Những bất cập, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch covid-19
EmailPrintAa
07:47 06/02/2023

Cổng Thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục trích đăng kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2020 -31/12/2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 01/01/2018 - 31/12/2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Bài 3: Những bất cập, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch covid-19

Đồng chí Trần Đình Gia, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đồng chí Trần Văn Kỳ, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì giám sát tại Bênh viện Đa khoa tỉnh

Bên cạnh những kết quả nổi bật trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực góp phần vào công tác phòng, chống dịch covid-19, thì qua giám sát vẫn nhận thấy một số tồn tại, bất cập cần được quan tâm như:

Công tác chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền và phối hợp thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh ở một số địa phương, cơ sở chưa kịp thời, có nơi còn lúng túng, bị động, nhất là trong giai đoạn đầu.

Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc chưa chặt chẽ thống nhất, nhất là trong giai đoạn đầu. Việc thống kê, báo cáo công tác phòng, chống dịch của một số đơn vị chưa kịp thời, số liệu chưa chính xác.

Đồng chí Nguyễn Viết Đồng, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Cần thống nhất mô hình Trung tâm y tế cấp huyện; Thống nhất mô hình trung tâm y tế; xử lý các vướng mắc trong bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh

Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, sự kiện lớn của tỉnh và các ngành/địa phương, việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong điều kiện dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh.

Các điều kiện về phương tiện, thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch và cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Lực lượng nhân viên y tế các đơn vị y tế ngoài công lập tham gia phòng chống dịch Covid-19 còn ít (chỉ có 43 lượt nhân viên y tế các cơ sở y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch).

Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở có lúc quá tải; nhân viên y tế vừa phải phòng, chống dịch; truy vết, xét nghiệm, điều trị F0 tại nhà, vừa thực hiện các nội dung chuyên môn.

Việc tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân bằng hiện vật cơ bản chỉ nắm được số lượng, không xác định được đơn giá, không có các giấy tờ như hóa đơn, xuất xứ hàng hóa, không quy ra được giá trị bằng tiền mặt, trên sổ sách, chứng từ chỉ theo dõi được phần số lượng.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, sinh phẩm xét nghiệm tại một số đơn vị có thời điểm rất khó khăn do vừa yêu cầu đúng quy định, vừa đảm bảo kịp thời phục vụ phòng, chống dịch (trong điều kiện giá cả không ổn định, độc quyền, khan hiếm, thiếu thông tin...); một số quy trình, thủ tục mua sắm thực hiện chưa khoa học, thừa thủ tục hoặc chưa đúng quy định

Giám đốc BVĐK tỉnh Hoàng Quang Trung báo cáo  và làm rõ các nội dung liên quan đến việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19

Danh mục đề xuất mua sắm đưa ra số lượng nhưng không thuyết minh được cách tính; hồ sơ mua sắm chưa thể hiện yêu cầu về công nghệ, đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, nhà sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng.

Một số gói thầu mua sắm không có quyết định phê duyệt dự toán (Tại BVĐK tỉnh, CDC Hà Tĩnh, BVĐK thành phố Hà Tĩnh, TTYT huyện Can Lộc); một số gói thầu không thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Tại huyện Can Lộc, huyện Hương Sơn); một số gói thầu hợp đồng được ký nhưng không có bảo đảm thực hiện hợp đồng tiềm ẩn rủi ro trong quá trình mua sắm.

Hầu hết các gói thầu đều phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu áp dụng hình thức “chỉ định thầu” trong trường hợp cấp bách nhưng thực hiện theo quy trình thông thường hoặc quy trình rút gọn dẫn đến triển khai lựa chọn nhà thầu trong thời gian tương đối dài, thể hiện triển khai gói thầu chưa thực sự cấp bách để phòng chống dịch.

Một số chủ đầu tư ứng trước hàng (kít test, dụng cụ, hóa chất, sinh phẩm) khi ký hợp đồng với các nhà thầu cung cấp, sau đó đấu thầu để trả lại hàng hoặc hoàn thiện hồ sơ để thanh toán chưa đảm bảo theo quy định pháp luật về đấu thầu. BVĐK tỉnh đến nay chưa hoàn trả và thanh toán cho số hàng vay nói trên; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh thu tiền xét nghiệm giá cao hơn quy định; một số đơn vị thu dịch vụ từ hoạt động xét nghiệm tại các TYT mới chỉ theo dõi quản lý trên sổ sách, nhưng chưa thực hiện nộp vào Kho bạc Nhà nước để theo dõi quản lý theo quy định.

Đoàn giám sát làm việc với Công an tỉnh về quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Một số chế độ phòng, chống dịch ban hành chưa kịp thời, còn bất cập dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc thanh, quyết toán chế độ phụ cấp phòng, chống dịch. Chế độ chỉ quy định đối với cơ sở cách ly y tế, không quy định đối với cơ sở điều trị Covid-19 dẫn đến việc Bệnh viện Phổi, BVĐK tỉnh được giao thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng các đối tượng phục vụ (hành chính, dược, phục vụ...) tham gia hoạt động phục vụ bệnh nhân nhưng không được hưởng chế độ phòng, chống dịch. Hiện Bệnh viện đã sử dụng ngân sách chi trả cho các đối tượng này với số tiền 205 triệu đồng. Sau khi Kiểm toán nhà nước kiểm toán, buộc thu hồi nộp NSNN, Bệnh viện chưa thể thu hồi để nộp NSNN, mặt khác do bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nên không có nguồn thu khác để hỗ trợ cho các đối tượng này. BVĐK tỉnh cũng bị thu hồi hơn 300 triệu đồng đã chi trả cho các đối tượng phục vụ phân luồng, phòng ngừa lây nhiễm trong thời gian BV tiếp nhận điều trị Covid-19.

Một số đối tượng tham gia phòng, chống dịch chưa được quy định trong các văn bản hướng dẫn hiện hành để động viên, khích lệ và tạo sự công bằng trong việc đảm bảo chế độ., Cụ thể như: (1) Đối với cán bộ khi đi kiểm tra hoạt động phòng chống dịch tại các khu vực phong tỏa, cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid -19... ngoài chế độ công tác phí theo quy định hiện hành, chưa có chế độ phòng chống dịch. (2) Đối với cán bộ hành chính, hậu cần được điều động để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, cán bộ làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bản (thời điểm có người từ vùng dịch về) chưa được hưởng phụ cấp phòng chống dịch do chế độ chưa được quy định trong văn bản. (3) Đối với cán bộ thực hiện trực 24h/24h để xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế chưa được hỗ trợ tiền ăn. (4) Đối với cán bộ y tế sau khi hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 mà phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định, chưa có chế độ hỗ trợ (ngoài chế độ thực hiện cách ly như công dân bình thường); chưa quy định nguồn kinh phí chi trả cho việc xét nghiệm trong thời gian cách ly tại nhà. (5) Đối với các cán bộ y tế được điều động đi hỗ trợ phòng chống dịch tại các địa phương khác trong tỉnh, chưa có quy định về việc hưởng chế độ công tác phí..

Một số đơn vị chi trả phụ cấp, tiền ăn cho một số đối tượng vượt định mức quy định; chi một số khoản cho công tác phòng, chống dịch không phù hợp với dự toán được giao.

Đồng chí Trần Văn Kỳ, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu

Công tác tiêm chủng phòng Covid-19: Do thực hiện ở quy mô rất lớn, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tiêm chủng nên việc tổ chức, triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; một số địa phương chậm rà soát, thống kê đối tượng tiêm, quản lý mũi tiêm của các đối tượng. Việc di biến động dân cư trên địa bàn lớn dẫn đến khó rà soát, quản lý mũi tiêm, đăng ký, dự trù vắc-xin và lập kế hoạch tiêm chủng. Nhiều người dân thực hiện các mũi tiêm ở nhiều địa phương khác nhau nên khó khăn trong công tác quản lý đối tượng tiêm.

Qua giám sát, có thể rút ra một số nguyên nhân của các hạn chế trên như:

Nhận thức về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch có nơi, có lúc, có cấp chưa tương xứng với tình hình; còn tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc dịch đã đi qua; ngược lại, khi có dịch lại hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh dẫn đến áp dụng các biện pháp cực đoan, chưa phù hợp, thiếu thống nhất . Một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Năng lực của cán bộ trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch có nơi, có lúc còn hạn chế, chưa đồng đều. Trong lãnh đạo, chỉ đạo tại một số nơi, một số cấp còn lúng túng, thiếu quyết liệt, thiếu kiên định, còn chần chừ do tác động bởi nhiều nguồn thông tin khác nhau; sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa các địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, thiếu nhất quán.

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, yêu cầu các điều kiện đáp ứng phòng, chống dịch cấp bách nên việc mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, sinh phẩm xét nghiệm, giá cả rất khó khăn

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc