Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý nhiều nội dung quan trọng trong các dự án luật về lĩnh vực an ninh, trật tự
EmailPrintAa
16:12 21/04/2025

Chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 9, Quốc hội hội khoá XV, chiều 21/4. Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng các dự án luật: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một sửa điều của Bộ Luật Hình sự; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Dẫn độ. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Đại tá Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Cùng dự có  các đồng chí: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu và Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần cùng  đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị.

Đại biểu tham dự hội nghị

Đế hóa sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng lực lượng Công an, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng nhiều dự án luật. Tại hội nghị, đại biểu đã được nghe trình bày tóm tắt quá trình thực hiện tóm tắt kết quả công tác thực hiện Bộ Luật Hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2025 trong thời gian qua; kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, chuyển giao người phạt tù và dẫn độ trên địa bàn tỉnh

Đại biểu Công an tỉnh phát biểu

Đối với dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 05 chương và 45 Điều, trong đó, sửa đổi 19 Điều, bổ sung 10 Điều và cắt giảm 01 Điều so với Luật TTTP trong lĩnh vực dẫn độ. Luật Dẫn độ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước của Việt Nam trong dẫn độ. Luật Dẫn độ, các đại biểu cho rằng, cần bổ sung chương riêng quy định về quyền con người, bảo vệ người bị dẫn độ theo nguyên tắc nhân đạo và công bằng. Bộ Công an chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, hầu hết các đại biểu nhất trí với nội dung trong dự thảo. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) được đề xuất bổ sung vào khoản 4, Điều 13 nội dung “Cản trở người bị hại, người tố giác, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và đương sự thực hiện quyền tự bảo vệ, nhờ luật sư, trợ giúp pháp lý hoặc người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”…

Liên quan đến dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, mục đích của việc ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; giúp bảo đảm tốt hơn quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Dự thảo Luật gồm 5 chương, 45 Điều. So với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật sửa đổi 14 Điều, xây dựng mới 18 Điều, bỏ 01 Điều và 02 quy định.

Đại tá Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự liên quan đến hình phạt tử hình, nhiều đại biểu thống nhất rằng tử hình là hình phạt đặc biệt nghiêm khắc, chỉ nên áp dụng với các trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà các hình phạt khác không đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Đối với dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật gồm 09 chương, 55 điều (giảm 18 điều so với Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) (sau đây gọi chung là Luật năm 2015)); trong đó: bỏ 01 chương (Chương IV), 12 điều; gộp 06 điều thành 02 điều; giữ nguyên 11 điều; bổ sung 01 điều; sửa đổi, bổ sung 41 điều. Góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, nhiều ý kiến đề xuất cần mở rộng thẩm quyền điều tra cho Công an cấp xã – lực lượng đang đảm nhiệm ngày càng nhiều nhiệm vụ thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, cần đi kèm các quy định rõ ràng về phạm vi, trách nhiệm, tránh để xảy ra tình trạng vượt thẩm quyền hoặc vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến quyền con người.

Đại biểu dự Hội nghị đã tham giia ý kiến góp ý, trong đó, tập trung trao đổi làm rõ sự cần thiết ban hành, quan điểm, định hướng và những nội dung cơ bản của các chính sách, nhất là những điểm mới, sửa đổi; việc quy định cụ thể cơ quan tiếp nhận, thụ lí, giải quyết hồ sơ người Việt Nam phạm tội đang thi hành án ở nước ngoài có nguyện vọng thi hành án tại Việt Nam; không bỏ án tử hình đối với một số tội danh; việc đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và nội dung cơ bản của các dự án luật…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia kết luận tại hội nghị

Qua các ý kiến tham vấn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm từ các sở, ban, ngành của tỉnh Hà Tĩnh. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ các ý kiến này để trình lên Quốc hội. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu và thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sắp tới./.

Xuân Hoa - Trần Nhung

    Ý kiến bạn đọc