Tìm đồng thuận của những người đi trước
EmailPrintAa
09:23 09/02/2012

Thực tiễn hoạt động đã cho thấy, có khi chỉ một câu góp ý của lãnh đạo cấp cao tiền nhiệm trước thềm một sự kiện đối ngoại quan trọng đã giúp người kế nhiệm yên tâm hơn. Và thực tế, chuyến công tác nước ngoài đã được đề cập ấy, thành công giòn giã, nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của không chỉ dư luận trong nước mà trong đó có cả sự đồng thuận của cán bộ cấp cao tiền nhiệm cũng như đương nhiệm của Đảng và Nhà nước.

Bộ Chính trị hôm qua đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã nghỉ hưu.

Hội nghị là cuộc gặp mặt đầu Xuân Nhâm Thìn 2012 với mong muốn thể hiện tình cảm, sự kính trọng của lớp người đi sau với các thế hệ đi trước. Đây là hoạt động thể hiện sâu đậm đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Nhưng không chỉ có vậy, cái lớn hơn chính là muốn thể hiện ý nguyện sắp tới những người đang làm việc sẽ cùng với những người đã từng làm việc có mối liên hệ thân thiết, gần gũi và gắn bó sâu sắc hơn nữa. Nói cách khác, thông qua Hội nghị lần này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mong muốn phát huy cao độ hơn nữa trí tuệ của các thế hệ đi trước, những người có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh, trình độ, trí tuệ và vô cùng tâm huyết với dân tộc, với đất nước và với Đảng.  

Đến dự Hội nghị có 130 cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã nghỉ hưu. Trong đó có những cán bộ cấp cao nhiều kinh nghiệm như nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An. Riêng ở QH, còn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch QH Trương Quang Được; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ. Đây là những người đã từng tham gia hoạch định và quyết đáp nhiều chủ trương, đường lối và chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong những giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước.

Với mong muốn phát huy cao độ hơn nữa trí tuệ của các thế hệ đi trước, Người đứng đầu Đảng ta cho rằng, Hội nghị gặp mặt hôm nay chỉ là mở đầu với sự tham dự của các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; nguyên Phó chủ tịch Nước, nguyên Phó thủ tướng, nguyên Phó chủ tịch QH và các nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Vì mong muốn là một năm chí ít hai lần mời đông đảo các nguyên cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, thông qua nhiều hình thức khác nhau, trước tiên là báo cáo có tính chất cung cấp thông tin của Đảng và Nhà nước trong năm qua, những công việc lớn đã làm, những điều còn đang băn khoăn, trăn trở và mong muốn giãi bày với những người đi trước. Trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, mau lẹ, phức tạp và khó lường thì đối nội như thế nào, đối ngoại ra làm sao để vừa tiếp tục tranh thủ được thời cơ, môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội, vừa vượt qua khó khăn, thử thách, hạn chế thấp nhất những tác động xấu có khả năng ảnh hưởng tới tình hình trong nước, nhất là trong bối cảnh sức mạnh, vị thế của các quốc gia đang chuyển dịch như hiện nay.

Suy nghĩ, đóng góp với Đảng và Nhà nước không chỉ gói gọn trong những công việc cụ thể đã và đang triển khai như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hay tình hình kinh tế – xã hội, đối ngoại trong năm vừa qua mà còn đóng góp về những công việc, đường hướng chiến lược của Đảng, của Nhà nước ở thì tương lai xa hơn, dài hơi và vĩ mô hơn. Đây có lẽ là một trong những lý do tại Hội nghị, các đại biểu là cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu qua các thời kỳ đã nghe báo cáo về 4 chuyên đề: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước năm 2011; Tình hình kinh tế – xã hội năm 2011; Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta năm 2011; và Một số tình hình an ninh trật tự nổi lên thời gian gần đây. Có thể với nhiều cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu, những thông tin cung cấp tại Hội nghị không mới. Cùng với công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập của đất nước là sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng. Có rất nhiều kênh thông tin để bất cứ ai có nhu cầu đều có thể dễ dàng tiếp nhận thông qua các loại hình báo in, báo điện tử và thậm chí cả các trang mạng internet... Nhưng thông tin cung cấp tại Hội nghị này là chính thống, là cơ sở cho những người đã từng là cán bộ cấp cao đóng góp ý kiến với Đảng, với Nhà nước.

Nhận thức rõ hiệu quả và tính thiết thực của cách thức hoạt động này, việc lấy ý kiến đóng góp của cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu không chỉ dưới hình thức Hội nghị gặp mặt mà sắp tới có thể mở rộng qua nhiều hình thức khác. Như thế, hiệu quả của các ý kiến đóng góp chắc chắn sẽ cao hơn, tập trung và với chất lượng hơn. Vừa qua, nhiều hoạt động này đã được thực hiện và thu được nhiều kết quả rõ nét, thể hiện tính đúng đắn cũng như tính thiết thực của phương thức làm việc này.

Thực tiễn hoạt động đã cho thấy, có khi chỉ một câu góp ý của lãnh đạo cấp cao tiền nhiệm trước thềm một sự kiện đối ngoại quan trọng đã giúp người kế nhiệm yên tâm hơn. Và thực tế, chuyến công tác nước ngoài đã được đề cập ấy, thành công giòn giã, nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của không chỉ dư luận trong nước mà trong đó có cả sự đồng thuận của cán bộ cấp cao tiền nhiệm cũng như đương nhiệm của Đảng và Nhà nước. Đây là phần thưởng rất đáng trân trọng, là tình cảm và sự động viên, cổ vũ những người tiếp bước hãy vững tay chèo. Gần đây nhất, tại Hội nghị Trung ương lần thứ Ba, lần thứ Tư vừa qua, để ra được các đề án, nghị quyết về xây dựng Đảng, về xây dựng cơ sở hạ tầng... và nhận được sự quan tâm, theo dõi, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên cũng như nhân dân là trí tuệ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Trung ương Đảng, trong đó có ý kiến đóng góp của các bậc lão thành cách mạng, các cán bộ cấp cao giàu kinh nghiệm đã nghỉ hưu của Đảng và Nhà nước. Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 4 ra đời, nhiều cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu gọi điện chúc mừng và nói đã thấy ý kiến đóng góp của mình với Đảng trong Nghị quyết của Trung ương. Trên đà tích cực này, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong thời gian tới sẽ tiếp tục thu nhận các ý kiến đóng góp bằng những cách thức, phương thức làm việc thiết thực và hiệu quả nêu trên. Việc xây dựng Đảng, xây dựng các đề án, nghị quyết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là công việc của Đảng, Đảng phải tự làm, nhưng nhân dân cũng phải góp phần xây dựng Đảng. Và nhân dân trước hết ở đây là những người đã từng đảm nhiệm các trọng trách, vị trí cấp cao của Đảng và Nhà nước. Coi đây là những công dân đặc biệt, Tổng bí thư cho rằng, với trình độ, kinh nghiệm đã tích lũy được, cộng với sự tâm huyết và tình cảm dành cho Đảng, cho đất nước, chắc chắn những công dân này sẽ có sự suy nghĩ, đóng góp quan trọng.

Đóng góp ý kiến với Trung ương thông qua bài thơ đã chuẩn bị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão thể hiện sự đồng thuận: Nghị quyết Bốn, chỉ ra nhiều khiếm khuyết.../ Thực tiễn là chân lý để xét soi/ Cần khiêm tốn biết lắng nghe ý kiến/ Của những người đã từng trải phong sương/ Họ là Cựu mà trái tim vẫn nồng cháy...

Dự báo tình hình thế giới cho thấy còn nhiều khó khăn, phức tạp, thử thách. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển đất nước không chỉ toàn thuận lợi mà còn có khó khăn. Huy động sự vào cuộc của cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã nghỉ hưu với mong muốn phát huy cao hơn nữa trí tuệ, kinh nghiệm, trình độ, bản lĩnh của thế hệ đi trước là cần thiết, kịp thời và đúng đắn. Đây là một trong những chỗ dựa của thế hệ đi sau. Cuộc gặp gỡ thân thiết, gần gũi với tình cảm chân thành giữa những người đang làm việc với thế hệ đi trước cho thấy không có sự đứt đoạn khi chuyển giao nhiệm kỳ. Sự nghiệp cách mạng của Đảng là sự kế tục, là mạch nguồn chảy mãi. Như mong muốn của một cựu cán bộ của Đảng là: tất cả chung một chữ Đồng - đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng lòng. Tổng bí thư thì đúc kết, toàn dân ta chung một chữ Đồng, khó khăn nào cũng vượt qua, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang nhưng không ít khó khăn của Đảng và dân tộc.

Lắng nghe những điều đang nồng cháy là ý muốn của Tổng bí thư


    Ý kiến bạn đọc