Trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII. (Cử tri TX Hồng Lĩnh)
EmailPrintAa
11:27 13/07/2017

Câu hỏi 6. Đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đề án và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Trung tâm hành chính công của thị xã Hồng Lĩnh; bổ sung 02 biên chế là các Phó Trưởng các ban HĐND cấp huyện theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

 

Trả lời:

6.1. Đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đề án và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Trung tâm hành chính công của thị xã Hồng Lĩnh:

Thực hiện Kết luận số 05-KL/TU ngày 29/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị; Kế hoạch số 41/KH-BXĐA ngày 19/8/2016 của Ban Xây dựng Đề án Trung tâm Hành chính công về xây dựng Đề án Trung tâm Hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện, trong đó giao Sở Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh và chỉ đạo xây dựng Trung tâm hành chính công cấp huyện (thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Đức Thọ, Nghi Xuân).

UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ thẩm định Đề án Trung tâm Hành chính công cấp huyện (Đức Thọ, Nghi Xuân, thành phố Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh). Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Hành chính công thành phố Hà Tĩnh, đang xem xét phê duyệt Đề án và thành lập Trung tâm Hành chính công của 3 đơn vị còn lại trong tháng 3 năm 2017, dự kiến đưa vào hoạt động từ Quý III/2017.

Về các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Trung tâm Hành chính công, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh nguồn kinh phí hoặc có cơ chế để thành lập Trung tâm Hành chính công của 4 đơn vị nói trên.

6.2. Đề nghị UBND tỉnh bổ sung 02 biên chế là các Phó Trưởng các ban HĐND cấp huyện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: “HĐND huyện thành lập ban pháp chế, ban kinh tế- xã hội. Nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban dân tộc. Ban của HĐND huyện gồm có trưởng ban, phó ban và các ủy viên. Số lượng ủy viên của các ban của HĐND huyện do HĐND huyện quyết định. Trưởng ban của HĐND huyện có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; phó trưởng ban của HĐND huyện là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách”.

Căn cứ quy định về chế độ, chính sách đối với HĐND tại Điều 3 Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND thì “Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước thuộc đối tượng áp dụng của Luật Cán bộ, công chức được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định khác của pháp luật”.

Hiện nay, tại các huyện, thành phố, thị xã đều bố trí 02 chức danh chuyên trách là Phó Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội và Phó Trưởng Ban Pháp chế trong tổng số biên chế công chức được giao hằng năm, HĐND và UBND tỉnh không bổ sung biên chế để bố trí chuyên trách đối với các chức danh này.

Việc quản lý, bố trí và sử dụng biên chế công chức của UBND tỉnh trong thời gian qua thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức, trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức. Việc giao biên chế công chức cho các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước luôn đảm bảo trong tổng số biên chế được Chính phủ, Bộ Nội vụ giao. Từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Chính phủ, Bộ Nội vụ giao giảm 10% biên chế công chức hành chính của tỉnh, cụ thể: năm 2016 đã giảm 44 biên chế hành chính, năm 2017 giảm 39 biên chế hành chính. Ngoài ra, tỉnh còn bố trí biên chế dự phòng và nguồn biên chế dự phòng chỉ sử dụng khi thành lập mới tổ chức hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015. Ngày 15/12/2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39/NQ-HĐND về việc thông qua Kế hoạch tinh giản biên chế công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2016-2021. Theo đó, kế hoạch đến năm 2021 biên chế hành chính giảm 255 biên chế so với biên chế giao 2015 (đạt 10%).

Trước tình hình thực tế của tỉnh cũng như yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, HĐND và UBND không điều chỉnh tăng biên chế đối với 02 chức danh chuyên trách Phó các Ban HĐND cấp huyện mà thực hiện bố trí trong tổng số biên chế được giao theo quy định.


    Ý kiến bạn đọc