Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề Cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện thạch hà
EmailPrintAa
15:13 02/04/2018

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chiến lược quan trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân. Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Thạch Hà đã ban hành nghị quyết số 15/2014/NQ-HĐND ngày 30/12/2014 về việc thông qua “Đề án đào tạo nghề cho lao động huyện Thạch Hà đến giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020”. Để đánh giá kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn huyện, trong năm 2017, ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện đã tiến hành giám sát tại các đơn vị liên quan. Qua đó, cho thấy những kết quả tích cực do Đề án mang lại, đồng thời cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế cần được khắc phục trong năm 2018 để việc thực hiện Đề án đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Sau khi đề án được thông qua UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; xây dựng chương trình phối hợp thực hiện Đề án giữa UBND huyện với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; giao trách nhiệm cho các phòng, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án. Chỉ đạo các phòng ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền cho cán bộ Nhân dân về thực hiện chương trình việc làm - dạy nghề; điều tra, khảo sát, tuyên truyền, tư vấn và dự báo nhu cầu học nghề; xác định số lượng và nhu cầu nghề cần đào tạo để xây dụng kế hoạch đào tạo sát của từng địa phương. Trong 3 năm (2015 đến 2017) toàn huyện đã tổ chức 38 cuộc tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp tại các cụm xã với trên 4000 lao động tham gia; hàng năm tổ chức ngày hội việc làm đầu xuân với sự tham gia tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; mở được 57 lớp với 1907 lao động, gồm: Nghề nông nghiệp 33 lớp với 1145 lao động; nghề phi nông nghiệp 22 lớp với 762 lao động; Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 3000 lao động trong đó: Trong tỉnh 1300 - 1400 lao động, ngoại tỉnh 700 lao động, xuất khẩu 600-700 lao động. Bồi dưỡng cho 1.614 lượt cán bộ công chức cấp xã. Trong đó: Về chính trị 236 người; về kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ chuyên môn cho 1378 lượt người. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDNN&GDTX) huyện được đầu tư xây dựng khang trang. Trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề được bổ sung cơ bản đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh những kết quả đạt được đoàn giám sát của Ban Kinh tế - xã hội HĐND huyện cũng đã chỉ ra một số tồn tại hạn chế đó là:

Công tác quản lý Nhà nước và chỉ đạo điều hành về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn chồng chéo; việc tuyên truyền về thực hiện đề án của các ngành, các cấp còn hạn chế. Công tác điều tra khảo sát về tình hình lao động, nhu cầu đào tạo nghề thiếu chính xác; số lao động thuộc nhóm đối tượng ưu tiên tham gia học nghề còn ít; công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổn định còn thấp; việc theo dõi gúp đỡ định hướng việc làm cho lao động sau học nghề chưa được quan tâm; một số lao động sau khi học nghề không phát huy hiệu quả, chất lượng và hiệu quả đào tạo còn hạn chế; nghề đào tạo chủ yếu nghề nông nghiệp và là lao động nữ nên chủ yếu phục vụ gia đình, chưa có tác động đến mục tiêu chuyển đổi cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông lâm nghiệp sang các lĩnh vực khác. Công tác kiểm tra giám sát, quản lý các lớp dạy nghề ở một số địa phương chưa nghiêm túc; việc lựa chọn một số ngành nghề đào tạo không dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu người học và điều kiện thực tế của địa phương nên học xong không có việc làm, không áp dụng vào thực tiễn lao động sản xuất. Nguồn kinh phí phục vụ cho chương trình đào tạo nghề hàng năm phân bổ ít, không đủ theo quy định. Để thực hiện tốt Đề án đào tạo nghề cho lao động  đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, đáp ứng việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững ban kinh tế xã hội đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện đề án; kiện toàn và phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo; nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm; phối hợp với các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về đào tạo nghề và việc làm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát về thời gian, chất lượng đào tạo. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về đào tạo nghề  cho lao động nông thôn; gắn giáo dục phổ thông với công tác hướng nghiệp nghề và khởi nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông, coi đây là giải pháp quan trọng trong công tác đào tạo nghề.

Hai là, UBND cấp xã phối hợp với các đoàn thể Nhân dân, hàng năm thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát với thực tiễn, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Thu thập, cung cấp đầy đủ thông tin về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp; thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tiếp nhận lao động. Phát triển đào tạo nghề theo hướng đa dạng, linh hoạt nhưng phải đạt chuẩn về chương trình, giáo trình, giáo viên, trang thiết bị...; liên kết với các trường có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động. 

Ba là, chú trọng việc đào tạo nghề cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; con em gia đình chính sách, hộ nghèo để có nhiều cơ hội việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động. Đào tạo nghề gắn với khởi nghiệp, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động tự tạo việc làm sau đào tạo.

Bốn là, nâng cao năng lực của Trung tâm GDNN&GDTX, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đào tạo nghề trong thời kỳ mới. Hợp đồng với các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân tham gia công tác đào tạo nghề. Thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng tăng thực hành, giảm lý thuyết; kết hợp giữa đào tạo tại chỗ với thực hành tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kết hợp đào tạo kỹ năng nghề với giáo dục đạo đức, tác phong nghề nghiệp.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề, tranh thủ mọi nguồn lực trong hoạt động đào tạo nghề; hàng năm bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách huyện, cấp xã để thực hiện chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo tinh thần đề án đã dược phê duyệt; tạo điều kiện cho tập thể, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề để tạo nguồn nhân lực phục vụ lao động, sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp mở cơ sở đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.


    Ý kiến bạn đọc