Xây dựng và nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở - còn đó những điều cần quan tâm
EmailPrintAa
09:15 25/10/2017

Hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; tỉnh ta đã tập trung phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó xác định hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là điều kiện để tạo dựng phong trào, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương đồng thời sẽ góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân giữa các vùng miền trên địa bàn. Và tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 55/2013/NQ-HĐND ngày 13/7/2013 thông qua Đề án “Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 55).

Một số kết quả đạt được

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các địa phương, đơn vị đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã thể chế hóa Nghị quyết số 55 bằng Quyết định 2926/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020”; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55; quyết định số 18/2015/QĐ-UBND quy định một số chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, các địa phương đã cụ thể hóa bằng các Nghị quyết, chương trình hành động, đồng thời lồng ghép chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết vào các kế hoạch hoạt động hằng năm và quan tâm bố trí kinh phí thực hiện.

Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55 tại Lộc Hà
 

Sau hơn 04 năm thực hiện, với những kết quả đạt được đã khẳng định sự cần thiết và tính đúng đắn của Nghị quyết số 55 trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong điều kiện tỉnh ta đang ra sức xây dựng nông thôn mới và các tiêu chí về văn hóa đạt thấp so với các tiêu chí khác. Từ điểm xuất phát thấp, với hệ thống thiết chế yếu và thiếu, đến nay cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cơ sở tại các địa phương được đầu tư khá đồng bộ, diện mạo làng quê từng bước thay đổi, các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển rộng khắp; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần; thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư và tạo điều kiện để Nhân dân cùng tham gia xây dựng và phát triển “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Về mục tiêu Nghị quyết đề ra, tính đến tháng 8/2017, Nghị quyết số 55 đã vượt một số chỉ tiêu giai đoạn một, năm 2013 - 2015 và tiếp tục củng cố, nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được trong giai đoạn hai (2015 - 2020). Hiện toàn tỉnh đã có 53% số thiết chế văn hóa, thể thao xã, phường đạt chuẩn; 64/80% thiết chế văn hóa, thể thao thôn đạt chuẩn; tỷ lệ người dân tham gia các hoạt động văn hóa đạt 45/50%; số dân tham gia luyện tập thể thao thường xuyên đạt 31,5/25% chỉ tiêu Nghị quyết giao. Một số địa phương triển khai thực hiện tốt như huyện Vũ Quang, đã hoàn thành và vượt mục tiêu đến 2020; còn một số địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được trước năm 2020 như thị xã Hồng Lĩnh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên...

Về công tác quy hoạch quỹ đất, chính quyền địa quyền các cấp quan tâm quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; ưu tiên bố trí tại các vị trí trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động. Theo đó, hệ thống thiết chế văn hóa, khu thể thao xã, thôn trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đảm bảo diện tích, nhà văn hóa được xây dựng liền kề với khu thể thao đơn giản như bóng chuyền, cầu lông... nhiều địa phương đã xây dựng quy hoạch tổng thể nhà văn hóa, khu thể thao thôn với sân bóng đá, điểm vui chơi giải trí của trẻ em như xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên), xã Trung Lộc (Can Lộc)...

Về nguồn lực đầu tư xây dựng, tính chung cho cả giai đoạn 2013-2017, tổng nguồn lực huy động thực hiện Nghị quyết số 55 là 907.014 triệu đồng, so với kinh phí Nghị quyết dự kiến đầu tư xây dựng là 2.881,734 tỷ đồng, thì kinh phí thực hiện đạt tỷ lệ 31,47%. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ bố trí được 508,151 tỷ đồng, chiếm 28% so với định mức Nghị quyết dự kiến là 1.809,906 tỷ đồng.

Quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao đối với các xã đặc biệt khó khăn và các xã thuộc huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh và vùng biển ngang đảm bảo theo định mức Nghị quyết đề ra và cân đối ngân sách hỗ trợ các xã, phường, thị trấn chưa xây dựng được nhà văn hóa, sân thể thao. Bố trí kinh phí chi hỗ trợ hoạt động các câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm nhằm duy trì, phát triển câu lạc bộ sở thích về văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, ví dặm. Bên cạnh đó, một số địa phương đã quan tâm bố trí ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho các câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm; tổ chức tốt các hoạt động giao lưu liên hoan Dân ca ví dặm, thu hút nhiều đơn vị và quần chúng Nhân dân tham gia như huyện Kỳ Anh, Lộc Hà...  

Thực hiện công tác xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; toàn tỉnh đã huy động 292.085 triệu đồng; so với tổng kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nguồn xã hội hóa chiếm tỷ lệ 32,2%; tuy nhiên, so với ước tính Nghị quyết giao 1.071,828 tỷ đồng thì nguồn huy động chỉ đạt 27,25%, trong đó chủ yếu là huy động xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thôn với kinh phí thực hiện là 227.377 triệu đồng. Cùng với sự lồng ghép các chương trình, dự án, số thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng, nâng cấp trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2013 đến nay là 1.318 công trình.

Một số địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao với những cách làm sáng tạo như xã Kỳ Sơn, Kỳ Phú (Kỳ Anh), Cẩm Duệ, Cẩm Minh (Cẩm Xuyên), Trung Lộc (Can Lộc),...

Về đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức hoạt động nghiệp vụ, Nghị quyết đề ra một số giải pháp về đạo tạo, bồi dưỡng nhằm đạt được mục tiêu “đến năm 2020 có 100% cán bộ, công chức văn hóa cấp xã có trình độ trung cấp chuyên ngành văn hóa, thể thao trở lên”; đến nay, cơ bản các địa phương đã triển khai thực hiện khá tốt, quan tâm bố trí cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa, xã hội theo đúng chuyên ngành đào tạo. Toàn tỉnh hiện có 255 cán bộ công chức văn hóa cấp xã, trong đó, số cán bộ có trình độ chuyên môn từ trung cấp văn hóa, thể thao trở lên là 201 người, chiếm tỷ lệ 78,82%; số cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành văn hóa, thể thao, du lịch là 103 người chiếm tỷ lệ 40,39%. 

Công tác tập huấn, bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý, tổ chức các hoạt động phong trào văn hóa, thể thao tại địa phương. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2013 đến nay, các đơn vị, sở ngành đã phối hợp các địa phương tổ chức 54 lớp tập huấn, bồi dưỡng trên các lĩnh vực văn hóa - gia đình, thể thao, du lịch cho trên 6000 lượt cán bộ phòng Văn hóa - Thông tin; cán bộ văn hóa các xã, phường, thị trấn; cộng tác viên thể dục, thể thao cơ sở...

Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được củng cố, phát triển đồng bộ, các công trình phụ trợ được đầu tư xây dựng. Nhìn chung, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã trở thành địa điểm hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng dân cư, nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương; góp phần hoàn thành tiêu chí số 6 (về cơ sở vật chất văn hóa), tiêu chí số 16 (về văn hóa) trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng “về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế; chưa khắc phục được tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân các vùng trên địa bàn tỉnh, chưa tạo sự phát triển cân đối giữa kinh tế, văn hóa - xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao. Công tác thanh tra, kiểm tra thiếu thường xuyên, dẫn đến việc tham mưu tổ chức thực hiện Nghị quyết còn hạn chế; một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế chậm được khắc phục. Công năng sử dụng của các thiết chế văn hóa cơ sở ở một số địa phương chưa phát huy hiệu quả; một số địa phương do quỹ đất hạn hẹp dẫn đến công tác quy hoạch, dành qũy đất xây dựng các thiết chế thể thao còn khó khăn; sân vận động xã, thị trấn còn thiếu và chưa đạt chuẩn theo quy định; việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm được thực hiện, kéo dài thời gian nhưng tỷ lệ thiết chế văn hóa, thể thao được cấp quyền sử dụng đất còn thấp; các địa phương còn lúng túng trong quản lý, chuyển nhượng nhà văn hóa dư thừa sau sáp nhập. Công tác tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, các di tích sau tôn tạo không được phục dựng giữ nguyên yếu tố gốc ban đầu.

Công tác tham mưu kế hoạch, chương trình đào tạo nguồn nhân lực của các địa phương còn hạn chế, chưa dựa trên tình hình thực tiễn địa phương; theo Nghị quyết 55, thì cán bộ phụ trách tại các thiết chế văn hóa, thể thao thôn ở vùng đồng bằng phải có trình độ từ sơ cấp trở lên, còn đối với vùng miền núi thì được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; nhưng thực tế tỷ lệ này còn thấp. Hầu hết các địa phương chưa tổng hợp, báo cáo để kịp thời tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.

Những điều cần quan tâm

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55, trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các nhóm giải pháp đã xác định trong Nghị quyết; chính quyền các cấp cần tổ chức đánh giá, rà soát lại quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan để có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn. Quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Nâng cao vai trò của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa; người dân được tham gia ý kiến, tham gia giám sát các hoạt động xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cũng như thấy được trách nhiệm của mình trong xây dựng, bảo vệ các điểm sinh hoạt cộng đồng. Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ văn hóa; lực lượng quan trọng trong việc phát triển phong trào văn hóa, thể thao; quản lý sử dụng và phát huy công năng sử dụng của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa và ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra “đầu tư phát triển văn hóa - xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế”.


    Ý kiến bạn đọc