Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)
EmailPrintAa
19:03 12/07/2019

Ngày 12/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng pháp luật Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Nguyễn Trí Lạc, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đồng chủ trì hội nghị

Bộ luật Lao động được ban hành năm 1994, đã qua 4 lần sửa đổi bổ sung; tuy nhiên, trước tiến trinh hội nhập thương mại và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây đã xuất hiện các yêu cầu lớn đặt ra cần được tiếp tục hoàn thiện. Dự thảo sửa đổi Bộ luật lao động lần này gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với hiện hành.

Các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ Luật Lao động, trong đó có một số nội dung được nhiều người quan tâm như: Vấn đề mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm, khung luỹ tiến tiền lương ngoài giờ; độ tuổi, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, phân loại quy định đối tượng theo ngành nghề lĩnh vực; vấn đề tiền lương; về tổ chức đại diện người lao động; thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; một số nội dung đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới; về tranh chấp lao động và đình công; tăng ngày nghỉ lễ; khái niệm “hàng hoá sức lao động”...

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh Đào Văn Tinh đánh giá cao Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và nêu ra những bất cập thực tiễn cần điều chỉnh

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1994, trải qua 6 lần sửa đổi đã từng bước hoàn thiện là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tôn vinh và tri ân, quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công. Dự thảo sửa đổi lần này gồm có 7 chương và 59 điều (tăng 2 chương và 11 điều), với điểm mới là có đặt tên điều và tên chương; được thiết kế theo hướng quy định cụ thể điều kiện quy định từng diện đối tượng theo các chế độ chính sách. Trong đó, phạm vi điều chỉnh được tập trung vào 2 nhóm đó là: quy định về đối tượng, điều chỉnh một số chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Phát biểu góp ý dự thảo Pháp lệnh, các đại biểu đề nghị bổ sung, quy định chi tiết đối tượng áp dụng của Pháp lệnh như chính sách cho tử sỹ, thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, vợ liệt sỹ tái giá, người mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập đến mức độ cống hiến của người có công với cách mạng; yêu cầu công bằng minh bạch, rõ ràng cho người có công cách mạng và toàn thể tầng lớp xã hội; vấn đề “Đền ơn đáp nghĩa” cần phải được nhấn mạnh yêu cầu phải đưa mức sống người có công cao hơn trung bình chung của xã hội; quy định chặt chẽ hơn tiêu chí thân nhân người nuôi dưỡng; cơ chế uỷ quyền thăm viếng mộ liệt sỹ,… Đồng thời đề nghị Pháp lệnh tiếp tục làm rõ các từ ngữ như “con nuôi”, “gia đình họ tộc”, “người có công nuôi dưỡng Liệt sỹ”…

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận hội nghị

Kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao các ý kiến tham luận của các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia. Đồng thời, nhấn mạnh Bộ luật Lao động và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng là một bộ luật, pháp lệnh lớn, tác động đến nhiều đối tượng và có liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác. Do đó, việc sửa đổi toàn diện để thay thế Bộ luật và Pháp lệnh hiện hành nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng; tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, thân nhân của họ cũng như người lao động, người sử dụng lao động.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng cho rằng việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần tạo khung pháp lý cho doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đảm bảo tính khả thi là vấn đề phải xem xét kỹ lưỡng, cần phải nghiên cứu các đặc thù và đánh giá tác động cụ thể đối với các đối tượng được điều chỉnh, đặc biệt trong các chính sách như: tăng giờ làm thêm, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, vai trò của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở. Đối với Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) cần huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của xã hội, của các tổ chức, cá nhân để cùng với nhà nước chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Sơn tiếp thu nghiêm túc các ý kiến tham luận và giao Văn phòng tổng hợp gửi đến cơ quan soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Bộ luật và Pháp lệnh trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV./.


    Ý kiến bạn đọc