Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân - thuận lợi và vướng mắc
EmailPrintAa
07:49 08/08/2013

Hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện nay - những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc

Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) được quy định trong Hiến pháp năm 1992 (từ Điều 137 đến Điều 140), Luật Tổ chức VKSND, Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự (VKSQS).

Theo Điều 30 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, hệ thống VKSND gồm có: VKSND tối cao; các VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (VKSND cấp tỉnh); các VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (VKSND cấp huyện); các VKSQS.

Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) gồm có: Ủy ban Kiểm sát, các Cục, Vụ, Viện, Văn phòng và Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát; VKSQS Trung ương. VKSNDTC gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các Kiểm sát viên và các Điều tra viên. Ủy ban kiểm sát VKSNDTC gồm có: Viện trưởng; các Phó viện trưởng; một số Kiểm sát viên do UBTVQH quyết định theo đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC.

Cơ cấu tổ chức của VKSND cấp tỉnh gồm có Ủy ban Kiểm sát, các phòng và Văn phòng. VKSND cấp tỉnh gồm có Viện trưởng, các Phó viện trưởng và các Kiểm sát viên. Ủy ban kiểm sát VKSND cấp tỉnh gồm có: Viện trưởng; các Phó viện trưởng; một số Kiểm sát viên do Viện trưởng VKSNDTC quyết định theo đề nghị của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh.

Điều 36 quy định, VKSND cấp huyện gồm có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc do Viện trưởng, các Phó viện trưởng phụ trách. Viện KSND cấp huyện gồm có Viện trưởng, các Phó viện trưởng và các Kiểm sát viên.

Điều 38, Luật Tổ chức VKSND quy định: các Viện kiểm sát quân sự gồm có VKSQS Trung ương, VKSQS quân khu và tương đương, VKSQS khu vực. VKSQS Trung ương thuộc cơ cấu VKSNDTC (Điều 39, Luật Tổ chức VKSND) thực hiện chức năng của VKSNDTC trong Quân đội.

Tổ chức của VKSQS Trung ương (các Điều 28, 29 Pháp lệnh Tổ chức VKSQS) gồm có Ủy ban Kiểm sát, các Phòng và Văn phòng. VKSQS Trung ương gồm có Viện trưởng, các Phó viện trưởng, Kiểm sát viên, Điều tra Viên. Ủy ban kiểm sát VKSQS Trung ương gồm có: Viện trưởng; các Phó viện trưởng; một số Kiểm sát viên VKSQS Trung ương do Viện trưởng VKSNDTC quyết định theo đề nghị của Viện trưởng VKSQS Trung ương.

Theo Điều 31, Điều 32, Pháp lệnh Tổ chức VKSQS, thì cơ cấu tổ chức VKSQS quân khu và tương đương gồm có Ủy ban kiểm sát, các ban, bộ máy giúp việc. VKSQS quân khu và tương đương gồm có Viện trưởng, các Phó viện trưởng và các Kiểm sát viên. Ủy ban Kiểm sát VKSQS quân khu và tương đương gồm có: Viện trưởng; các Phó viện trưởng; một số Kiểm sát viên VKSQSQK và tương đương do Viện trưởng VKSQS Trung ương quyết định theo đề nghị của Viện trưởng VKSQS quân khu và tương đương.

Tổ chức của VKSQS khu vực (Điều 33, Pháp lệnh tổ chức VKSQS) gồm có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc do Viện trưởng, các Phó viện trưởng phụ trách. VKSQS khu vực gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên.

Kể từ khi có hiệu lực thi hành cho đến nay, Luật Tổ chức VKSND năm 2002 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng hệ thống tổ chức, bộ máy của VKSND các cấp, bảo đảm cho VKSND các cấp hoạt động ổn định, ngày càng được kiện toàn, từng bước đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác..., đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao.

VKSNDTC thực hiện tốt vai trò là cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý cấp Trung ương thực hiện tổ chức, chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết đối với VKSND, VKSQS các cấp trên nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành. Công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát, đứng đầu là Viện trưởng VKSNDTC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKS theo luật định.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tổ chức VKSND, có thể thấy, một số VKSND địa phương ở các vùng Tây Nguyên, Tây Nam bộ tổ chức bộ máy, cơ cấu cán bộ so với yêu cầu nhiệm vụ còn bất cập. Một số VKSND cấp huyện bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ còn khó khăn do chưa có đủ cán bộ.

Tổ chức, bộ máy làm việc của VKSNDTC chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhiều bất cập như: một số đơn vị được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau, một số nhiệm vụ chưa có đơn vị chuyên trách đảm nhận nên gây khó khăn cho hoạt động chuyên sâu, ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả công tác. Chưa có sự nghiên cứu làm rõ chức năng tố tụng và quản lý hành chính của một số đơn vị nghiệp vụ tại VKSNDTC.

Tương tự như TAND các cấp, hệ thống VKSND được tổ chức theo đơn vị hành chính nên đã ảnh hưởng tới sự độc lập của VKS. Mặt khác, do hệ thống VKSND được tổ chức theo đơn vị hành chính từ Trung ương tới địa phương, nên trong thực tế đã xảy ra tình trạng ở một số VKSND cấp huyện nơi đông dân cư, nơi có nhiều vụ việc, thì quá tải; còn ở những địa phương ít vụ việc, dân cư thưa nhưng vẫn phải bảo đảm bộ máy, biên chế tối thiểu, đầu tư cơ sở vật chất dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Đội ngũ kiểm sát viên không có điều kiện chuyên sâu, chuyên môn hóa.

Tình trạng thiếu cán bộ, nhất là Kiểm sát viên tồn tại từ nhiều năm vẫn chưa được khắc phục. Đội ngũ cán bộ VKSND vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về năng lực chuyên môn ảnh hưởng tới hiệu quả công tác.

Hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân hiện nay - những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động

Điều 127, Hiến pháp năm 1992 hiện hành quy định, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), các Tòa án nhân dân (TAND) địa phương, các Tòa án quân sự và các Tòa án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam.

Điều 134 quy định: TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. TANDTC giám đốc việc xét xử của các TAND địa phương và các Tòa án quân sự. TANDTC giám đốc việc xét xử của Tòa án đặc biệt và các Tòa án khác, trừ trường hợp QH quy định khác khi thành lập Tòa án đó.

Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND quy định về tổ chức của TAND. Về TAND các cấp (Điều 2), Luật này quy định: ở nước CHXHCN Việt Nam có các Tòa án sau đây:

1. Tòa án nhân dân tối cao;

2. Các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

3. Các TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

4. Các Tòa án quân sự;

5. Các Tòa án khác do luật định.

Trong tình hình đặc biệt, QH có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt.

Theo quy định tại Điều 18, Luật Tổ chức TAND, cơ cấu tổ chức của TANDTC như sau:

1. TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam

2. Cơ cấu tổ chức của TANDTC gồm có:

a, Hội đồng Thẩm phán TANDTC;

b, Tòa án Quân sự trung ương, Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Hành chính và các Tòa phúc thẩm TANDTC; trong trường hợp cần thiết, UBTVQH quyết định thành lập các Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TANDTC.

c, Bộ máy giúp việc.

3. TANDTC có Chánh án, các Phó chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 của Luật Tổ chức TAND, thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC gồm có:

a, Chánh án, các Phó chánh án TANDTC;

b, Một số thẩm phán TANDTC do UBTVQH quyết định theo đề nghị của Chánh án TANDTC.

Tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC không quá 17 người (Khoản 3, Điều 22).

Về tổ chức Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động và Tòa Hành chính TANDTC có Chánh tòa, các Phó chánh tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa án (Khoản 1, Điều 23).
Về tổ chức các Tòa phúc thẩm TANDTC có Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa án (Khoản 1, Điều 24). Hiện tại TANDTC có 3 Tòa phúc thẩm được tổ chức theo khu vực, có trụ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ máy giúp việc của TANDTC gồm có: Ban Thư ký, Ban Thanh tra, Văn phòng, vụ Tổ chức – Cán bộ, vụ Kế hoạch – Tài chính, vụ Thống kê – Tổng hợp, vụ Thi đua – Khen thưởng, vụ Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học xét xử, Tạp chí Tòa án nhân dân, Báo Công lý, Trường Cán bộ tòa án.

Theo quy định tại Điều 27, Luật Tổ chức TAND, tổ chức của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (TAND cấp tỉnh) gồm có: Ủy ban Thẩm phán; Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Hành chính; trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TANDTC; bộ máy giúp việc. TAND cấp tỉnh có Chánh án, các Phó chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 29, tổ chức của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh gồm có: Chánh án, các Phó chánh án; một số thẩm phán TAND cấp tỉnh do Chánh án TANDTC quyết định theo đề nghị của Chánh án TAND cấp tỉnh. Tổng số thành viên Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh không quá 9 người.

Khoản 1, Điều 30 quy định, tổ chức các Tòa chuyên trách của TAND cấp tỉnh có Chánh án, Phó chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án. 

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 32, Luật Tổ chức TAND, tổ chức TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (TAND cấp huyện) có Chánh án, một hoặc hai Phó chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.

Theo quy định tại Điều 34, Luật Tổ chức TAND, các TAQS được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của pháp luật (Khoản 1). Các TAQS gồm có (Khoản 2): TAQS Trung ương; các TAQS quân khu và tương đương; các TAQS khu vực.
Tại Điều 35, Luật Tổ chức TAND, tổ chức của các cấp TAQS như sau:

1. TAQS Trung ương có Chánh án, các Phó chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Chánh án TAQS Trung ương là Phó chánh án TANDTC, Thẩm phán TAQS Trung ương là Thẩm phán TANDTC.

2. TAQS quân khu và tương đương có Chánh án, các Phó chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân, Thư ký Tòa án.

3. TAQS khu vực có Chánh án, Phó chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân, Thư ký Tòa án.

Cụ thể hóa các quy định của Luật Tổ chức TAND, Pháp lệnh Tổ chức TAQS quy định như sau: TAQS Trung ương thuộc cơ cấu tổ chức của TANDTC. Cơ cấu tổ chức của TAQS Trung ương gồm có: Ủy ban Thẩm phán TAQS Trung ương; các Tòa phúc thẩm TAQS Trung ương; bộ máy giúp việc. TAQS Trung ương có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án.

Bộ máy giúp việc của TAQS Trung ương gồm có: Phòng Nghiên cứu – Tổng hợp, phòng Giám đốc – Kiểm tra, phòng Tổ chức – Cán bộ, Văn phòng (trong đó có các ban: Hành chính, Tài chính, Thông tin – Tư liệu).

Tổ chức Ủy ban thẩm phán TAQS Trung ương gồm có: Chánh án TAQS Trung ương; một số Thẩm phán TAQS Trung ương được Chánh án TANDTC quyết định theo đề nghị của Chánh án TAQS Trung ương. Tổng số thành viên Ủy ban thẩm phán TAQS Trung ương không quá 7 người.

Cơ cấu tổ chức TAQS quân khu và tương đương (Điều 25, Điều 27) gồm có: Ủy ban thẩm phán; Bộ máy giúp việc; TAQS quân khu và tương đương có Chánh án, các Phó chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân, Thư ký Tòa án. Ủy ban Thẩm phán TAQS quân khu và tương đương gồm có: Chánh án, các Phó chánh án TAQS quân khu và tương đương; một số thẩm phán TAQS quân khu và tương đương do Chánh án TAQS Trung ương quyết định theo đề nghị của Chánh án TAQS quân khu và tương đương. Tổng số thành viên Ủy ban Thẩm phán TAQS quân khu và tương đương không quá 5 người.

Tổ chức TAQS khu vực (Điều 29) có: Chánh án, Phó chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân, Thư ký Tòa án. Tòa án quân sự khu vực có bộ máy giúp việc.

Qua tổng kết thi hành Luật Tổ chức TAND và khảo sát của Ủy ban Tư pháp, quá trình hoạt động của TAND các cấp, có thể thấy, kể từ khi có hiệu lực thi hành cho đến nay, Luật Tổ chức TAND năm 2002 tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng hệ thống tổ chức, bộ máy của TAND các cấp, bảo đảm cho TAND các cấp hoạt động ổn định, ngày càng được kiện toàn, từng bước đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác..., đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tổ chức TAND đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Tổ chức, thẩm quyền xét xử của TAND các cấp được xây dựng, xác định theo lãnh thổ (cấp, đơn vị hành chính), vừa theo tính chất các vụ việc và thủ tục xét xử, giải quyết các vụ án. Theo đó, TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án, các TAND cấp tỉnh có thẩm quyền hỗn hợp vừa xét xử sơ thẩm, vừa xét xử phúc thẩm, đồng thời cũng có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. TANDTC vừa xét xử phúc thẩm, vừa xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Tổ chức và thẩm quyền của TAND các cấp như vậy chưa phù hợp với nguyên tắc Tòa án thực hiện hai cấp xét xử cũng như tính chất hoạt động, vị trí, vai trò của mỗi cấp Tòa án theo quy định.

Tổ chức TAND cấp huyện theo đơn vị hành chính ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử, nhất là đối với việc xét xử các vụ án hành chính. Mặt khác, do hệ thống Tòa án được tổ chức theo đơn vị hành chính từ Trung ương đến địa phương nên trong thực tế đã xảy ra tình trạng ở một số TAND cấp huyện nơi đông dân cư, kinh tế phát triển, tình hình xã hội phức tạp xảy ra nhiều vụ án, thì quá tải đối với Tòa án; còn ở các địa phương số lượng án ít, dân cư thưa, nhưng vẫn phải bảo đảm bộ máy, biên chế tối thiểu, đầu tư cơ sở vật chất dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các Thẩm phán phải giải quyết tất cả các loại án nên không bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên môn hóa, thiếu đội ngũ Thẩm phán chuyên gia giỏi, ảnh hưởng tới chất lượng xét xử của Tòa án.

Có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm (63 Ủy ban Thẩm phán của 63 TAND cấp tỉnh, 5 Tòa chuyên trách của TANDTC và Hội đồng Thẩm phán TANDTC) dẫn đến tình trạng không tập trung, áp dụng pháp luật không thống nhất làm cho một vụ án có thể bị kháng nghị nhiều lần, kéo dài việc giải quyết.

Hội đồng Thẩm phán TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và là cơ quan hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật với chế độ xét xử tập thể có sự tham dự của ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán đang bị quá tải do số vụ án bị kháng nghị thuộc thẩm quyền xét xử của Hội đồng Thẩm phán ngày càng tăng, án tồn đọng do quá hạn luật định, do phải tập trung cho công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm nên chưa làm tốt công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.

Tòa Dân sự TANDTC giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án dân sự mà bản án, quyết định đều có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trong đó có cả các vụ án hôn nhân và gia đình số lượng ngày một tăng dẫn đến tình trạng quá tải, không có điều kiện chuyên môn hóa.

Tình trạng thiếu cán bộ, nhất là Thẩm phán tồn tại từ nhiều năm vẫn chưa được khắc phục. Đội ngũ cán bộ TAND vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về năng lực chuyên môn ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác. Đội ngũ Hội thẩm chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

 

 


    Ý kiến bạn đọc