Thường trực HĐND huyện Thạch Hà thực hiện vai trò phân công, điều hòa, phối hợp hoạt động các Ban HĐND
EmailPrintAa
14:20 28/03/2017

Việc giám sát, thẩm tra, đánh giá các báo cáo, đề án, tờ trình do UBND huyện trình tại kỳ họp HĐND là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của Thường trực và các Ban của HĐND huyện.

Với mục đích nhằm xem xét tính hợp pháp, tính khoa học, tính chính xác của số liệu, nhận định, đánh giá của các báo cáo và tính khả thi của các báo cáo, tờ trình, đề án của UBND huyện trước khi đưa ra kỳ họp; là cơ sở giúp các đại biểu HĐND huyện có thêm thông tin, thấy được những vấn đề cần quan tâm thảo luận thật kỹ trước khi quyết định; góp phần đảm bảo cho nghị quyết của HĐND đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Thường trực HĐND huyện có vai trò quan trọng trong việc phân công các ban thẩm tra các báo cáo, đề án cũng như điều hòa phối hợp các hoạt động chuẩn bị kỳ họp, có ảnh hưởng lớn tới chất lượng các kỳ họp của HĐND huyện.

Thời gian qua, nhìn chung các báo cáo, đề án, tờ trình của UBND và các ngành có liên quan trình tới kỳ họp HĐND huyện được Thường trực phân công các Ban HĐND huyện thẩm tra, đánh giá, luôn đảm bảo tính quy định của pháp luật; vận dụng sáng tạo, phù hợp thực tiễn, thiết thực và hiệu quả; chất lượng các kỳ họp ngày càng được nâng lên. Các báo cáo thẩm tra đã phân tích được những mặt còn tồn tại, hạn chế, tìm ra được nguyên nhân khuyết điểm và kiến nghị, đề xuất những giải pháp rất cụ thể; thể hiện được chính kiến, tính phản biện và làm cơ sở cho đại biểu HĐND xem xét, quyết định các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của huyện. Một số chỉ tiêu về kinh tế, xã hội chưa phù hợp đã được điều chỉnh; một số ít đề án thiếu tính khả thi đã phải dừng lại chưa được thông qua; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư có chỗ chưa phù hợp được góp ý điều chỉnh hợp lý.

Để công tác thẩm tra có chất lượng, trước kỳ họp 45 ngày, Thường trực HĐND huyện họp, thống nhất và thông báo về nội dung, thời gian công tác chuẩn bị cho kỳ họp HĐND huyện sắp tới; yêu cầu UBND huyện, các ngành có liên quan chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết đảm bảo trình tự theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Thường trực HĐND huyện và các Ban HĐND huyện trước 20 ngày. Các đề án, báo cáo quan trọng, đề nghị UBND huyện chuẩn bị chu đáo, đảm bảo thời gian trình Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xem xét, cho ý kiến. Theo đó, Thường trực HĐND điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện, làm việc với các phòng, ngành có liên quan, nhất là những nội dung, vấn đề mà trong báo cáo, đề án của UBND huyện chưa làm rõ hoặc chưa có sự phù hợp giữa các báo cáo hoặc cử tri còn nhiều ý kiến khác với nhận định đánh giá để làm rõ, đi đến thống nhất; đồng thời chất vấn UBND huyện về cơ sở lý luận và thực tiễn của các đề án, nhất là yếu tố ngân sách, kinh phí đảm bảo để nó có tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Chỉ tính trước kỳ họp thứ 2 HĐND huyện khóa XIX, tổ chức vào cuối tháng 12 năm 2017, Thường trực HĐND và các Ban HĐND huyện đã thẩm tra 10 báo cáo, tờ trình của UBND huyện; trong đó có 4 Đề án: Phát triển rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa ven biển giai đoạn 2016-2020; Đề án phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch huyện giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2025; Đề án chỉnh trang Thị trấn Thạch Hà giai đoạn 2016-2020, từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV và đề án về duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện từ 2016-2020. Trước kỳ họp, Thường trực HĐND huyện đã chủ trì 3 hội nghị ở 3 vùng trong huyện với thành phần đại diện Lãnh đạo UBND huyện, Trưởng các phòng, ban, ngành cấp huyện, đại biểu HĐND huyện và các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc xã, thị trấn để thảo luận các báo cáo, đề án của UBND huyện. Để hội nghị có chất lượng Thường trực HĐND đã đưa ra những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở trong các báo cáo, đề án của UBND để các đại biểu thảo luận; không khí thảo luận khá sôi nổi, đã có 34 ý kiến phát biểu trực tiếp và có 89 ý kiến tham gia bằng phiếu xin ý kiến. Thường trực HĐND và các Ban của HĐND huyện đã làm việc nhiều buổi với các phòng, ngành có liên quan, nhất là đối với các phòng: Tài chính - Kế hoạch, Chi cục Thuế, Nông nghiệp PTNT, Kinh tế - Hạ tầng, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội để làm rõ một số vấn đề trong báo cáo, đề án. Kết quả là đề án về duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông của huyện phải dừng lại chưa được thông qua vì thiếu ngân sách để thực hiện chính sách; một số chỉ tiêu về làm rãnh thoát nước qua khu dân cư, phân bổ dự toán thu - chi ngân sách, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm... được điều chỉnh trong báo cáo trước khi trình kỳ họp.

Trước đó, nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND huyện đã tổ chức 16 kỳ họp, đã xem xét và thông qua 102 nghị quyết (trong đó có 42 nghị quyết liên quan đến kiện toàn nhân sự). Nhờ làm tốt công tác thẩm tra các báo cáo và đề án của UBND huyện nên đã góp phần quan trọng vào chất lượng các kỳ họp HĐND huyện. Hầu hết các nghị quyết đã thể chế hóa kịp thời nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện thành các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng năm, từng lĩnh vực; cụ thể hóa các chế độ, chính sách của tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn để UBND huyện triển khai thực hiện. Các nghị quyết được HĐND huyện thông qua đã góp phần kịp thời giải quyết một số vấn đề cấp bách của địa phương; tạo sự chuyển biến trên các mặt đời sống xã hội; nhiều nghị quyết đã đi vào cuộc sống, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo được sự ổn định tại địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định các báo cáo, đề án của UBND huyện, Thường trực và các Ban HĐND huyện cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế nhất định, đó là: Một số báo cáo, đề án, tờ trình của UBND huyện gửi đến chậm so với thời gian quy định, vừa làm ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND huyện, vừa không đảm bảo thời gian gửi tài liệu cho đại biểu trước khi khai mạc 5 ngày theo quy định, thậm chí có văn bản gửi sát ngày diễn ra kỳ họp. Các Ban của HĐND huyện chỉ một đồng chí trưởng Ban hoạt động chuyên trách, còn lại hoạt động kiêm nhiệm, đa số công tác ở các ngành, đoàn thể và cơ sở nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát, thẩm tra. Chất lượng một số báo cáo thẩm tra tính phản biện chưa cao vì nhiều lý do như: công tác chuẩn bị của một số phòng chuyên môn thuộc UBND huyện chưa kịp thời nên Ban không có nhiều thời gian nghiên cứu hoặc do nội dung thẩm định rộng mà trình độ, năng lực của các thành viên thì có hạn lại không có kinh phí để thuê người có chuyên môn sâu thẩm định.

Để công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình của UBND huyện có chất lượng xin kiến nghị đề xuất một số vấn đề sau:

Đề nghị xem lại về thời gian tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh ở phiên cuối năm. Vì thông thường HĐND tỉnh họp vào giữa tháng 12 và sau đó khoảng 10 ngày mới ban hành nghị quyết để báo cáo cấp trên và gửi tới các cơ quan để thực hiện. Đây là kỳ họp có nội dung liên quan về phân bổ dự toán thu - chi ngân sách cho năm sau, nên phải chờ đợi nghị quyết phân bổ của cấp trên, mặt khác nội dung này cũng phải có ý kiến của Ban Thường vụ và Cấp ủy huyện trước khi họp HĐND huyện; sẽ rất khó khăn cho huyện và cơ sở, rất dễ chậm trễ, trùng vào dịp Tết Nguyên đán của Dân tộc, có thể ảnh hưởng tới chất lượng kỳ họp.

Đề nghị HĐND tỉnh sửa đổi một số nội dung trong Nghị quyết số 51/2013 /NQ-HĐND, ngày 12 tháng 3 năm 2013 “Về việc quy định một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Hà Tĩnh”. Đề nghị xem xét kỹ về tình hình của các huyện, thị, thành phố về quy mô dân số, đầu mối, kết quả thu ngân sách để có định mức, thống nhất việc phân bổ ngân sách, kinh phí hoạt động cho HĐND cấp huyện; khắc phục tình trạng phân bổ “cao, thấp”, chênh lệch quá lớn về kinh phí hoạt động của HĐND huyện trên địa bàn tỉnh ta.


    Ý kiến bạn đọc