Thu BHXH đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh - Ghi nhận từ một đợt giám sát chuyên đề
EmailPrintAa
18:18 29/11/2012

 

Sau mười lăm năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TW ngày 26/5/1997 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 13/CT-TU ngày 18/6/1997 của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), công tác thu, chi BHXH trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các đơn vị doanh nghiệp và của người lao động về BHXH ngày càng được nâng cao. Số thu BHXH năm sau cao hơn năm trước, đối tượng tham gia BHXH ngày càng được mở rộng. Các chế độ BHXH được thực hiện nghiêm túc, chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH kịp thời, đầy đủ, an toàn và tận tay từng đối tượng. Thời gian xét duyệt hồ sơ giải quyết chế độ chính sách đã được rút ngắn hơn rất nhiều so với trước, việc kiểm tra và xử lý, chấn chỉnh những đơn vị vi phạm chính sách BHXH đã được sự quan tâm của các ngành chức năng.

 

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ và vừa, có doanh nghiệp hoạt động còn mang tính thời vụ, hạn chế về nguồn vốn và khả năng tài chính. Khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh những năm gần đây có xu hướng phát triển mạnh về số lượng, tập trung vào một số ngành nghề như cơ khí, xây dựng, chế biến lâm sản, thương mại - dịch vụ. Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 128/223 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang hoạt động, nhưng chỉ có 68 doanh nghiệp ngoài quốc doanh với trên 603 lao động đăng ký đóng BHXH. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 40% số lao động nói trên được các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn đóng BHXH. Thời gian đóng thường chậm, nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp này khá cao, chiếm tỷ lệ trên 50%, làm ảnh hưởng đến kế hoạch thu hàng tháng, quý, năm và gây trở ngại khi giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động.

          Theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND Thị xã Hồng Lĩnh về tình hình đóng BHXH trên địa bàn cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do hầu hết các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quy mô sản xuất nhỏ, sử dụng lao động phổ thông, mang tính thời vụ. Cá biệt, có nhiều đơn vị sử dụng những lao động đã về hưu hoặc những lao động cần một công việc tạm thời trong thời gian chờ công việc khác hay chờ để chuyển đi nơi khác. Một nguyên nhân nữa là do nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động còn hạn chế về Luật BHXH, đặc biệt là về quyền và nghĩa vụ tham gia BHXH vì xét về lợi ích trước mắt, việc đóng BHXH cho người lao động, chủ sử dụng lao động phải mất một khoản tiền không nhỏ, bên cạnh đó, người lao động cũng phải trích một phần thu nhập để nộp cho cơ quan bảo hiểm khiến thu nhập giảm xuống khiến họ không hài lòng, đặc biệt là đối với lao động thời vụ.

          Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng sẽ không phải đóng BHXH cho người lao động để lách luật. Việc ký hợp đồng lao động 3 tháng/lần, hết thời hạn thì tổ chức ký tiếp với nội dung công việc khác đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu BHXH trên địa bàn (thất thu hàng chục tỷ đồng).

          Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có tổ chức Đảng  và đoàn thể, đặc biệt là tổ chức công đoàn để đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động nên việc góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về BHXH còn hạn chế. Mặt khác, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về BHXH vẫn chưa đồng bộ trong phối hợp thanh tra để xử lý kịp thời những vi phạm Luật BHXH.

          Trong tổng quỹ BHXH, nguồn thu chiếm tỷ lệ lớn nhất là thu BHXH từ các doanh nghiệp. Vì vậy, tăng cường biện pháp quản lý thu BHXH từ nguồn này giữ một vai trò hết sức quan trọng. Đây là một khoản thu bắt buộc, mức thu, thời gian nộp và trách nhiệm của người sử dụng lao động đã được quy định cụ thể trong Điều 91 của Luật BHXH và nhiều văn bản pháp quy khác. Đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, làm thế nào để lao động trên địa bàn được tham gia BHXH thì bên cạnh nâng cao công tác tuyên truyền cho chủ sử dụng lao động và người lao động nhận thức rõ quy định của Luật Lao động, Luật BHXH, các chế độ khi tham gia BHXH thì cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn cho doanh nghiệp các thủ tục hành chính liên quan đến kê khai thang, bảng lương để đăng ký nộp BHXH, các cơ quan chức năng cũng cần phải có các chế tài buộc các đơn vị sử dụng lao động phải đóng BHXH cho lao động của mình. Cụ thể như nếu đơn vị sử dụng lao động vi phạm Luật BHXH thì không cấp giấy phép kinh doanh. Phòng Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu UBND Thị xã ra quyết định xử phạt những đơn vị sử dụng lao động thực hiện sai quy định của Luật BHXH theo Nghị định 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHXH.

          Để triển khai có hiệu quả việc thực hiện BHXH trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh trong thời gian tới cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan BHXH, ngành chuyên môn và cấp uỷ, chính quyền với các doanh nghiệp, đồng thời bản thân người lao động cũng cần phải nâng cao nhận thức về vấn đề này./.


    Ý kiến bạn đọc