Giải pháp nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh
EmailPrintAa
11:02 20/07/2020

Thẩm tra là hình thức giám sát của các Ban HĐND nhằm xem xét sự phù hợp của nội dung dự thảo với đường lối, chủ trương của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của nội dung dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành; sự phù hợp, tính đáp ứng của nội dung dự thảo với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trước khi trình HĐND.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra các Đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021

Thực hiện các quy định của pháp luật về thẩm tra, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, các Ban HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thẩm tra 226 dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án của UBND tỉnh và các cơ quan tư pháp về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng chính quyền địa phương... Hoạt động thẩm tra được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, từng bước đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, lĩnh vực. Các Ban HĐND tỉnh đã tăng cường khảo sát, nắm tình hình và nghiên cứu tài liệu tham khảo để phục vụ hoạt động thẩm tra, do đó chất lượng thẩm tra được nâng lên, đã chỉ ra nhiều nội dung chưa phù hợp trong báo cáo, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình, qua đó làm cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận và quyết định các nội dung tại kỳ họp, các nội dung thẩm tra của các Ban hầu hết được UBND tỉnh tiếp thu. Điều đó khẳng định rõ về chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh ngày càng được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thẩm tra còn có những khó khăn, hạn chế: tiến độ một số báo cáo, đề án của UBND gửi về thường trực HĐND còn chậm so với quy định, hồ sơ gửi kèm không đầy đủ, thiếu thông tin gây ảnh hưởng đến công tác thẩm tra, một số dự thảo chưa đảm bảo chất lượng…Ngoài ra, việc nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh có lúc còn thụ động, chưa tổ chức được nhiều hoạt động khảo sát để thu thập thông tin; việc tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, những người am hiểu về nội dung thẩm tra ít được thực hiện…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, xin đưa ra một số giải pháp sau:

Một là , công tác chuẩn bị thẩm tra. Thường trực HĐND tỉnh sớm phân công nhiệm vụ thẩm tra cho các Ban HĐND ngay sau họp liên tịch thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp. Lãnh đạo các Ban HĐND trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và nội dung phân công thẩm tra, xây dựng kế hoạch tổ chức thẩm tra và phân công thành viên trong Ban nghiên cứu. Các Ban HĐND cần tổ chức khảo sát để nắm tình hình địa phương, đơn vị về những nội dung liên quan đến thẩm tra hoặc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề để lấy ý kiến tham gia của cử tri và đối tượng chịu tác động trực tiếp. Ngoài ra, các ban HĐND cần tham gia trực tiếp hoặc định hướng về đối tượng, phạm vi điều chỉnh và đề cương của dự thảo nghị quyết thuộc nhóm quy định về chính sách, biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội có tính chất đặc thù của địa phương. Thực hiện được nội dung này giúp Thường trực HĐND, các ban HĐND hoàn toàn chủ động tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết góp phần nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra và vai trò quyết định của HĐND; đồng thời giảm lãng phí nguồn lực khi các dự thảo nghị quyết đã thực hiện xong các bước theo quy định, nhưng đến khi các ban HĐND tỉnh thẩm tra dự thảo nghị quyết lại không thông qua, do chưa đủ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Hai là, khi thẩm tra phải xem xét tính đầy đủ của hồ sơ dự thảo Nghị quyết như: Tờ trình, dự thảo nghị quyết, bản tổng hợp, giải trình ý kiến góp ý về dự thảo nghị quyết, ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp…

Ba là , tổ chức thẩm tra kỹ lưỡng và xây dựng báo cáo thẩm tra chất lượng. Thành phần mời dự họp thẩm tra chính thức, ngoài thành viên Ban, lãnh đạo Ban mời Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, ngoài ra có thể mời đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tham dự.

Trong quá trình tổ chức hội nghị thẩm tra, thành viên các Ban phải nêu được những vấn đề bất hợp lý, không khả thi, trái quy định pháp luật trong dự thảo nghị quyết. Nội dung báo cáo thẩm tra cần nêu sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển KT - XH ở địa phương; nêu tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành; gợi mở những vấn đề HĐND cần thảo luận, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để cung cấp thông tin cho đại biểu xem xét, thảo luận và đề xuất được nhiều giải pháp làm cơ sở cho HĐND quyết nghị. Báo cáo thẩm tra phải nêu rõ ý kiến đánh giá của Ban về những vấn đề được Ban nhất trí, không nhất trí, còn có ý kiến khác nhau và những kiến nghị sửa đổi, bổ sung...

Bốn là, giải quyết các vấn đề sau thẩm tra. Sau thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh tổng hợp những vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa báo cáo, dự thảo nghị quyết với báo cáo thẩm tra, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Thường trực HĐND tỉnh chủ trì tổ chức cuộc họp để thảo luận, thống nhất với UBND tỉnh về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa báo cáo thẩm tra của các Ban với cơ quan trình dự thảo nghị quyết, báo cáo.

Thực hiện tốt các giải pháp trên, tin rằng hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh ngày càng đảm bảo về chất lượng, là căn cứ quan trọng để đại biểu HĐND tỉnh xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND./.

Nguyễn Việt Dũng

    Ý kiến bạn đọc