Những đổi mới trong giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh
EmailPrintAa
16:10 02/11/2018

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Ban kinh tế - ngân sách đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, hoạt động giám sát chuyên đề đã có những đổi mới căn bản từ việc lựa chọn nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát, cho đến công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, đề cương biểu mẫu, xác định rõ phương thức, chương trình giám sát; tiến hành tổ chức giám sát, khảo sát, làm việc; xây dựng ban hành kết luận và đôn đốc thực hiện. Qua hoạt động giám sát chuyên đề, Ban đã phát hiện những tồn tại, bất cập, kịp thời có những kiến nghị, đề xuất xác đáng trong triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ nhất là chủ động lựa chọn nội dung, thời điểm giám sát chuyên đề: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo quy định, yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đặt ra, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, được dư luận và cử tri quan tâm, bám sát chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh và ý kiến các thành viên Ban, đối chiếu với chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội tại địa phương, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan chuyên môn để có sự lồng ghép, phối hợp, tránh chồng chéo về nội dung, thời gian và cơ quan được giám sát; từ đó, Ban kinh tế - ngân sách có quyết định lựa chọn đúng nội dung, đúng thời điểm nên đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của giám sát. Cụ thể, sau 2 năm từ đầu nhiệm kỳ, Ban đã lựa chọn, đề xuất và được Thường trực HĐND tỉnh giao chủ trì tổ chức một số cuộc giám sát như: “Công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường”, “tình hình, tiến độ, hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh”, “công tác quản lý thuế”, “kết quả thực hiện chi trả tiền bồi thường, khắc phục sự cố môi trường biển”, “tình hình thu hút đầu tư và hoạt động của các cụm công nghiệp”, “công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ”, “công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý, điều hành, khai thác và hoạt động của hệ thống bến xe khách”.

Thứ hai là chuẩn bị kỹ, chi tiết, chất lượng trước khi giám sát: Sau khi xác định nội dung, Ban kinh tế - ngân sách sớm tiến hành thu thập, nghiên cứu tài liệu; kịp thời xây dựng, phát huy dân chủ, xin ý kiến rộng rãi, hoàn thiện và ban hành Quyết định thành lập Đoàn giám sát với thành phần Đoàn phù hợp với tính chất, quy mô của cuộc giám sát, đồng thời cử ra Tổ tham mưu, giúp việc cho Đoàn là những cán bộ có chuyên môn chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn trên lĩnh vực được chọn.

Khảo sát tại điểm TTCN-TMDV Lại Nhe, xã Đức Thịnh

Kế hoạch giám sát được ban hành kèm theo Quyết định thành lập Đoàn, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng, nội dung, phương thức, thành phần mời và dự kiến tiến trình giám sát. Đối với một số cuộc giám sát chuyên đề có phạm vi rộng, đối tượng giám sát đa dạng, Ban đã lựa chọn các nhóm nội dung, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, nổi cộm mà đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm; lựa chọn đối tượng chịu sự giám sát mang tính vừa “diện” vừa “điểm” theo phương châm thiết thực, hiệu quả. Thực tế như cuộc giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường” đã lựa chọn phạm vi trọng yếu là kết quả giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức thực hiện các dự án và quản lý chất thải rắn sinh hoạt, môi trường trong chăn nuôi.

Đề cương báo cáo giám sát, các biểu mẫu được xây dựng cụ thể, trọng tâm, đủ thông tin, sát với yêu cầu, gợi ý chính xác; vừa chi tiết, vừa có tính tổng hợp khái quát; đảm bảo yêu cầu đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của đối tượng giám sát; tạo thuận tiện cho đối tượng giám sát xây dựng báo cáo và giúp cho Đoàn có những căn cứ để trao đổi, làm rõ và thuận lợi cho công tác tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát; Đề cương tập trung vào các nhận định, đánh giá, giải pháp khắc phục tồn tại, kèm theo các ý kiến, kiến nghị, riêng số liệu chi tiết được thể hiện thông qua hệ thống biểu mẫu khoa học, logic.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng đã sớm gửi Quyết định thành lập Đoàn giám sát, chương trình, kế hoạch, tài liệu giám sát để thành viên Đoàn có nhiều thời gian nghiên cứu, sắp xếp công việc tham gia đầy đủ và phát huy tối đa năng lực cá nhân; các cơ quan, đơn vị được giám sát có khoảng thời gian đủ để chuẩn bị kỹ nội dung báo cáo. Văn phòng HĐND tỉnh có sự chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết đảm bảo cho hoạt động giám sát.

Thứ ba là đổi mới, đa dạng hoá phương thức giám sát: Phương thức giám sát của Ban không cứng nhắc, được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng nội dung, vấn đề, đối tượng, thời điểm của cuộc giám sát như giám sát gián tiếp qua tổng hợp báo cáo, trực tiếp qua làm việc với các đối tượng giám sát; tổ chức khảo sát tại một số địa phương, đơn vị khi cần thiết; chia đoàn, phân tổ theo nội dung lĩnh vực; giao Tổ giúp việc kiểm tra mẫu hồ sơ, lấy phiếu điều tra, đánh giá thực địa và có báo cáo trước khi Đoàn xuống làm việc; hay tổ chức giám sát thông qua kết quả thanh tra, kiểm tra liên quan, ý kiến của các chuyên gia, ý kiến cử tri, phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức cần thiết khác. Việc mời các thành phần tham dự cũng được tính toán một cách kỹ lưỡng, phù hợp, không ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, địa phương, nhưng cũng đảm bảo đủ để kịp thời phản ánh đa chiều, nắm bắt thông tin, xử lý và giải đáp các thắc mắc tại chỗ.

Các thành viên Đoàn giám sát đã tích cực nghiên cứu, nắm vững chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về nội dung giám sát, xem xét kỹ các báo cáo, kết hợp với các hồ sơ, tài liệu cần thiết có liên quan, chuẩn bị ý kiến có tính chất vấn, phản biện... quá trình giám sát đã đi sâu, tìm hiểu kỹ tình hình thực hiện tại cơ sở, yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết. Khi tiến hành giám sát ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bố trí, kết hợp chặt chẽ giữa hình thức nghe báo cáo và xem xét thực tế để vừa đánh giá tổng thể về lý luận vừa có cái nhìn chi tiết sát với thực tiễn. Qua khảo sát thực tế giúp thu thập thêm thông tin, có xác minh tại chỗ, phát hiện những vấn đề xảy ra ở cơ sở để từ đó làm căn cứ kết luận, kiến nghị sau giám sát một cách hợp lý, tránh tình trạng giám sát chung chung mang tính hình thức.

Thực tế như cuộc giám sát về “tình hình, tiến độ, hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng” qua trực tiếp khảo sát đã phát hiện nhiều mặt hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý chất lượng công trình, năng lực quản lý, tiến độ triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là việc lãng phí, kém phát huy hiệu quả của một số công trình. Hay qua đi thực địa giám sát “Công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường” đã chỉ ra việc nhiều tổ chức chậm đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, lãng phí; tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn đạt thấp, công nghệ xử lý lạc hậu; bảo vệ môi trường trong chăn nuôi không đảm bảo, gây ô nhiễm. Hay việc giao Tổ tham mưu giúp việc nghiên cứu trước hồ sơ, tài liệu, quy trình quản lý thuế tại một số đơn vị, qua đó đã góp phần giúp cho Đoàn có những dẫn chứng cụ thể, xác đáng và khái quát được tình hình công tác quản lý thuế trên địa bàn tỉnh...

Thứ tư là báo cáo, kết luận giám sát có chất lượng, hiệu quả: Việc đánh giá, ghi nhận kết quả đạt được đảm bảo tính khách quan, chính xác, trung thực; những hạn chế, tồn tại, vướng mắc, khó khăn được chỉ ra một cách cụ thể, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quản và chủ thể trách nhiệm; những kiến nghị, đề xuất rõ ràng, chính xác, phù hợp, khả thi để các cơ quan tổ chức thực hiện được, tránh việc kết luận, kiến nghị chung chung, gây khó khăn cho việc thực hiện. Các kết luận giám sát đã đánh giá một cách toàn diện vấn đề giám sát, đặc biệt là nhiều chuyên đề được thể chế hóa bằng Nghị quyết của HĐND tỉnh về xác nhận kết quả giám sát; nhờ vậy, đã tạo hành lang pháp lý cao; các kiến nghị giám sát được đối tượng giám sát tiếp thu, thực hiện nghiêm túc, khắc phục tồn tại hạn chế, nhiều tồn đọng được các cơ quan nhà nước có liên quan giải quyết triệt để. Điển hình  như: Kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, khoáng sản, môi trường...; hoàn thành, triển khai có hiệu quả Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương; chuyển dịch chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư sang chăn nuôi tập trung, đóng cửa các cơ sở không đáp ứng tiêu chí môi trường, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm; xem xét thu hồi đất 29 tổ chức vi phạm quy định về sử dụng đất, yêu cầu 69 tổ chức có cam kết tiến độ thực hiện dự án, xử lý 09 tổ chức sử dụng đất chưa đúng mục đích; xác định điểm dừng kỹ thuật chấm dứt đầu tư 9 dự án; bổ sung danh mục đầu tư một số dự án cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh; đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển, đảm bảo công bằng, ổn định chính trị, xã hội; tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thu hút, phát triển cụm công nghiệp; quy hoạch đồng bộ mạng lưới, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ chế quản lý tại các bến xe khách;...

Sau giám sát, Ban tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị để đánh giá đúng kết quả, hiệu lực giám sát và sẽ tái giám sát nếu cần thiết. Đồng thời, qua giám sát chuyên đề, các thành viên, đại biểu đã chọn ra các vấn đề xã hội quan tâm, có tồn tại kéo dài, trì trệ trong thực hiện để chất vấn tại các kỳ họp nhằm kịp thời tháo gỡ.

Với những đổi mới tích cực trong hoạt động giám sát của Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã góp phần đưa các chính sách của HĐND tỉnh vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo được niềm tin cho Nhân dân đối với cơ quan dân cử. Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, thời gian tới, Ban kinh tế - ngân sách sẽ tiếp tục đổi mới và chủ động, sáng tạo hơn trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, bảo đảm không chồng chéo, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri; nội dung giám sát phải thiết thực, cụ thể, trong giám sát phải có sự thảo luận, chất vấn để làm rõ nguyên nhân tồn tại yếu kém, có biện pháp để khắc phục hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết.

Trần Viết Hậu - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh

    Ý kiến bạn đọc