Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 132/2010/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh
EmailPrintAa
16:09 18/09/2017

Thực hiện Nghị quyết số 132/2010/ NQ-HĐND ngày 13/10/2010 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng những năm tiếp theo”, trong những năm qua, công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh quan tâm, triển khai tích cực và đạt được kết quả nhất định.

Tính đến thời điểm hiện nay, đã kêu gọi, triển khai đầu tư 02 Nhà máy xử lý chất thải rắn liên vùng, gồm: Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên với công suất thiết kế là xử lý 200 tấn/ ngày/đêm; nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh với công suất thiết kế là 240 tấn/ngày/đêm (giai đoạn 1). Triển khai đầu tư 12 lò đốt chất thải rắn công suất nhỏ phục vụ xã, cụm xã, trong đó: 03 lò đốt đã được triển khai xây dựng tại xã Phù Việt huyện Thạch Hà; xã Thạch Bằng huyện Lộc Hà; xã Đức Long huyện Đức Thọ và 09 lò đốt đang triển khai xây dựng tại các xã: xã Xuân Thành, Cương Gián, Xuân Hải huyện Nghi Xuân; xã Kỳ Tân huyện Kỳ Anh; xã Thạch Đài, Thạch Trị huyện Thạch Hà và xã Phúc Trạch, Gia Phố, Hương Thủy huyện Hương Khê. Đầu tư xây dựng 05 bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại: Phường Nam Hồng thị xã Hồng Lĩnh, xã Hồng Lộc huyện Lộc Hà, thị trấn Nghèn huyện Can Lộc, thị trấn Tây Sơn huyện Hương Sơn, thị trấn Vũ Quang huyện Vũ Quang. Đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển theo Quy hoạch nông thôn mới.

Dây chuyền xử lý rác tại nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên

 

Phát triển, mở rộng mạng lưới các Hợp tác xã, Tổ đội vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh. Đến nay, thành lập được 5 công ty, 171 hợp tác xã và 28 tổ đội vệ sinh môi trường tăng gấp 6 lần so với năm 2010; tổng số 2.264 lao động tăng 1.649 lao động so với năm 2010, đáp ứng các vùng thu gom chất thải rắn ở các địa bàn cấp xã, cấp huyện. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng bước đầu đã được quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, quá trình triển khai còn tồn tại và nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm. Cụ thể:

Đội ngũ cán bộ làm về công tác môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã còn thiếu; đa số cán bộ làm việc tại huyện, phường, xã kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, chưa được đào tạo sâu về chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực môi trường; một số nội dung trong Đồ án quy hoạch chất thải rắn không còn phù hợp và khó khăn trong công tác triển khai thực hiện; tỷ lệ thu gom chất thải rắn, thu phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn thấp nên việc thu bù chi là không đủ; cơ chế hỗ trợ tài chính trong vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân chưa được giải quyết dẫn đến nợ đọng chi phí vận chuyển và xử lý (như ở huyện Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh); một số công ty, hợp tác xã, tổ đội hoạt động trong lĩnh vực môi trường còn hạn chế về nhân lực, trang thiết bị, các lao động chưa được tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu về kỹ thuật bảo vệ môi trường nên hoạt động chưa thực sự hiệu quả; ý thức bảo vệ môi trường và cùng tham gia với nhà nước trong hoạt động bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp, người dân chưa cao; hầu hết rác thải chưa được phân loại tại nguồn; nguồn ngân sách các cấp đầu tư cho việc thực hiện Đề án còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu; kinh phí hằng năm phục vụ đối với lĩnh vực chất thải rắn còn ít chưa đủ để trang trải trang thiết bị thu gom, thu bù chi cho hoạt động của các đơn vị thu gom;... Đây là hệ quả của quá trình tổ chức thực hiện chưa được nghiêm túc, công tác tuyên truyền chưa kịp thời, thường xuyên, sâu rộng, việc kiểm tra, xử lý thiếu triệt để; sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan chưa được quan tâm nhằm đưa ra phương án giải quyết dứt điểm đối với những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 132/2010/NQ-HĐND trên địa bàn huyện Kỳ Anh 

 

Nhằm đảm bảo tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý và xử lý chất thải theo tinh thần Nghị quyết số 132/2010/NQ-HĐND ngày 13/10/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh giai đoạn 2017-2010, các Sở, Ban, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện một số các giải pháp sau:

Đối với công tác quy hoạch, xây dựng đề án cần tiếp tục rà soát lại quy hoạch để phân vùng thu gom hợp lý; hoàn thiện Đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn từng huyện, thành phố, thị xã.

Đối với các cơ chế chính sách cần rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, ưu tiên hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn để khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình xử lý chất thải rắn. Nghiên cứu áp dụng giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt với lộ trình điều chỉnh giá xử lý chất thải rắn từng bước đáp ứng yêu cầu bù đắp chi phí quản lý, vận hành và đầu tư xây dựng. Nghiên cứu sửa đổi phí vệ sinh theo hướng đến năm 2020 đáp ứng chi phí để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đối với khu vực đô thị và đáp ứng được một phần chi phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn đối với khu vực nông thôn.

Ban hành quy định, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động tái chế, các hướng dẫn thực hiện và các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu phát triển công nghệ trong nước và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xử lý chất thải.

Trong công tác tuyên truyền, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng và thực hiện chiến lược tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa các tài liệu tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích, cổ vũ các mô hình, các hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền kết hợp với tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ quản lý chất thải rắn và tham quan học hỏi các mô hình quản lý chất thải rắn hoạt động có hiệu quả; thường xuyên, liên tục tuyên truyền, giáo dục thông qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí và sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức quần chúng ở cơ sở; tạo phong trào thi đua xây dựng nếp sống mới, thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa việc sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục hoàn thiện công trình xử lý, trạm trung chuyển rác; kêu gọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng khu xử lý bằng công nghệ cao liên huyện ở các khu vực còn lại. Huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu xử lý và các trạm trung chuyển rác cấp huyện theo đúng quy hoạch.

Đối với mạng lưới thu gom rác thải, tiếp tục đề xuất cách thức thu gom, vận chuyển và xử lý cho từng xã, phường, thị trấn. Đồng thời kiện toàn, củng cố mô hình hoạt động của các Hợp tác xã, tổ, đội vệ sinh môi trường hoạt động có hiệu quả nhằm quản lý, thu gom, xử lý rác thải triệt để đến tận thôn, xóm, phường, xã. Chú trọng nhân rộng các mô hình về quản lý chất thải như mô hình tuyến đường tự quản, tổ dân phố tự quản, mô hình tự xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình như ủ phân vi sinh từ rác thải hữu cơ, mô hình “Tiết kiệm sinh thái” tại các trường học... Tiến tới hợp nhất mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn ở tất cả các khâu trên địa bàn từng huyện, thành phố, thị xã do Công ty hoạt động môi trường phụ trách, chịu trách nhiệm.

Ưu tiên đào tạo nhân lực, hỗ trợ trang thiết bị vận chuyển, thu gom, đất xây dựng trụ sở làm việc. Thống kê, đầu tư một cách hiệu quả và có lộ trình các trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn và phạm vi hoạt động của từng đơn vị thu gom.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo vệ môi trường, các tổ chức và doanh nghiệp. Tăng cường nguồn lực và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường, vốn từ các chương trình hợp tác, vốn từ nguồn thu phí môi trường và đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế trên toàn địa bàn tỉnh đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động thu gom rác thải. Phấn đấu bố trí tăng dần kinh phí từ ngân sách để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng. Lồng ghép các vấn đề môi trường vào mục tiêu thực hiện nông thôn mới và các chương trình kế hoạch khác trên địa bàn huyện, tỉnh.

 


    Ý kiến bạn đọc