyên dùng để đảm bảo tính hiệu quả của các công trình.

 

Quan tâm tham mưu về công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đất, cấp quyền sử dụng đất cho đầu tư xây dựng các thiết chế. Bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp; đảm bảo diện tích xây dựng, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao theo chuẩn quy định.

 

Ưu tiên xây dựng, phát triển lực lượng văn hóa, thể thao ở cơ sở. Tăng cường mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hoá, thể thao cho cán bộ, công chức văn hoá xã, phường, thị trấn và cán bộ làng, bản, khối, xóm hàng năm. Thực hiện việc đào tạo và đào tạo lại cán bộ, công chức văn hoá xã, phường, thị trấn hàng năm hoặc theo định kỳ; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở, tăng cường công tác quản lý nhà nước, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức quản lý nhà văn hóa, trung tâm văn hóa... Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp gìn giữ và phát triển văn hóa; xây dựng, phát triển các loại hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các cộng tác viên và hạt nhân văn hóa, thể thao quần chúng, tăng cường các buổi sinh hoạt cộng đồng tại các nhà văn hóa, thể thao cơ sở để phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thiết chế này.

 

Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là trách nhiệm của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân; qua đó góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa quý báu trong mỗi gia đình, làng xóm; từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm, vun đắp thêm niềm tự hào cho mỗi người dân và của cả cộng đồng... Đó cũng chính là mục tiêu quan trọng đặt ra cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng, cả hệ thống chính trị tỉnh ta hiện nay.


    Ý kiến bạn đọc