Hiệu lực phiên chất vấn
EmailPrintAa
07:22 30/07/2018

Trong mỗi kỳ họp của Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng, cử tri và Nhân dân đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với phiên chất vấn và xem xét trả lời chất vấn. Tuy nhiên, để một phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thực sự có hiệu lực, hiệu quả là điều không đơn giản. Qua thực tiễn hoạt động Hội đồng nhân dân huyện và theo dõi, tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã, tôi thấy mấy vấn đề sau đây cần đặc biệt quan tâm khi tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Thứ nhất, cần loại bỏ tư tưởng “ngại chất vấn”.

Theo Điều 57, Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì các hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân gồm:

- Xem xét báo cáo công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

- Xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 của Luật này. (Điểm đ, Khoản 1, Điều 5: Đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ở địa phương).

- Xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

- Giám sát chuyên đề.

- Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.

Theo Khoản 6, Điều 2, Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Giám sát của Hội đồng nhân dân bao gồm giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp, giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân.

Như vậy, chất vấn và xem xét trả lời chất vấn là một trong những hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, hoạt động này đã được luật hóa. Vì vậy, không thể là muốn hay không muốn, thích hay không thích tổ chức phiên chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; cũng không nên nghĩ rằng chất vấn và xem xét trả lời chất vấn là việc gì đó nặng nề, căng thẳng giữa Hội đồng nhân dân và đối tượng bị chất vấn từ đó nảy sinh tư tưởng “ngại chất vấn”.

Thứ hai, xác định cụ thể đối tượng chất vấn.

Theo Khoản 7, Điều 2, Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Chất vấn là việc đại biểu Quốc hội nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; đại biểu Hội đồng nhân dân nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu.

Theo quy định trên, tại phiên chất vấn của kỳ họp Hội đồng nhân dân thì chủ thể chất vấn là các vị Đại biểu Hội đồng nhân dân; đối tượng chất vấn là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp. Như vậy, đối tượng chất vấn phải là những cá nhân cụ thể, với chức danh cụ thể. Về vấn đề này, trong nhiều trường hợp chúng ta hiểu chưa thật trúng nên đã lựa chọn đối tượng chất vấn là một cơ quan, một tổ chức. Do đó, qua phiên chất vấn và xem xét trả lời chất vấn đã không làm rõ được trách nhiệm thuộc về cá nhân nào. Vì vậy, hiệu lực phiên chất vấn và xem xét trả lời chất vấn rất hạn chế.

Thứ ba, cân nhắc, lựa chọn thật kỹ vấn đề cần chất vấn.

Khoản 1, Khoản 2, Điều 60, Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã quy định:

- Trước phiên họp chất vấn, đại biểu Hội đồng nhân dân ghi vấn đề chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu chất vấn và gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân.

- Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân đề nghị Hội đồng nhân dân quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn.

Như vậy, việc nêu vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp trước hết thuộc về trách nhiệm của các vị Đại biểu Hội đồng nhân dân; tham mưu lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn là trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân; quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn là quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân. Lâu nay, chúng ta chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của các vị Đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc nêu vấn đề chất vấn; đồng thời, cũng chưa thực hiện đúng quy trình khi lựa chọn vấn đề chất vấn. Do vậy, tại một số kỳ họp, vấn đề chất vấn chưa thật sâu sắc, chưa sát với trách nhiệm, quyền hạn của người bị chất vấn, chưa thực sự là vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm nhiều nhất.

Thứ tư, nắm vững quy trình tổ chức phiên chất vấn.

Điều 60, Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã quy định quy trình Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân:

“3. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Đại biểu Hội đồng nhân dân nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể;

b) Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có);

c) Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời;

d) Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn được thực hiện theo quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

4. Hội đồng nhân dân cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp sau đây:

a) Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp;

b) Vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh;

c) Chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp.

Người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày chất vấn.

Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân đưa ra thảo luận tại kỳ họp Hội đồng nhân dân hoặc kiến nghị Hội đồng nhân dân xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn”.

Thứ năm, điều hành phiên chất vấn của chủ tọa kỳ họp.

Để một phiên chất vấn và xem xét trả lời chất vấn đạt kết quả tốt thì điều hành của chủ tọa kỳ họp đóng vai trò hết sức quan trọng. Thường trực Hội đồng nhân dân - chủ tọa kỳ họp cần phân công cụ thể người điều hành phiên chất vấn. Người điều hành phiên chất vấn cần lưu ý mấy vấn đề sau đây:

- Dành thời gian nghiên cứu kỹ các vấn đề chất vấn, các báo cáo trả lời chất vấn của những người bị chất vấn, dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chất vấn để nắm được những nội dung cốt lõi của các vấn đề chất vấn, nhất là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn.

- Điều hành phiên chất vấn đúng trình tự, bảo đảm Đại biểu Hội đồng nhân dân nêu chất vấn và người trả lời chất vấn đi đúng trọng tâm vấn đề đã lựa chọn và không vượt quá thời gian quy định.

- Linh hoạt, lượng hóa được độ mở cần thiết của vấn đề chất vấn và biết gút lại, kết thúc phiên chất vấn khi đã đủ điều kiện kết luận (rõ hạn chế tồn tại, rõ trách nhiệm, rõ biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập của vấn đề chất vấn).

Thứ sáu, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về chất vấn.

Thực tiễn cho thấy, tại một số kỳ họp Hội đồng nhân dân thời gian qua, phiên chất vấn và xem xét trả lời chất vấn được tổ chức khá tốt, đối tượng chất vấn nhận trách nhiệm, đưa ra các giải pháp và thời hạn khắc phục các hạn chế, bất cập của vấn đề chất vấn. Tuy nhiên, sau kỳ họp Hội đồng nhân dân, vấn đề đã được chất vấn, thậm chí có những vấn đề được chất vấn nhiều lần nhưng vẫn không có gì chuyển biến. Vì lẽ đó, sau phiên chất vấn và xem xét trả lời chất vấn, Hội đồng nhân dân cần phải ra Nghị quyết về chất vấn để hiệu lực của phiên chất vấn được nâng lên, Hội đồng nhân dân có điều kiện pháp lý để giám sát việc thực hiện trả lời chất vấn, yêu cầu người bị chất vấn báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chất vấn theo quy định tại Khoản 7, Điều 60, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân: “Chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, người đã trả lời chất vấn có trách nhiệm gửi báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước đến Thường trực Hội đồng nhân dân để chuyển đến các đại biểu Hội đồng nhân dân”.

Về nghị quyết của Hội dồng nhân dân về chất vấn, theo quy định tại Khoản 5, Điều 15 và Khoản 5, Điều 60, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nghị quyết về chất vấn phải bảo đảm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn;

b) Thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập;

c) Trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân;

d) Trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn.


    Ý kiến bạn đọc