Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ của Văn phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới
EmailPrintAa
09:10 19/09/2023

Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh (24/9/1993-24/9/2023), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Tú Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh về quá trình hình thành, phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong thời gian tới.

Đồng chí có thể khái quát về quá trình thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh ?

Đồng chí Trần Tú Anh: Ngay tại Kỳ họp đầu tiên sau khi tái lập tỉnh diễn ra trong các ngày 29-30/8/1991, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bầu Thường trực HĐND, UBND, các ban của HĐND tỉnh. Đồng chí Trần Quốc Thại, Bí thư Tỉnh ủy được bầu làm Chủ tịch HĐND, đồng chí Nguyễn Khắc Táo làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Đồng chí Trần Tú Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh

Tuy HĐND tỉnh đã có cơ quan Thường trực riêng nhưng bộ phận tham mưu, phục vụ công tác cho HĐND tỉnh vẫn chung trong Văn phòng UBND tỉnh. Sau một thời gian hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy tổ chức văn phòng chưa hợp lý, có nhiều bật cập trong công tác tham mưu, phục vụ cho hoạt động của Thường trực HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nên đã thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thành lập Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh.

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 24/9/1993 Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh.

Sau 30 năm, qua nhiều lần tách, nhập, đến đầu năm 2021, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được tách ra từ Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh. Hiện nay, Văn phòng được bổ sung chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn về cơ cấu tổ chức. Về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức cũng được tăng cường. Lúc mới thành lập có 11 cán bộ đến nay Văn phòng đã có 37 cán bộ, chuyên viên. Về tổ chức bộ máy, từ chỗ chưa có phòng, phát triển lên 05 phòng, 01 Trung tâm đơn vị sự nghiệp và đến nay sắp xếp tinh gọn còn 4 phòng.

Theo đồng chí, những kết quả quan trọng đã tạo nên dấu ấn của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trong suốt 30 năm hoạt động là gì?

Đồng chí Trần Tú Anh: Trải qua 30 năm hoạt động, với 07 nhiệm kỳ Quốc hội (từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX đến khóa XV), 06 nhiệm kỳ của HĐND tỉnh (từ khóa XIII đến khóa XVIII), có thể khẳng định Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đoàn kết, trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, góp phần quan trọng vào kết quả chung của tỉnh trên các lĩnh vực.

Đã tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tham gia 07 khóa Quốc hội với 72 kỳ họp Quốc hội; 06 khóa HĐND tỉnh với 95 kỳ họp HĐND tỉnh, ban hành hơn 600 nghị quyết trên các lĩnh vực. Cùng với đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã chủ động tham mưu xây dựng, ban hành quy chế hoạt động và các văn bản chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; xây dựng chương trình, tổ chức các kỳ họp, phiên họp; hoạt động tiếp xúc cử tri; tiếp công dân; xây dựng pháp luật; hoạt động thẩm tra, giám sát, khảo sát, xử lý các vấn đề giữa hai kỳ họp và các hoạt động khác; tổ chức triển khai kịp thời các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh.

Bên cạnh đó, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu, phục vụ Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức thành công các sự kiện lớn của tỉnh. Kỷ cương, nề nếp, chế độ thông tin báo cáo, chất lượng nhiều mặt công tác của Văn phòng ngày càng được nâng lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại hơn nên công tác hậu cần, chất lượng phục vụ ngày càng tốt và kịp thời hơn.

Đồng chí Trần Tú Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo triển khai giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về "Cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023)

Văn phòng còn làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tiếp nhận và phát hành hàng ngàn văn bản đi, đến đảm bảo đúng thể thức, thẩm quyền, phục vụ kịp thời hoạt động của cơ quan dân cử; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành, cải cách hành chính từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ. Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng phần mềm “Quản lý Kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp” với nội dung trọng tâm là “Kỳ họp không giấy”, được thực hiện tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19, đã tổ chức điểm cầu để Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia trực tuyến các kỳ họp Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri cũng như các phiên họp khác được xem là dấu ấn đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh cũng như hiện đại hóa nền hành chính nhà nước.

Văn phòng cũng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện và thực hiện tốt việc đỡ đầu xây dựng nông thôn mới. Các đoàn thể trong cơ quan cũng đã chủ động phối hợp để tổ chức phong trào văn nghệ, thể thao; tích cực tham gia đầy đủ các hội thi, hội diễn và các hoạt động khác do cấp trên phát động…

Với những thành tích và kết quả đạt được, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2013, Huân chương lao động hạng Nhì năm 2018 và nhiều thành tích cao quý khác. Đây là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn và là sự ghi nhận những thành tích, công lao đóng góp của cán bộ, công chức, và người lao động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh các thời kỳ.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, trong thời gian tới Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cần thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm nào?

Đồng chí Trần Tú Anh:

Chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh phụ thuộc rất lớn vào chất lượng công tác tham mưu, phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng. Để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan dân cử trong tình hình mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức kỷ luật, kỷ cương công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động ở cơ quan Văn phòng, nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong tình hình mới. Đây là việc làm thường xuyên trong hoạt động của Văn phòng, tổ chức đảng, đoàn thể nhằm tạo sự thống nhất ý chí và hành động, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan; không ngừng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ. Trong thực hiện nhiệm vụ của mình, cần xây dựng các quy chế, quy trình phối hợp và giải quyết công việc của Văn phòng đảm bảo tính chuyên nghiệp. Tiếp tục cải tiến công tác tham mưu, chủ động, sáng tạo, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng các kỳ họp, các cuộc giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

Ba là, chủ động xây dựng kế hoạch công tác; bám sát kế hoạch công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh để chỉ đạo và phân công công việc trong lãnh đạo và cán bộ công chức, người lao động của Văn phòng. Không ngừng đổi mới phong cách, lề lối làm việc và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công việc. Quản lý và sử dụng đúng nguyên tắc, có hiệu quả, tiết kiệm ngân sách được giao.

Bốn là, tăng cường phối hợp giữa Văn phòng với các cơ quan hữu quan để nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tính chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Trong đó chú trọng bám sát Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh để kịp thời tham mưu các nội dung theo thẩm quyền.

Năm là, quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức cho cán bộ, công chức Văn phòng, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức kỷ luật, kỷ cương công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động ở cơ quan Văn phòng; Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, tận tụy, am hiểu lĩnh vực được phân công, có ý thức tự rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và luôn tự đổi mới trong công tác.

Sáu là, tiếp tục đổi mới, phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động tiếp tục cống hiến, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ Văn phòng cần nâng cao tinh thần chủ động, trách nhiệm tự học, tự tìm tòi, nắm vững các quy định của pháp luật, nhất là quy định liên quan đến công việc được giao để tham mưu đúng, kịp thời, có chất lượng.

Với bản lĩnh, ý chí, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và cống hiến, tin tưởng rằng Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, góp phần xây dựng tỉnh Hà Tĩnh sớm trở thành tỉnh khá của cả nước

BBT

    Ý kiến bạn đọc