Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Bài 2: Một số điểm tồn tại, hạn chế
EmailPrintAa
07:42 06/05/2022

Tiết kiệm, chống lãng phí đã được Hiến pháp năm 2013 quy định : “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh “những kết quả cụ thể, rõ rệt” khi đề cập đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chỉ rõ : “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ ra một số điểm tồn tại, hạn chế:

Thứ nhất, c hưa kịp thời ban hành, triển khai sâu rộng chính sách pháp luật THTK, CLP. Công tác tuyên truyền phổ biến Luật THTK, CLP năm 2013 và các quy định pháp luật liên quan ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa có các biện pháp cụ thể dẫn tới hiệu quả chưa cao; chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của Nhân dân trong THTK, CLP. Công tác xây dựng chương trình THTK, CLP ở một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, chưa xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tiết kiệm cụ thể, chưa xác định được các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo tiết kiệm, chưa bám sát với tình hình, đặc điểm, đặc thù của cơ quan, đơn vị để đặt ra chương trình hành động thiết thực. Việc ban hành chương trình tổng thể THTK, CLP cả giai đoạn và chương trình THTK, CLP hàng năm của một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời. Việc thực hiện chế độ báo cáo về kết quả THTK, CLP của một số cơ quan, đơn vị và địa phương còn chậm, nội dung báo cáo còn sơ sài, chưa đầy đủ, chưa đúng mẫu quy định.

Đoàn giám sát làm việc với các phòng, ngành, địa phương của huyện Cẩm Xuyên

Thứ hai, một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm thường xuyên đến công tác THTK, CLP. Chưa đề cao trách nhiệm và gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra hành vi lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Một số đơn vị chưa thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, còn xảy ra tình trạng sử dụng tiền và tài sản của nhà nước lãng phí hoặc chưa căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn; chưa thực hiện chế độ báo cáo về kết quả THTK, CLP của đơn vị mình hoặc chậm báo cáo, nội dung báo cáo không đầy đủ theo quy định.

Thứ ba, quản lý, sử dụng NSNN chưa chặt chẽ. Mức độ tăng thu ngân sách không đồng đều và thiếu tính bền vững giữa các sắc thuế; nguồn thu nội địa từ tiền sử dụng đất vẫn chiếm tỷ lệ cao, các khoản thu từ thuế phí và thu khác đạt tỷ lệ còn thấp. Việc tạo nguồn ở một số đơn vị sự nghiệp có thu chưa thực sự hiệu quả, các đơn vị chưa chủ động trong việc tạo nguồn, kinh phí hoạt động đang chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách cấp của nhà nước. Về quyết toán NSNN chưa đầy đủ nội dung và biểu mẫu theo quy định.

Đoàn kiểm tra Nhà máy chế biến thực phẩm Mitraco

Việc thực hiện cơ chế tự chủ còn mang tính hình thức, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của đơn vị để tăng nguồn thu sự nghiệp, tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động; một số đơn vị chưa phát huy tối đa, tiết kiệm chưa triệt để dẫn đến vẫn còn tình trạng cấp bổ sung nguồn kinh phí hoạt động cho các đơn vị.

Triển khai công tác xã hội hóa đầu tư kết quả còn hạn chế, nhất là việc huy động nguồn vốn ngoài NSNN để đầu tư các kết cấu hạ tầng lớn, trọng điểm, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; chưa khởi công, triển khai dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trên địa bàn.

Nguồn vốn đầu tư từ NSNN huy động, bố trí trong kế hoạch hàng năm giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 92,67% kế hoạch trung hạn, dẫn đến một số công trình dự án phải thực hiện chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. Công tác quản lý dự án đầu tư ở một số đơn vị, chủ đầu tư còn hạn chế, chất lượng chưa cao, quá trình triển khai thực hiện còn phải tổ chức điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện dự án.

Đoàn giám sát hiệu quả sử dụng đất tại Nhà máy Gạch Tuynel Thuận Lộc cũ

Tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công hàng năm chưa đạt yêu cầu; nguồn vốn chưa giải ngân hết theo niên độ ngân sách, số vốn phải thực hiện chuyển nguồn hàng năm còn cao; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ triển khai các dự án, nhất là đối với các công trình, dự án lớn, trọng điểm.

Công tác giám sát, đánh giá dự án đầu tư chưa được triển khai thường xuyên, liên tục; chủ yếu đang thực hiện giám sát, đánh giá thông qua quá trình kiểm tra, rà soát điều chỉnh dự án đầu tư; nhân lực thực hiện công tác giám sát, đánh giá dự án đầu tư còn thiếu, chủ yếu là cán bộ làm công tác chuyên môn kiêm nhiệm.

Thứ tư, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chưa hiệu quả. Việc mua sắm tài sản phải theo định mức, dự toán được duyệt, nhưng định mức lại không sát với nhu cầu thực tế về chủng loại, chất lượng, giá cả nên một số tài sản mua sắm (máy photo;…) chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Quá trình mua sắm, đầu tư xây dựng công trình vẫn còn hạn chế, việc lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trong một số trường hợp đầy đủ; việc thanh lý đối với những tài sản đã hết khấu hao, hư hỏng, không còn sử dụng được có lúc chưa kịp thời; trong quá trình thanh lý tài sản công, hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản của một số đơn vị trực thuộc chưa đầy đủ theo quy định, dẫn đến việc phải bổ sung nhiều lần.

Đoàn giám sát kiểm tra thực trạng sử dụng đất tại Công Ty TNHH Nước Giải Khát & Bia Hà Tĩnh

Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà, đất công vụ; công trình phúc lợi công cộng: Các cơ sở vật chất thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương sau sáp nhập hiện đang còn dôi dư chưa có nhu cầu sử dụng, như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũ; Khu nhà đô thị cũ thuộc Trung tâm Văn hóa- Truyền thông; Bảo hiểm xã hội thành phố cũ; Trường THCS Đại Nài cơ sở 1 tại xã Thạch Bình; Trạm y tế cũ ở xã Thạch Hưng và Thạch Trung; hội quán các tổ dân phố dôi dư do đã có nhà văn hóa tại địa điểm mới: tổ 6 phường Nguyễn Du, tổ 9 phường Nam Hà, tổ 5, tổ 8 cũ phường Tân Giang, tổ 9, 10 phường Đại Nài, Liên Phú xã Thạch Trung, Trạm y tế Cẩm Yên (cũ); Trường Tiểu học Cẩm Huy (cũ) và Trường Tiểu học Yên Hòa; Trụ sở UBND xã Cẩm Nam; Trụ sở UBND xã Cẩm Huy; Bảo hiểm xã hội huyện; Trung Tâm dạy nghề huyện Cẩm Xuyên; Trường Tiểu học Cẩm Quan 1; Trường Tiểu học Cẩm Quan 2; nhà văn hóa các thôn: Nam Thành, Tây Đông, Đông Khê, xã Cẩm Nam; thôn 2, thôn 7, xã Cẩm Phúc; thôn 1A, xã Cẩm Thăng; Bến xe huyện Cẩm Xuyên;…

Đối với việc xử lý, sắp xếp các cơ sở nhà, đất của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn: Sau khi sát nhập các tài sản này bị dôi dư, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng; muốn thực hiện việc sắp xếp, xử lý tài sản nói trên phải có phương án, ý kiến đề xuất của các cơ quan Trung ương (thuộc ngành quản lý), dẫn đến thời gian xử lý tài sản kéo dài, việc quản lý tài sản trong khi chờ ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên gặp khó khăn, tài sản bị xuống cấp, hư hỏng vì để lâu không sử dụng gây lãng phí. Như: Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Xuyên, thị xã Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Đức Thọ; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên; Kho bạc Nhà nước thị xã Hồng Lĩnh cũ; Công ty Bảo Việt thị xã Hồng Lĩnh; Cục Thống kê.

Kiểm tra việc cho thuê đất ở thị trấn Thiên Cầm

Thứ năm, còn nhiều bất cập quản lý sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Hầu hết các đơn vị đang thiếu công chức, viên chức nhưng chưa được tuyển dụng (hoặc tuyển dụng chậm) để bổ sung kịp thời, nhất là ngành giáo dục, y tế. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở nhóm trường, nhóm môn khá phổ biến, gây nên tình trạng áp lực, quá tải cho giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học.

Việc sắp xếp, bố trí phương án chuyển đổi vị trí công tác theo nguyên tắc hoán vị đối với một số vị trí còn nhiều bất cập và không phù hợp với khung năng lực. Việc tinh giản biên chế theo đang chủ yếu thực hiện trên cơ sở giảm số biên chế công chức, viên chức chưa sử dụng so với kế hoạch giao (do nghỉ hưu, chưa tuyển dụng). Phần lớn các cơ quan, đơn vị chưa chủ động đẩy mạnh thực hiện các giải pháp khác để tinh giản biên chế, như đánh giá, phân loại công chức, viên chức thực chất để phân loại những người người không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định. Xây dựng đề án vị trí việc làm để bảo toàn số biên chế hiện có là thực trạng chung tại nhiều cơ quan, đơn vị.

Thứ sáu, quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả chưa cao. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp, các ngành, các lĩnh vực và các chương trình dự án triển khai nhìn chung còn chậm; chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số địa phương chưa cao, tính khả thi thấp; dự báo quy hoạch chưa sát với thực tế dẫn đến việc thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở một số dự án bị động, vướng mắc phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch. Việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được xét duyệt chưa chặt chẽ; tình trạng lấn chiếm, tự chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng đất sai với quy hoạch, kế hoạch mặc dù đã được chấn chỉnh nhưng vẫn còn xảy ra. Một số chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh thực hiện đạt thấp.

Đoàn kiểm tra việc tiết kiệm, chống lãng phí qua việc hoàn trả mặt bằng tại các mỏ khai thác khoáng sản sau khi đóng cửa

Việc chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân chưa đúng về trình tự, thủ tục; thiếu văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thiếu tài liệu chứng minh năng lực tài chính của chủ đầu tư. Nhiều công trình công cộng, công trình phục vụ mục tiêu nông thôn mới (bãi rác, nhà văn hóa, sân thể thao…) nhưng UBND các huyện, xã, thị trấn chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai theo quy định.

Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đất ở tiến độ còn chậm, vẫn còn tình trạng một số thửa đất chưa được cấp GCNQSDĐ. Việc cập nhật hồ sơ địa chính khi có biến động đất đai có lúc chưa được kịp thời, thường xuyên theo quy định; nhiều xã chưa tiến hành chỉnh lý biến động trên bản đồ, hồ sơ địa chính.

Việc xử lý thu hồi đất đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm quá 24 tháng kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa thực hiện theo điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 trên thực tế gặp nhiều khó khăn.

Về quản lý khai thác khoáng sản: Việc lập quy hoạch, điều tra cơ bản về địa chất còn sơ lược, chưa đánh giá đầy đủ trữ lượng, chưa tổ chức điều tra, đánh giá lại toàn diện; chậm tổ chức bàn giao mốc và hồ sơ quy hoạch khoáng sản để quản lý, bảo vệ; không đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến sâu; hệ số thu hồi khoáng sản thấp; sản phẩm khai thác chế biến khoáng sản phần lớn mới dừng lại ở sản phẩm nguyên liệu thô; nhiều doanh nghiệp được cấp giấy phép nhưng sau 12 tháng chưa xây dựng cơ bản mỏ theo đúng quy định; nhiều mỏ thực hiện việc khai thác chưa theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ; quá trình vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm còn gây tác động xấu đến môi trường. Việc đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường chưa đảm bảo quy định, chất lượng thấp. Công tác tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản triển khai chậm. Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt thấp; sản lượng khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản đạt thấp so với kế hoạch khai thác; kế hoạch thu ngân sách chưa gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh; chưa tổng hợp được sản lượng thực tế, kết quả hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Đoàn làm việc Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các ngành địa phương, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

Việc hợp tác với các hộ dân trong tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng chưa chặt chẽ, đặc biệt một số nơi chưa tạo được sự đồng thuận của người dân; một số diện tích được giao sử dụng chưa đúng mục đích; khi có vướng mắc, tranh chấp về đất đai với các hộ dân chưa kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Thứ bảy, chậm chuyển đổi quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN. Căn cứ Quyết định số 908/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến năm 2020; theo đó Hà Tĩnh có 03 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số khó khăn nên phải chờ thông tư hướng dẫn về quy chế mẫu bán đấu giá công khai theo Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ nên chưa hoàn thành theo kế hoạch. Hiện nay, dự kiến đưa vào kế hoạch thoái vốn giai đoạn tiếp theo.

Thứ tám, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Tại một số đơn vị kế hoạch thanh tra chưa được hoàn thành, thay đổi nhưng chưa được điều chỉnh theo quy trình. Bổ sung các cuộc thanh tra nhưng chưa có văn bản chỉ đạo của người đứng đầu. Thời gian một số cuộc thanh tra còn kéo dài so với thời hạn. Việc thực hiện các cuộc thanh tra liên quan đến THTK, CLP chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng và tình hình thực tế của địa phương. Việc thực hiện Kết luận thanh tra, kiểm toán của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, kể cả việc thực hiện kiến nghị xử lý về kinh tế và xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm. Công tác phòng ngừa, tự kiểm tra, giám sát của một số cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Luật THTK, CLP chưa được quan tâm thường xuyên, hoạt động chưa hiệu quả, xử lý còn thiếu kiên quyết.

Thành Vinh

    Ý kiến bạn đọc