Xây dựng nông thôn mới ở hà tĩnh, kết quả bước đầu và những khó khăn cần tháo gỡ
EmailPrintAa
12:25 15/03/2013

Hội nghị lần thứ 7, BCHTW khoá X vào tháng 8/2008 đã có Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; trong đó xác định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt.

Chính phủ đã có Quyết định số 491 và 800 ban hành bộ tiêu chí và chính sách huy động vốn xây dựng nông thôn mới. Đây là một chủ trương đúng, thể hiện bản chất của chế độ ta, sự đánh giá và tri ân của Đảng, của Tổ quốc đối với sự cống hiến hi sinh của giai cấp nông dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Lúc sinh thời, Bác Hồ cũng đã từng nói: "Tôi có ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Hiện tại và tương lai, nếu nhận thức và hành động đúng sẽ tạo động lực mạnh mẽ từ nông nghiệp, nông thôn và nông dân, huy động mọi khả năng tiềm tàng từ trong dân và cơ sở để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Những kết quả bước đầu

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhưng do nhận thức và nhiều lý do khác nên chưa được tổ chức thực hiện nghiêm túc hiệu quả đem lại  chưa như ý muốn. ở Hà Tĩnh ngay từ đầu năm 2001, Tỉnh uỷ đã ban hành nghị quyết về "Xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới". Mô hình "làm mới" của Hàn Quốc là những kinh nghiệm được tham khảo. Tỉnh đã ban hành 19 tiêu chí khung, sau này điều chỉnh thành 33 tiêu chí để các huyện, các cơ sở nghiên cứu vận dụng sát với thực tế tình hình. Nhiều huyện như Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc đã nhạy cảm nắm bắt chủ trương và triển khai khá bài bản. Phát động toàn dân ra quân thực hiện nghị quyết với nhiều phong trào thiết thực và có hiệu quả như chuyển đổi đất, xoá nhà tranh tre dột nát, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng... Tháng 7/2001, Huyện uỷ Thạch Hà ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết xác định 5 nội dung trọng tâm, 28 tiêu chí, được cụ thể hoá thành 125 chỉ tiêu xây dựng kế hoạch và 10 tiêu chuẩn công nhận xã về đích nông thôn mới. Khẩu hiệu hành động của huyện đề ra là: "Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi miền quê hãy hành động để xây dựng quê hương giàu hơn, mạnh hơn, văn minh hơn". Đi liền với các tiêu chí được xác lập là các chủ trương, các đề án, các phong trào được phát động trong từng thời kỳ như làm giao thông nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải tạo vườn tạp và kinh tế gia đình, nuôi trồng thuỷ sản, đào tạo cán bộ cơ sở, xây dựng đời sống văn hoá, xã hội hoá và nâng cao chất lượng giáo dục. Đích đến của mọi hành động là nông thôn mới và nội dung xây dựng nông thôn mới cũng là linh hồn nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ các cấp. Với những chủ trương và giải pháp nói trên cùng với những kết quả tích tụ trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đã tạo được tiền đề cần thiết cho thời kỳ mới. Cơ sở vật chất được tăng cường, toàn tỉnh làm được hơn 4100km đường giao thông trong nông thôn bằng nhựa và bê tông, hơn 1500km kênh mương cứng, 100% số xã có điện lưới, trên 83% phòng học và trạm y tế được kiên cố. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển đổi đáng kể, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 35,5% thu nhập bình quân trên mỗi ha đạt 44triệu đồng. Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế … đều có chuyển biến tích cực. Trường học đạt chuẩn quốc gia 48%, riêng trường tiểu học 95%. Trạm y tế đạt chuẩn trên 90%, có 26% số phường, xã và 25% số thôn, khối phố đạt đơn vị văn hoá, tỷ lệ gia đình văn hoá 73%, tỷ lệ hộ nghèo 11,2%. Thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng. Hệ thống chính trị ổn định, an ninh nông thôn giữ vững. Sơ kết 5 năm 2001 - 2006, Hà Tĩnh có 8 xã đạt tiêu chí nông thôn mới là Tùng ảnh, Trường Sơn, Thị trấn Đức Thọ, Thạch Châu, Thạch Kim, Thiên Lộc, Gia Phố, Cương Gián. Khi chuyển đổi thành 33 tiêu chí thì 3/8 đơn vị nói trên đạt các tiêu chí giai đoạn 2.

Sau khi có nghị quyết của Trung ương, Tỉnh uỷ đã có Nghị quyết 08 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới, thành lập Ban chỉ đạo 4 cấp do Bí Thư hoặc Chủ tịch UBND làm trưởng ban. Ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Tỉnh chọn 13 điểm chỉ đạo về đích nông thôn mới năm 2013, 35 xã về đích năm 2015, định rõ thời gian từng đơn vị phải hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch và các đề án. Đồng thời trích 108 tỷ đồng từ ngân sách 3 cấp và 30 tỷ đồng từ tín dụng ưu đãi kết hợp với các nguồn vốn khác để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Những xã về đích trước thời gian 2 năm được thưởng 2 tỷ đồng, trước một năm thưởng 1 tỷ đồng. Hàng tuần, Thường trực ban chỉ đạo tỉnh dành 1 ngày trực tiếp kiểm tra tại các điểm và bổ cứu cho ban chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức, nhân rộng các mô hình và kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, trong số 13 xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2013, có 8 xã đã đạt 10 - 15 tiêu chí là: Thiên Lộc, Thạch Châu, Gia Phố, Thạch Tân, Hương Trà, Tùng ảnh, Thạch Hạ, Cẩm Thành. Năm xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. Trong số 35 xã phấn đấu về đích năm 2015, có 7 xã đạt 10 tiêu chí trở lên, 13 xã đạt 7 - 9 tiêu chí, 11 xã đạt 5 - 6 tiêu chí; đã duyệt quy hoạch 43 xã, đề án nông thôn mới 79 xã, đề án phát triển sản xuất 66 xã.

Những khuyết điểm hạn chế

Tuy vậy vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức chỉ đạo ở các cấp, nhất là vấn đề quy hoạch, chuyển đổi tích tụ đất chưa đi liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế hàng hoá, phân công lại lao động; do đó giá trị thu nhập còn thấp, thu nhập bình quân đầu người tăng chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Còn lúng túng trong lựa chọn mô hình tổ chức sản xuất và hiệu quả của các hoạt động dịch vụ. Văn hoá, xã hội còn những vấn đề bất cập. Hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động thiếu năng động, đội ngũ cán bộ cơ sở chưa tương ứng với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới. Hạn chế có tính chi phối đến tổ chức chỉ đạo và hành động cụ thể của mọi người là chưa nhận thức đầy đủ bản chất cuộc vận động xây dựng nông thôn mới do Đảng khởi xướng, do đó ở một số cấp chỉ đạo hời hợt, nửa vời, có tính phong trào. Thiếu cụ thể hoá bằng cơ chế, chính sách và giải pháp đồng bộ, tạo điểm nhấn. Có cán bộ cơ sở đã phát biểu: "Phấn đấu thành xã nghèo hiệu quả hơn, ít ra cũng đầu tư tiền tỷ. Chúng tôi dồn mọi nguồn lực xây dựng điểm, tiền thưởng không đủ chi đối ngoại, tiếp khách". Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ. Cơ sở và người dân cũng chưa nhận thức đúng vai trò chủ thể trong cuộc vận động, một số xem đây như "một dự án kinh tế", tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Chưa đầu tư đúng mức cả trí tuệ và nguồn lực để phát triển sản xuất, xây dựng đời sống tinh thần và an sinh xã hội vốn là bản chất, là mục tiêu của cuộc vận động, thường quan tâm nhiều hơn việc xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng.

Trên một số lĩnh vực, chưa tạo được sự gắn kết giữa các chương trình dự án và các nhà đầu tư với chủ sở hữu là người dân và cơ sở, do đó chưa nâng cao ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân đối với các dự án triển khai tại địa phương. Mỗi khi người lao động, đồng thời là người làm khoa học thì mọi mô hình mới có tính khả thi, mới có sức lan toả. Thực tế lâu nay một số nơi đã diễn ra những nghịch lý là: Làm chợ không có người họp, xây trường mầm non, nhà văn hoá khu dân cư như "Lò thúc mầm" dự án đầu tư nước sạch không có nước, phát triển một số mô hình kinh tế, một số cây trồng, vật nuôi, ngành nghề không sát với điều kiện thực tế hoặc có tính "áp đặt" nên không có hiệu quả, khi dự án rút thì mô hình không còn.  Nguồn vốn được huy động để đầu tư xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800 của Chính phủ là đúng, nhưng việc điều tiết, khâu nối các nguồn vốn đó vào một mục tiêu không phải là dễ, vì không phải ai cũng điều hành được, nếu không thiết lập được một cơ chế ở cấp vĩ mô. Mục tiêu phấn đấu số xã về đích nông thôn mới trong từng thời gian nếu không có những giải pháp đồng bộ thì khó thực hiện, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập bình quân và đời sống văn hoá tinh thần. Những xã phấn đấu về đích năm 2013, 2015 phần lớn là những đơn vị có phong trào đã xây dựng hàng chục năm, số xã còn lại điểm xuất phát còn quá thấp.

Rất cần những giải pháp hưu hiệu

Để cuộc vận động xây dựng nông thôn mới trong cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng có hiệu quả, tôi nghĩ điều cốt lõi là phải nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân về ý nghĩa và bản chất của cuộc vận động, là một cuộc cách mạng sâu rộng, toàn diện và lâu dài trong nông thôn Việt Nam. Từ đó để phát động một cao trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Phải tạo ra nhiều diễn đàn, nhiều hội nghị "Diên hồng", nhất là ở cơ sở để mọi người dân hiến kế, góp sức chung tay xây dựng nông thôn mới, với phương châm "Lấy sức dân để tổ chức cuộc sống cho dân" như Bác Hồ đã dạy. Phải khơi dậy ý thức của từng người, từng gia đình, từng vùng quê tự lo cho chính mình; phải chỉnh trang từ trong nhà, ngoài vườn, rồi đến cộng đồng. Lo đổi mới cách làm ăn để có "Của ăn của để", cải thiện đời sống dân sinh. Lo gia đình có đời sống tinh thần phong phú, hoà thuận, hạnh phúc, tôn trọng lễ giáo, hiếu học, trọng nghĩa khí, cư xử có văn hóa từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Chừng nào mỗi người dân và hệ thống chính trị cơ sở chưa nhận thức và hành động được như thế thì cuộc vận động chưa có sự biến đổi về chất, còn có sức ỳ, lực cản và sự ỷ lại.

- Phải tạo được sự kết dính và phối hợp nhịp nhàng của các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các đoàn thể hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, do Chính phủ quản lý và điều phối. Khắc phục kịp thời các biểu hiện: nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động chồng chéo về nội dung và tổ chức chỉ đạo, họp nhiều hơn làm. Cấp trên có nhiều tổ chức, nhiều chủ trương nhưng cơ sở chỉ có một, đó là người dân thực hiện. Điều đáng buồn là hàng năm Nhà nước bỏ ra không ít ngân sách để nghiên cứu các đề tài khoa học nhưng một số đề tài không sát yêu cầu thực tế cuộc sống, không được ứng dụng và kiểm chứng; trong khi một số "lão nông" kiến thức khoa học hạn chế nhưng lại mày mò, sáng chế máy móc thiết bị làm đất, gặt đập liên hoàn, chế biến nông thuỷ sản, sản xuất tấm lợp, ván ép từ nguyên liệu sẵn có trong nông nghiệp. Cần phải giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, không để người dân phải chịu nhiều rủi ro trong sản xuất do sâu bệnh, dịch bệnh, thiên tai mất mùa, hàng hoá không tiêu thụ được, bị tư thương ép cấp, ép giá. Giá trị thu nhập từ lưu thông gấp nhiều lần giá trị thu nhập của người làm ra sản phẩm. Phải có giải pháp để xây dựng truyền thống bản sắc văn hóa, cốt cách người Việt Nam, không để những giá trị văn hoá tinh thần trong các cộng đồng dân cư bị xói mòn.

- Phải tập trung đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa để nâng cao đời sống vật chất tinh thần của của nhân dân. Đó là bản chất và mục đích của cuộc vận động trong xã hội nông thôn Việt Nam. Phải tăng tỷ trọng đầu tư về vật chất và mọi nguồn lực để phát triển nền nông nghiệp hàng hoá có sản phẩm dồi dào, chất lượng cao, thực hiện phân công lại lao động, tăng nhanh thu nhập và mức hưởng thụ văn hoá cho người dân. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền nên có những giải pháp để khích lệ sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ và người dân trong phát triển kinh tế, văn hoá thông qua hệ số tính điểm các tiêu chí quan trọng, chính sách khen thưởng với những tập thể, cá nhân tích cực. Với những đơn vị đã phát huy nội lực để xây dựng nông thôn mới khi chưa có chính sách đầu tư của nhà nước, nay cần có sự đầu tư hợp lý để tạo điều kiện cho các đơn vị phấn đấu về đích sớm hơn.

- Phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có tri thức, năng lực, tâm huyết xây dựng nông thôn mới. Đảng và Nhà nước cần có chiến lược đào tạo cán bộ cơ sở, có giáo trình và quy trình đào tạo cơ bản, đáp ứng trước mắt và lâu dài, nhất là kiến thức về kinh tế, tài chính, luật, khoa học xã hội; bồi dưỡng số cán bộ có ngành nghề không phù hợp hoặc đã được đào tạo nhưng kiến thức chắp vá. Cùng với chương trình đào tạo cơ bản là việc tập huấn, bồi dưỡng về các kiến thức, kỹ năng điều hành quản lý. Tổng kết mô hình, tham quan học hỏi kinh nghiệm đơn vị khác là những việc làm cần thiết để nâng cao năng lực và kinh nghiệm tổ chức chỉ đạo của đội ngũ cán bộ trong việc tập hợp và phát động nhân dân thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.


    Ý kiến bạn đọc