Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin phục vụ hoạt động giám sát của cơ quan dân cử
EmailPrintAa
14:55 19/08/2016

Giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cơ quan dân cử nói chung và các vị đại biểu dân cử nói riêng; hiệu quả của nó được đảm bảo bằng việc các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của cơ quan giám sát. Để giám sát và kết luận giám sát có chất lượng, đạt hiệu quả cao thì thu thập thông tin là khâu đầu tiên và hết sức cần thiết, mang tính chất quyết định.

Vậy làm sao để thực hiện một cuộc giám sát và kết luận giám sát làm cho đơn vị chịu sự giám sát, người được nghe kết luận giám sát thực sự “tâm phục, khẩu phục”? Câu trả lời chính là thông tin, thu thập và xử lý thông tin!

Thông tin mà đại biểu dân cử, cơ quan dân cử có được chủ yếu từ các nguồn như: Được các cơ quan chức năng cung cấp theo quy định, nguồn thông tin này có đặc điểm là số lượng lớn, nhiều chủng loại, không mất thời gian và kinh phí thu thập, không phải kiểm tra về tính hợp pháp, chính thống, hệ thống và xử lý để sử dụng tương đối thuận lợi, ít phức tạp. Một nguồn nữa là từ các cuộc tiếp xúc cử tri, khảo sát thực tế; thông tin này đa dạng, phong phú, thể hiện tâm tư nguyện vọng của cử tri, phản ánh phần nào kết quả của việc thực thi chính sách và pháp luật của nhà nước. Và một nguồn nữa là tự bản thân đại biểu hoặc cơ quan giúp việc thu thập được từ các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm cả trên mạng internet; đây là dư luận xã hội liên quan đến thực thi và chất lượng các chính sách, pháp luật.

 


Đồng chí Trần Viết Hậu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế & Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc với huyện Thạch Hà 

 

Theo quy định, đại biểu dân cử được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp những thông tin mà mình quan tâm (kể cả trước, trong và sau kỳ họp Hội đồng nhân dân) và được nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân qua các cuộc tiếp xúc cử tri.

Do thông tin được hình thành từ nhiều nguồn và mỗi nguồn có những tính chất đặc điểm khác nhau nên cần có cái nhìn đúng đắn và toàn diện.

Về những thông tin do đơn vị được giám sát cung cấp: Đã được các đơn vị được giám sát quan tâm, báo cáo cơ bản đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình và thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại, đề ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể. Tuy nhiên, qua các cuộc giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân cho thấy có một số đơn vị được giám sát đặc biệt là các đơn vị, doanh nghiệp báo cáo vẫn còn mang tính hình thức, đối phó, chưa cung cấp đầy đủ, có chất lượng, số liệu không đảm bảo, chỉ báo cáo các thành tích có lợi cho mình, chưa thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm về mình, chủ yếu chỉ đưa ra các hạn chế khách quan; hơn nữa, do ngại va chạm với cơ quan quản lý nhà nước nên không báo cáo, dẫn đến cơ quan giám sát phải yêu cầu báo cáo bổ sung.

Thông tin thu thập từ thực tế và qua tiếp xúc cử tri: Các thông tin này thường phản ánh những vấn đề còn nhiều bức xúc của Nhân dân, cử tri đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, chế độ chính sách, môi trường... Đây là những thông tin phong phú, đa dạng, cụ thể, sinh động như thực tế cuộc sống; là nguồn tham khảo quan trọng trong xem xét hiệu quả thật sự của chính sách, thực thi pháp luật và là những tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi gắm các vị đại biểu đại diện cho Nhân dân chuyển tải đến các kỳ họp và các cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên thông tin thu được từ ý kiến cử tri có trường hợp chỉ là bề nổi, hiện tượng, chưa đúng bản chất vấn đề. Tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân những thông tin này được cơ quan dân cử tổng hợp, xử lý trước khi yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời cho cử tri được biết.

Thông tin thu thập từ truyền thông đại chúng: Truyền thông đại chúng là thiết chế cốt lõi tạo nên không gian công cộng và dư luận xã hội, chứa vô số thông tin mang tính thời sự, kịp thời có ích cho đại biểu dân cử. Thu thập thông tin từ truyền thông đại chúng thuận lợi tiện ích, mất ít thời gian và kinh phí, thông tin nhiều, cập nhật, đa dạng... nhưng khó khăn là phức tạp về nội dung, xử lý thông tin phải luôn thận trọng, có chọn lọc.

Vì vậy, để công tác giám sát và kết luận giám sát chính xác, hiệu quả cần phải có phương pháp thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin:

Thứ nhất là, đối với những thông tin do đơn vị giám sát cung cấp: Trước khi giám sát đại biểu có thể yêu cầu đối tượng được giám sát báo cáo cung cấp thông tin về những chuyên đề theo định hướng nhất định. Sau đó, phân loại và hệ thống các thông tin vào những vấn đề mình quan tâm, yêu cầu cung cấp thêm những thông tin còn thiếu trong chuyên đề đó. Phát hiện những sai lệch và khoảng cách giữa các thông tin được cung cấp với những thông tin được sự dụng vào các báo cáo chính thức phục vụ giám sát. Chọn lựa vấn đề (từ các phát hiện trên) để tiếp tục yêu cầu bổ sung thông tin cần thiết hay tự thu thập từ nguồn khác để sử dụng các thông tin đó trong hoạt động giám sát thích hợp.

Thứ hai là, đối với những thông tin qua tiếp xúc cử tri và khảo sát thực tiễn: Sau khi có thông tin, tiến hành phân loại theo hệ thống, tính phổ biến, tiêu biểu của vùng miền, ngành, giới. Tập trung thu thập, sử dụng những thông tin chính thống hợp pháp mà đại biểu đã được cung cấp hoặc đã thu thập được từ các nguồn, các kênh khác. Khi thu thập thông tin cần đa dạng, phong phú về hình thức,  các dữ liệu và chính xác; cụ thể về cá nhân, tổ chức, địa phương, đơn vị... phản ánh thông tin.

Thứ ba là, thu thập thông tin từ truyền thông đại chúng: Phải hướng đến việc bổ sung, hoàn chỉnh và thống nhất, hài hòa với 3 loại thông tin cần có: thông tin thuận và ngược chiều, thông tin khách quan, thông tin chức năng.

Thông tin từ truyền thông đại chúng chưa phải là thông tin hoàn chỉnh, tự nó không thể dẫn đến kết luận chính thức về chất lượng thực thi chính sách và pháp luật hoặc làm căn cứ cho những kiến nghị chính sách sau giám sát. Không dùng dư luận xã hội như một thông tin chính thức để tiến hành hoạt động chất vấn. Thông tin thu thập được chỉ có giá trị tham khảo, đối chiếu. Nó chỉ trở thành thông tin chính thức khi có sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Khi có sự sai biệt giữa các dữ liệu, số liệu về cùng một chuyên đề của thông tin thu thập được từ mạng và thông tin được các cơ quan chức năng cung cấp thì phải thận trọng đối chiếu, xác định. Chỉ được sử dụng chính thức khi đối chiếu, xác định được tính chính xác.

Như vậy có thể nói rằng thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin chính xác sẽ giúp cho việc lựa chọn nội dung giám sát vừa bao quát, vừa có trọng tâm, trọng điểm, đúng, trúng, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mong muốn của cử tri; đồng thời cũng giúp cho việc xây dựng kế hoạch giám sát một cách hợp lý, khoa học, hiệu quả và cuối cùng là đưa ra kết luận giám sát làm cho đơn vị chịu sự giám sát, người được nghe kết luận giám sát thực sự “tâm phục, khẩu phục”. Ngược lại, nếu không có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến kết quả giám sát, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.


    Ý kiến bạn đọc