Ý Đảng lòng dân thống nhất - Bài học thành công từ Cách mạng tháng Tám ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
10:35 19/08/2021

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Tĩnh được cho là đã nắm chắc tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng, nhằm đúng thời cơ, tổ chức chặt chẽ sáng tạo, giành thắng lợi trọn vẹn, không có sự đổ máu và diễn ra nhanh chóng. Thế nhưng tìm hiểu việc tổ chức chỉ đạo đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám luôn là đề tài bổ ích và lý thú đối với mọi cán bộ nghiên cứu, chỉ đạo thực tiễn. Bởi chính cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 của Hà Tĩnh vẫn có những đặc điểm riêng không giống với nhiều địa phương khác.

Sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. (Ảnh Tư liệu TTXVN)

Theo nguyên lý chung, một cuộc Cách mạng muốn giành thắng lợi phải được nổ ra ở nơi kẻ thù suy yếu nhất, tổ chức lãnh đạo Cách mạng phải đủ mạnh và quần chúng Cách mạng đã chuẩn bị sẵn sàng nhất. Thực tế cho thấy cuộc khởi nghĩa tháng Tám tại Hà Tĩnh không hoàn toàn như vậy.

Cuộc Khởi nghĩa của Hà Tĩnh bùng nổ khi Đảng bộ đang gặp khó khăn nhất; hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh xuống cơ sở đã bị kẻ địch phá vỡ nhiều lần. Hầu hết các đồng chí cán bộ, đảng viên ưu tú bị kẻ địch bắt, giam giữ trong các nhà tù sau nhiều đợt vây quét khủng bố khốc liệt. Trong đó phải kể tới những thời kỳ vô cùng khó khăn như những năm sau 1930-1931, thời kỳ kẻ địch khủng bố đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tiếp đến là thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định giải tán các tổ chức nghiệp đoàn, cấm các hoạt động của Đảng cộng sản... Đến tháng 5 năm 1940, Tỉnh uỷ lâm thời do đồng chí Trần Quỳ, Xứ uỷ Trung kỳ chỉ đạo mới được thành lập gồm 5 đồng chí. Sau đó một số địa phương lập lại Huyện uỷ như Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê... Nhưng sau cuộc tập kích đồn điền Ferey và việc tổ chức ám sát tên Bang tá Hồ Dũng Tài của Chi bộ Song Con, Cẩm Lĩnh (Hương Sơn) vào tháng 5-1941, thì tổ chức Đảng lại bị kẻ địch triệt phá hoàn toàn. Gần như đến ngày khởi nghĩa hệ thống tổ chức Đảng chưa được khôi phục.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Hà Tĩnh vẫn là nơi kẻ địch tăng cường đàn áp, khủng bố và thực hiện nhiều chính sách bóc lột tàn bạo. Thực dân Pháp một mặt phát xít hoá bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp những người có tinh thần yêu nước. Mặt khác chúng dùng thủ đoạn giả nhân, giả nghĩa lừa phỉnh Nhân dân đồng thời đẩy mạnh chính sách vơ vét sưu thuế, gia tăng sức bóc lột. Nhiều chính sách hà khắc được thực dân Pháp triển khai ở Hà Tĩnh như hạn chế việc đi lại, đọc sách báo, hội họp, mít tinh của Nhân dân. Tuyển thêm lính kín, lính khố xanh, cho mật thám giả danh làm người buôn lợn, buôn bò, ăn xin trà tộn trong dân để dò la tin tức, điều tra hoạt động cộng sản. Các phường hội như Tương tế, Ái hữu bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Những người đứng đầu các tổ chức đều bị bắt bớ, xét hỏi, bị phạt tiền… Riêng ở Hương Sơn, chỉ sau 2 tháng sau vụ Bang tá Hồ Dũng Tài bị giết đã có 170 người bị bắt, 30 người bị xử bắn.

Trước ngày khởi nghĩa, các tổ chức quần chúng hoạt động vẫn còn rất manh mún và bị phân tán, chịu nhiều nguồn tổ chức chỉ đạo khác nhau. Khi mặt trận Việt Minh Nghệ Tĩnh đã triển khai kế hoạch khởi nghĩa thì các địa phương vẫn còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hoạt động của các tổ chức khác nhau như Đảng cộng sản, Thanh niên Phan Anh, Chính phủ Trần Trọng Kim, Lực lượng thân Pháp, thân Nhật… Bởi vậy, trong cùng một địa phương, trong cùng một thời gian đã có lúc quần chúng chịu sự chỉ đạo của hai tổ chức Cách mạng. Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là đảng viên cộng sản có địa phương cũng đã hình thành hai nhóm hoạt động tách rời nhau như ở Hương Sơn, Nghi Xuân...

Thế nhưng, quần chúng Cách mạng sau nhiều lần diễn tập và đã có sự thử thách hy sinh qua cao trào Cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, họ đã hiểu rõ giá trị của mục tiêu Độc lập tự do và con đường mà Đảng cộng sản đang nỗ lực phấn đấu. Những người cộng sản bằng xương bằng thịt đã kiên cường không tiếc máu xương lăn lộn cùng Nhân dân, đấu tranh anh dũng, chịu đòn roi tra tấn và đã phải hy sinh cùng trận tuyến với Nhân dân. Quần chúng nhân dân đủ điều kiện để hiểu rằng mục tiêu phấn đấu của những người cộng sản lúc bấy giờ với toàn thể Nhân dân là một. Vì thế mà những người cộng sản sẵn sàng hy sinh vì dân vì nước và ngược lại người dân cũng sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu của Đảng của dân tộc.

Có thể nhận thấy rằng, từ sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2-1943 và việc thành lập tổ chức mặt trận Việt Minh, gần như khắp nơi trong cả nước đã có bước chuẩn bị trong ý thức về cuộc khởi nghĩa đang đến gần. Việt Minh đóng vai trò như hệ thống tổ chức do Đảng làm nòng cốt đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Trên địa bàn Hà Tĩnh các huyện đã được chia ra nhiều phân khu khác nhau, chịu sự chỉ đạo của nhiều tổ chức Việt Minh khác nhau. Nghi Xuân thuộc phân khu Vinh Bến thủy (Nghệ An); Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê thuộc phân khu La Hương Hương. Các huyện thị còn lại thuộc Phân khu Nam Hà. Đó là những phân khu do Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh phụ trách; ngoài ra cuộc khởi nghĩa của các huyện còn có trường hợp nắm bắt thông tin từ Việt Minh Hà Nội để khởi nghĩa giành thắng lợi. Đặc điểm trên mặc dù có xẩy ra những khúc mắc nhỏ, nhưng đã làm cho cuộc Khởi nghĩa Hà Tĩnh tăng thêm tính phong phú, sôi động và thi đua thúc đẩy việc giành chính quyền các địa phương thêm nhanh chóng.

Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh cho thấy ý thức Cách mạng và tính chủ động của quần chúng nhân dân rất cao. Trong khi kẻ địch ráo riết khủng bố và đàn áp khốc liệt thì Nhân dân vẫn không hề nao núng quyết tâm giành chính quyền. Hàng loạt cán bộ và Nhân dân bị bắt bớ tù đày, giết hại thảm khốc, song những người còn lại vẫn tin theo Đảng, quyết tâm đi theo Cách mạng. Phong trào yêu nước được duy trì dưới mọi hình thức, mọi hoàn cảnh. Nhất là khi các chính trị phạm thoát ngục trở về mang theo chương trình hành động của Đảng và kinh nghiệm đấu tranh trong các nhà tù đế quốc. Mặc dù quần chúng nhân dân vừa phải lo chống đỡ nạn đói, phải thường xuyên đối phó với các thủ đoạn thâm độc của kẻ địch, nhưng vẫn luôn hướng về tiếng gọi của tổ chức, của Đảng. Phong trào Cách mạng vẫn có thể thổi bùng lên, làm lung lay nhanh chóng uy lực của bộ máy cai trị. Chính vì thế mà không đợi đến ngày toàn quốc khởi nghĩa, không đợi đến việc hoàn chỉnh tổ chức, thời cơ đến vẫn thống nhất được với nhau vùng dậy tước chính quyền địch về tay Nhân dân. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Tĩnh không diễn ra theo một chiều từ trên xuống hoặc dưới lên mà diễn ra nơi có khâu yếu nhất của bộ máy kẻ địch xuất hiện. Việc giành chính quyền được bắt đầu từ huyện lên tỉnh, rồi từ tỉnh xuống huyện. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh được diễn ra nhanh chóng, chỉ trong 5 ngày từ 16 đến 21-8-1945.

Trong khi lãnh đạo của Phân khu Nam Hà đang bàn tính kế hoạch giành chính quyền trong toàn tỉnh, thì tại Can Lộc một nhóm thanh niên có quan hệ với Việt Minh Hà Nội, sớm thấy được sự chuyển biến mau lẹ của tình hình đã chớp thời cơ tổ chức tấn công, tước vũ khí lính bảo an, bắt giữ tri huyện, đánh chiếm huyện đường giành thắng lợi. Đây chính là khâu đột phá, khích lệ thúc đẩy các địa phương nhanh chóng khởi nghĩa. Sau khởi nghĩa Can Lộc các Phân khu theo chỉ đạo của Việt Minh địa phương liên tục tổ chức biểu dương lực lượng tiến vào chiếm huyện đường từ tay của chính quyền thân Nhật vừa mới dựng lên. Chỉ có Hương Khê là huyện xa Trung tâm nên đã được sự chi viện của Phân khu Nam Hà cũng nhanh chóng giành thắng lợi. Cuối cùng là Cuộc khởi nghĩa ở Hà Tĩnh đã thể hiện rõ sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân khi đã được khơi dậy và tổ chức. Theo kế hoạch của Việt Minh Nam Hà, để hạ uy thế của chính quyền địch và tránh đổ máu, các địa phương tổ chức cho quần chúng nhân dân biểu tình liên tiếp 3 ngày liền trước khi khởi nghĩa. Thế nhưng trong thực tế khi thời cơ đến, hầu hết các địa phương không đợi đến 3 ngày, mà ngay khi quần chúng được phát động vùng lên đấu tranh thì bộ máy chính quyền thống trị nhanh chóng sụp đổ. Nhiều nơi binh lính mang theo vũ khí vào đội ngũ biểu tình tiến vào giành chính quyền về tay Nhân dân.

76 năm đã qua, người dân Hà Tĩnh với tinh thần Cách mạng tháng Tám vẫn tiếp tục phát huy và không ngừng tỏa sáng. Hà Tĩnh không chỉ là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước; Hà Tĩnh còn là tỉnh đi tiên phong trong phong trào xóa nạn mù chữ sau Cách mạng, là tỉnh hoàn thành sớm phong trào hợp tác hóa đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Trong mọi cuộc kháng chiến, Hà Tĩnh luôn là cầu nối vững chắc giữa hậu phương và tiền tuyến cả nước, làm tròn nghĩa vụ và sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc: “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và “xe chưa qua nhà không tiếc”. Đi vào công cuộc đổi mới Hà Tĩnh là tỉnh đi đầu trong phong trào “Giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tranh tre dột nát”, Phong trào xây dựng nông thôn mới…

Bài học về sự thống nhất giữa Ý Đảng lòng dân luôn được phát huy và là điểm tựa vững chắc cho mọi chặng đường đi lên của Hà Tĩnh./.

Th.s Trần Quang Trung

    Ý kiến bạn đọc