Một số vấn đề về dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở
EmailPrintAa
19:09 23/09/2020

Tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Dự thảo Luật mới với một số nội dung quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn, xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tiếp xúc cử tri tại huyện Đức Thọ

Dự thảo Luật gồm 06 chương, 36 điều, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Với vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn và đã có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Vì vậy, việc đề nghị xây dựng, thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết, cụ thể:

Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở;

Hai là, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ba là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Trước tình hình thế giới, khu vực liên quan đến an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở, giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự, không để tích tụ trở thành điểm nóng. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ huy động được sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bốn là, sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chức danh, mối quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Việc nghiên cứu điều chỉnh lại theo hướng thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã để thành một lực lượng với tên gọi chung, được bố trí thống nhất trên địa bàn xã, phường, thị trấn sẽ góp phần kiện toàn, tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất, chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thật chất hơn cũng như bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này được đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong quan hệ phối hợp giữa lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

Năm là, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã; bảo đảm cơ sở để bãi bỏ Pháp lệnh Công an xã khi đã hoàn thành việc bố trí Công an xã chính quy .

Việc xây dựng Luật để quy định thống nhất việc quản lý đối với các chức danh Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy. Theo đó, Luật được thông qua và có hiệu lực cùng với việc hoàn thành bố trí Công an xã chính quy trong toàn quốc thì Pháp lệnh Công an xã năm 2008 sẽ hết hiệu lực thi hành.

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng Công an huyện Đức Thọ: Tại khoản 1, Điều 11, Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở (sửa đổi), đề nghị bỏ cụm từ “Chứng minh nhân dân” vì bắt đầu từ ngày 01/11/2020, công dân đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ Căn cước công dân

Tại phiên họp thứ 48, tháng 9/2020 của UBTVQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật; cơ bản nhất trí tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất nghiên cứu, rà soát dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về tổ chức, biên chế, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; về ngân sách nhà nước làm việc, trang bị, phương tiện, chế độ, chính sách đối với lực lượng này và các điều kiện bảo đảm khác; làm rõ dự kiến số kinh phí và nguồn kinh phí, khả năng cân đối ngân sách của trung ương và địa phương…, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính khả thi.

Thứ hai xác định vị trí của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vừa phát huy được vai trò của lực lượng này, vừa huy động được sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm nguyên tắc đây là lực lượng “quần chúng”, “tự nguyện”, “tham gia, hỗ trợ” lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ, không phát sinh tổ chức, lực lượng mới, làm thay hoặc đảm nhận chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an và của chính quyền cơ sở./.

Phạm Nghĩa

    Ý kiến bạn đọc