Nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành kỳ họp, phiên họp của Thường trực HĐND huyện
EmailPrintAa
08:30 25/09/2017

Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) được bảo đảm bằng chất lượng của các kỳ họp, phiên họp. Để tổ chức thành công kỳ họp, phiên họp thì vai trò của Thường trực HĐND trong chuẩn bị và điều hành là yếu tố rất quan trọng, quyết định thành công của kỳ họp.

Sau hai năm thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND huyện Kỳ Anh đã tổ chức 4 kỳ họp thường kỳ và 01 kỳ họp bất thường, ban hành 32 nghị quyết đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngoài các nghị quyết thường kỳ, huyện đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề, bám sát cuộc sống như Nghị quyết Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về thông qua đề án “nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xây dựng phát triển văn hóa, con người Kỳ Anh trong giai đoạn mới”; Nghị quyết ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn đầu tư công, giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết phê duyệt đề án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2017 - 2022; Nghị quyết về giám sát việc thực hiện các ý kiến kiến nghị của cử tri...

Để nêu cao trách nhiệm, vai trò của Thường trực HĐND huyện trong điều hành kỳ họp và phiên họp, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay Thường trực HĐND huyện thường sớm chuẩn bị các nội dung quan trọng, bám sát thực tiễn đời sống dân sinh, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, linh hoạt trong điều hành... cụ thể:

Chuẩn bị kịch bản điều hành

Kỳ họp thứ 3, HĐND huyện Kỳ Anh khóa II

 

Sau khi nội dung, chương trình kỳ  họp được xác định, Thường trực HĐND huyện xây dựng “kịch bản” điều hành của chủ tọa kỳ họp chi tiết, khoa học. Chương trình điều hành cần chú ý: Nội dung từng buổi (phiên họp) được sắp xếp theo nhóm vấn đề; thống nhất phân công điều hành từng phiên họp để chủ động nghiên cứu, tiếp cận nội dung, chuẩn bị cho công tác điều hành tại kỳ họp được chất lượng; thảo luận và biểu quyết dứt điểm từng nội dung; phân bổ thời gian cụ thể dành cho từng nội dung trong phiên họp. Kinh nghiệm cho thấy, nếu không quy định thời lượng cụ thể cho từng nội dung công việc thì chương trình điều hành của Chủ tọa kỳ họp dễ bị xáo trộn; phân tổ thảo luận và có hướng dẫn cụ thể việc thảo luận tổ, thảo luận chung tại hội trường, nhằm vào các nội dung sẽ quyết định tại kỳ họp.

Vai trò của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND trong điều hành kỳ họp

Từ thực tế hoạt động của HĐND huyện Kỳ Anh cho thấy công tác điều hành của chủ tọa kỳ họp là một trong những yếu tố bảo đảm thành công của kỳ họp. Nếu chủ tọa điều hành đúng luật, khoa học, phù hợp và có sáng tạo sẽ tạo điều kiện cho việc bảo đảm phát huy dân chủ, tinh thần trách nhiệm và trí tuệ của đại biểu trong thảo luận tại kỳ họp; nếu chủ tọa kỳ họp không nắm chắc kịch bản dễ làm cho chương trình kỳ họp bị xáo trộn. Nếu chủ tọa không quyết liệt trong điều hành, không hiểu rõ, hiểu sâu nội dung từng vấn đề, điều hành không đúng, không trúng vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tổng hợp, biểu quyết nội dung vấn đề đưa ra từng kỳ họp.

Vai trò của Thường trực HĐND trong kỳ họp không chỉ phụ thuộc khả năng của mỗi đồng chí trong Thường trực mà còn ở sự phối hợp tập thể trong điều hành, phụ thuộc vào năng lực tổng hợp và xử lý tình huống của chủ tọa kỳ họp. Ngoài việc có kịch bản điều hành tốt, chủ tọa kỳ họp phải có năng lực tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu, nhanh nhạy, xử lý linh hoạt, khoa học, biết định hướng, gợi mở vấn đề, phát huy được ý thức tự giác, tích cực của đại biểu cùng tham gia giải quyết các nội dung của kỳ họp.

Thời gian vừa qua, Thường trực HĐND huyện Kỳ Anh đã thể hiện tốt vai trò chủ tọa kỳ họp, cụ thể ở một số yếu tố sau:

Về điều hành chung

Bám sát kịch bản để điều hành, không tùy tiện thay đổi sẽ làm xáo trộn chương trình, ảnh hưởng đến chất lượng kỳ họp.

Bảo đảm tính chặt chẽ, linh hoạt, tạo không khí dân chủ, cởi mở, dành thời gian cho các nội dung trọng tâm và những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau để thảo luận, thống nhất, tạo sự đồng thuận cao trong các đại biểu.

Lựa chọn các báo cáo trình bày tại kỳ họp, chỉ đọc những báo cáo quan trọng nhất, dành nhiều thời gian cho thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường và hoạt động chất vấn. Các nội dung khác gửi sớm để đại biểu tự nghiên cứu. Chủ toạ yêu cầu các cơ quan phải báo cáo tóm tắt, ngắn gọn, tập trung vào nội dung trọng tâm. Việc trình bày tờ trình, nghị quyết cũng cần khoa học, ngắn gọn, không đọc nguyên văn dự thảo.

Điều hành thảo luận báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết

Đây là bước quan trọng để thông qua các nghị quyết phù hợp pháp luật, có tính khả thi cao. Chủ tọa kỳ họp phải nắm chắc vấn đề, có định hướng đúng để đại biểu thảo luận. Trong quá trình thảo luận phải dựa vào nhiều kênh thông tin. Trong đó, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND đóng vai trò định hướng quan trọng. Chủ tọa kỳ họp tổng hợp nhanh, đầy đủ các ý kiến còn khác nhau của đại biểu về những nội dung quan trọng để tập trung thảo luận, bảo đảm thống nhất cao của các đại biểu khi quyết nghị. Những vấn đề các đại biểu còn băn khoăn nhiều, chưa thống nhất cao nên dành thời gian thảo luận thêm hoặc để lại kỳ họp lần sau chuẩn bị kỹ hơn, tránh tình trạng thông qua vội vàng dẫn đến chất lượng nghị quyết không cao, vừa ban hành xong đã sửa đổi.

Về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp

Việc chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ và cử tri. Các vấn đề được chất vấn cần phải lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các vấn đề còn nổi cộm, bức xúc của cử tri. Trong điều hành, chủ toạ kỳ họp thực hiện việc: Yêu cầu thủ trưởng các phòng ban chuyên môn của UBND tham dự kỳ họp đầy đủ để sẵn sàng trả lời chất vấn của đại biểu. Hướng dẫn, gợi ý, nêu vấn đề, hướng thảo luận đúng trọng tâm, trọng điểm, điều hành thời gian hợp lý để nhiều đại biểu tham gia phát biểu; yêu cầu đại biểu không nêu những vấn đề trùng lắp, cần nêu rõ, cụ thể, đúng trọng tâm vấn đề và đặt câu hỏi ngắn gọn. Yêu cầu người trả lời phải đi thẳng vào vấn đề đại biểu chất vấn, không trả lời chung chung, né tránh, bao biện... Truy tận cùng các vấn đề đại biểu chất vấn mà người được chất vấn trả lời chưa rõ hoặc vòng vo, né tránh... Định hướng để HĐND ban hành nghị quyết (khi cần) về thực hiện các lời hứa của người có thẩm quyền tại phiên chất vấn để nâng cao hiệu quả chất vấn.

Ngoài ra để nâng cao chất lượng và hiệu quả các kỳ họp HĐND còn có một số nội dung khác liên quan tới việc phát huy vai trò của Thường trực HĐND trong điều hành hoạt động của HĐND tại kỳ họp, phiên họp như:

Ngay từ khi chuẩn bị kỳ họp, Thường trực HĐND huyện đã xây dựng nội dung tuyên truyền trong kỳ họp để vừa tuyên truyền cho hoạt động của HĐND vừa đảm bảo tính dân chủ trong việc thực hiện giám sát. Theo quy định của pháp luật, Thường trực HĐND huyện công bố thời gian, nội dung, chương trình của kỳ họp trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa tin các nội dung trọng tâm của kỳ họp, tập trung phản ánh những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất; đồng thời giao Đài truyền thanh - truyền hình huyện tổ chức phát thanh trực tiếp trên hệ thống truyền thanh tại khu vực trung tâm; xây dựng tin bài, cập nhật diễn biến cuộc họp trên cổng thông tin điện tử của huyện và xây dựng phóng sự phát trên chuyên mục trang địa phương của Đài truyền hình tỉnh. Sử dụng các phóng sự tài liệu bằng hình ảnh để minh họa làm nổi bật những nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm, để chuyển tải có hiệu quả nhất nội dung kỳ họp đến các tầng lớp Nhân dân.

Thông qua việc theo dõi trực tiếp các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri thấy được những bức xúc của mình, những ý kiến của mình được chuyển tải công khai đến với diễn đàn kỳ họp HĐND và đến được cơ quan có trách nhiệm tiếp thu và giải quyết. Việc phát thanh trực tiếp kỳ họp HĐND bảo đảm tính công khai, minh bạch của kỳ họp.

Qua đó thể hiện tính dân chủ, trách nhiệm của đại biểu HĐND và lãnh đạo các cơ quan sở, ban, ngành của huyện tại kỳ họp; đồng thời giúp cử tri có điều kiện giám sát trực tiếp hoạt động của các cấp chính quyền. Việc làm này được Nhân dân đón nhận và ủng hộ.

Sau kỳ họp, Thường trực HĐND lưu ý những việc cần làm ngay: Chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND ký chứng thực nghị quyết, biên bản kỳ họp và gửi các nghị quyết, báo cáo, đề án, biên bản của kỳ họp lên Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan của địa phương để thực hiện; đồng thời đăng trên cổng thông tin điện tử của huyện, niêm yết và lưu trữ theo quy định.

Phân công các đại biểu lồng ghép việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND để báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp với việc tham dự kỳ họp HĐND cấp xã theo đoàn công tác chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, đảm bảo đúng luật định, giảm hội nghị, hội họp cho cơ sở.      

Một kỳ họp thành công là một kỳ họp được chuẩn bị chu đáo từ nội dung đến các điều kiện đảm bảo và sự điều hành linh hoạt, khoa học. Thường trực HĐND huyện phải thường xuyên cập nhật thông tin, đổi mới phương thức điều hành, tiếp cận vấn đề đa chiều mới có thể điều hành kỳ họp thành công, tránh nhàm chán giữa các kỳ họp. Hoạt động HĐND đang ngày càng được củng cố, nâng cao chất lượng các nội dung quyết định và tăng cường hoạt động giám sát; củng cố niềm tin của Nhân dân vào chính quyền địa phương, vào đại biểu dân cử.


    Ý kiến bạn đọc