Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố góp phần xây dựng thành phố Hà Tĩnh ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại
EmailPrintAa
11:31 05/06/2017

Thành phố Hà Tĩnh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, với diện tích tự nhiên là 5.654,95ha, dân số 98.252 người; hiện nay, thành phố có 16 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 10 phường và 6 xã). Sau 10 năm được công nhận là đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, cùng với sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh; sự tập trung, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực và đồng thuận cao của Nhân dân, thành phố Hà Tĩnh đang từng bước chuyển mình sang giai đoạn mới với một diện mạo văn minh và hiện đại, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị. Năm 2016: Thương mại - Dịch vụ chiếm 62,11%, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp chiếm 11,81%; xây dựng cơ bản chiếm 23,76% và nông - lâm - thủy sản còn 2,32%. Thu ngân sách năm 2016 đạt 907 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội theo giá thực tế đạt 11.650 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 41,25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,3%.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, nếp sống văn hóa văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh đảm bảo, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Chú trọng triển khai kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đến nay thành phố có 1.266 doanh nghiệp; tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư vào dự án quy mô lớn trên địa bàn như: Dự án phát triển thành phố loại II (ADB) đang được tập trung chỉ đạo theo đúng tiến độ cam kết với nhà tài trợ; phối hợp với BQL dự án IMPP thực hiện dự án Ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước (vương quốc Bỉ tài trợ), quan tâm việc xúc tiến đầu tư tư nhân với Công ty TNHH Grenex & Công ty Huvis Water - Hàn Quốc cho dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố Hà Tĩnh... Các hoạt động giao lưu, hợp tác phát triển với đối tác nước ngoài được tăng cường như huyện Pạc Xăn, tỉnh Bolykhămxay, thị xã Nakhon Phanom, Thái Lan... Đó chính là những tiền đề quan trọng để thành phố vươn lên trở thành đô thị loại II vào năm 2018 và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đã đề ra.

Thành phố Hà Tĩnh nhìn từ trên cao (Ảnh Trần Vũ)

 

Từ những kết quả đã đạt được trên đây, phải khẳng định rằng, với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, mặc dù trong điều kiện hoạt động của HĐND thành phố và các xã, phường còn những khó khăn do mới được kiện toàn song đã nỗ lực thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền; quyết định nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và an sinh xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, sau khi kiện toàn tổ chức, bộ máy theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo, điều hành các hoạt động của HĐND đạt kết quả cao, có nhiều sáng tạo, đổi mới theo hướng trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, bài bản, khoa học, đúng luật. Với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả, HĐND thành phố và HĐND các phường, xã đã thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ năm 2016 theo kế hoạch đề ra; Nghị quyết của HĐND đã kịp thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội dung nghị quyết cơ bản bám sát với tình hình thực tế ở địa phương và có tính khả thi cao, đặc biệt đã ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế tập thể và người dân tham gia phát triển kinh tế; huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng Phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới đem lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động giám sát của HĐND đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương và người dân. Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, khiếu nại tố cáo của công dân được quan tâm. Quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri được tăng cường, niềm tin của cử tri đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên. HĐND các cấp trên địa bàn thành phố đã từng bước phát huy vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; góp phần quan trọng vào ổn định tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn thành phố.

 

Xác định rõ một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong xây dựng chính quyền vững mạnh là “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp” nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và kế thừa những kết quả đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước, khắc phục những tồn tại, hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố và HĐND các xã, phường, khẳng định vị thế là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Thường trực HĐND thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:

 

Thứ nhất: Nâng chất lượng công tác giám sát, khảo sát, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm từng lĩnh vực, theo từng thời điểm phù hợp.

 

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc nâng cao chất lượng công tác giám sát, khảo sát của HĐND các cấp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lắp. Chú trọng đi vào chiều sâu, lựa chọn những vấn đề bức xúc, tác động lớn đến đời sống Nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để thực hiện giám sát.

 

Nghiên cứu đổi mới về phương thức, hình thức giám sát gắn với tăng cường trách nhiệm, vai trò giám sát của từng đại biểu, Tổ đại biểu HĐND, các ban HĐND, Thường trực HĐND; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, khảo sát của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, bảo đảm các kiến nghị đều được giải quyết theo đúng quy định.

 

Thứ hai: Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND các cấp. Chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị trước kỳ họp, nhất là đối với các nội dung trình HĐND xem xét, quyết định. Phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo của đại biểu HĐND các cấp trong quá trình tổ chức các kỳ họp, nhất là việc nghiên cứu, thảo luận, chất vấn, giải trình tại kỳ họp. Nâng cao chất lượng nghị quyết của HĐND các cấp, bảo đảm sát đúng, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của cấp ủy đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt các hoạt động sau kỳ họp theo luật định; bảo đảm các nghị quyết của HĐND trong kỳ họp được triển khai ngay và sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, có hiệu lực và hiệu quả.

Thứ ba: Nâng chất lượng công tác chất vấn tại kỳ họp.

 

Đổi mới, nâng chất lượng công tác chất vấn của đại biểu HĐND các cấp tại các kỳ họp của HĐND và các phiên họp của Thường trực HĐND theo hướng tập trung đi vào chiều sâu, giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc được nhiều cử tri quan tâm. Hoạt động chất vấn phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, có tính tranh luận, đối thoại với tinh thần thẳng thắn, xây dựng; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện những cam kết của các tổ chức, cá nhân về trách nhiệm đã hứa trước HĐND và cử tri.

 

Thứ tư: Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với UBND, Ủy ban MTTQVN và các cơ quan liên quan.  Thường trực HĐND thành phố và Thường trực HĐND các xã, phường chủ động xây dựng Quy chế phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ cùng cấp để thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, nhất là việc thống nhất thực hiện một số nội dung như: dự kiến nội dung, chương trình các kỳ họp, phiên họp của Thường trực HĐND, hoạt động tiếp xúc cử tri, chất vấn, giám sát, tổ chức kỳ họp, giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp...

Thứ năm: Tăng cường và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp.

 

Lãnh đạo việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đại biểu HĐND các cấp về việc phải thường xuyên tăng cường sâu sát cơ sở; chỉ đạo tiếp tục đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri, tiếp công dân theo hướng sâu sát, thiết thực, hiệu quả; quan tâm tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Chú trọng mở rộng các đối tượng cử tri được mời tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của HĐND; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kiến nghị, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cử tri  và các tầng lớp Nhân dân. Quan tâm thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư của công dân theo luật định.

 

Thứ sáu: Nêu cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND, chú trọng vai trò chỉ đạo, phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND đối với các ban, tổ đại biểu HĐND; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm không chồng chéo. Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ năng lực và tinh thần trách nhiệm của Thường trực HĐND, các ban HĐND và các đại biểu HĐND các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bản thân mỗi đại biểu HĐND phải tự nâng cao nhận thức, trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết, nghiên cứu kỹ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu theo luật quy định để tăng cường chất lượng hoạt động của mình, hoàn thành chức trách người đại biểu dân cử.

 

Thứ bảy: Quan tâm công tác thông tin, báo cáo. Thường xuyên quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động của HĐND, đặc biệt là việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, trong hoạt động giám sát, trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cũng cần đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời thông tin ý kiến của người dân về hoạt động HĐND, đại biểu HĐND, để từ đó tạo nên một diễn đàn rộng rãi cho việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đạt hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương.

 

Thường trực HĐND thành phố khóa XX (nhiệm kỳ 2016-2021) trân trọng ghi nhận, tiếp thu, kế thừa những thành tích, kết quả, kinh nghiệm của HĐND thành phố, đại biểu HĐND thành phố các nhiệm kỳ qua và tiếp tục cố gắng, trách nhiệm, sáng tạo đổi mới để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố đạt đô thị loại II trong năm 2018.

 

 


    Ý kiến bạn đọc