Giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Bài 1. Nông thôn mới tạo những miền quê đáng sống
EmailPrintAa
17:04 02/10/2023

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh vừa có báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Cổng TTĐT Đại biểu nhân dân Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số nội dung cơ bản kết quả giám sát.

Thời gian qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự đồng lòng, chung sức của Nhân dân, Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương đánh giá cao các sản phẩm tiêu biểu của nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là: 959.969 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 748.969 triệu đồng, vốn ngân sách tỉnh là 211.000 triệu đồng. (Vốn ngân sách trung ương, gồm: phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 34.552 triệu đồng; giảm nghèo bền vững: 12.007 triệu đồng; xây dựng nông thôn mới: 702.410 triệu đồng).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới những thành tựu đạt được

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, Hà Tĩnh đã có nhiều điển hình tiên tiến, sáng kiến kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới, trở thành nhu cầu của cộng đồng dân cư, điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Toàn tỉnh có 177/181 xã đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 97,8% tổng số xã); trong đó có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 27,6% tổng số xã); 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 3,87% tổng số xã). Có 09/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới có 02/10 tiêu chí cơ bản đạt, gồm: Quy hoạch và An ninh trật tự xã hội; có 03/10 tiêu chí có khả năng hoàn thành, gồm: Dịch vụ hành chính công; Giáo dục và Y tế; Chỉ đạo, điều phối thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; có 05 tiêu chí khó có khả năng hoàn thành nếu không có sự nỗ lực phấn đấu và nguồn lực hỗ trợ, gồm: Cơ sở hạ tầng kết nối và tích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững; Văn hóa; Môi trường và cảnh quan nông thôn; Việc làm - Thu nhập - Hộ nghèo.

Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã làm việc với huyện Thạch Hà

Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, năng lực trình độ sản xuất được nâng lên, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (Toàn tỉnh có 238 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa, trong đó 221 trang trại chăn nuôi lợn, 03 trang trại chăn nuôi bò, 15 trang trại chăn nuôi gà); từng bước triển khai thực hiện các dự án trọng điểm về chăn nuôi  (Đang từng bước triển khai thực hiện 06 dự án trọng điểm ưu tiên về đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ vùng nuôi tôm tập trung gắn với quản lý mã số vùng giai đoạn 2021-2025). Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được tập trung chỉ đạo, có những thành công bước đầu, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Đến nay có 190 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 11 sản phẩm 4 sao, 179 sản phẩm 3 sao.

Tất cả các xã thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch vùng cấp huyện, gắn kết nối đô thị; có 08/10 huyện đã lập, thẩm định và phê duyệt 08/10 quy hoạch vùng huyện. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, nhất là hệ thống đường giao thông, hạ tầng thương mại nông thôn, Giai đoạn từ 2021 - tháng 4/2023 toàn tỉnh đã bê tông hóa, nhựa hóa được 1.176km đường giao thông; 181/181 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông. Hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai từng bước hoàn thiện, đảm bảo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Giai đoạn từ năm 2021 - 2023 toàn tỉnh kiên cố hóa được 12,5km kênh mương nội đồng; nâng cấp sữa chữa 18 công trình đập, hồ chứa nước, đầu tư nâng cấp 05 tuyến đê biển. Hệ thống lưới điện nông thôn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, Hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy thủy điện Ngàn Trươi với công suất 23,5MW, có 2 dự án thủy điện đang thi công (Hương Sơn, Đá Tràn), 01 dự án điện gió (Trang trại Phong điện HBRE), 01 dự án thủy điện (Vũ Quang).

Đoàn công tác tỉnh Bolikhămxay tham quan nông thôn mới Hà Tĩnh

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục, đến nay toàn tỉnh có 498 trường trong hệ thống công lập đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống y tế từng bước được hoàn thiện, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Công tác bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan được chú trọng, từng bước thực hiện xử lý nước thải sinh hoạt tại các hộ gia đình và trong khu dân cư. Xây dựng, hoàn thiện các nhà văn hóa cộng đồng gắn với ngôi nhà trí tuệ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, còn một số khó khăn, vướng mắc:

- Một số chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 khó triển khai như: Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử; tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa. Bộ tiêu chí tiếp cận pháp luật được thực hiện từ năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành có nhiều nội dung mới và khó thực hiện, yêu cầu cao trong khi hướng dẫn của Bộ Tư pháp chưa cụ thể, khó khăn trong quá trình thực hiện.

- Việc huy động, bố trí cân đối các nguồn lực thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Việc đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng, thực hiện các chuyên đề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm.

- Một số chỉ tiêu trong Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới chưa có hướng dẫn của Trung ương, Như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đạt chuẩn quốc gia; Trung tâm sản phẩm OCOP tỉnh.

- Ứng dụng chuyển đổi số, phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ trong xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn. Chương trình chuyển đổi số còn hạn chế, chưa có hướng dẫn triển khai các mô hình thôn, xã thông minh; mô hình xã thương mại điện tử nên trong quá trình triển khai một số địa phương còn lúng túng; chưa có các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông thôn; chủ thể chính là người nông dân nên năng lực, kỹ năng về du lịch còn hạn chế. Kinh phí đầu tư cho quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa còn hạn chế; các mô hình văn hóa, thể thao, du lịch chưa thực sự rõ nét, chưa tạo sức lan tỏa.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát chuyên đề tại huyện Nghi Xuân

- Tình hình an ninh trật tự khu vực nông thôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp như khiếu kiện tranh chấp về đất đai, giải phóng mặt bằng, tình hình các loại tội phạm về trật tự xã hội.

- Mục tiêu tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao khó khăn đối với các xã miền núi do khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không còn các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức..., trong khi thực tế đời sống còn nhiều khó khăn.

- Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ảnh hưởng việc thực hiện chương trình như: Đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp chưa bảo đảm các tiêu chí theo quy định; bố trí trụ sở mới không phù hợp, không thuận lợi cho các giao dịch của người dân; một số trụ sở cũ dôi dư, bỏ hoang, gây lãng phí và mất mỹ quan.

- Năng lực của cán bộ và người dân chưa bắt kịp với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; tư duy của người dân đang chủ yếu tiếp cận theo hướng sản xuất nông nghiệp, chưa tiếp cận theo hướng phát triển kinh tế nông thôn.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc