Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Sở Thông tin truyền thông
EmailPrintAa
20:29 11/06/2013

Ngày 11/6/2013, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Thông tin truyền thông để nghe báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vù xã, biên giới và hải đảo; kết quả thực hiện đề án “ Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn đến 2025” và tình hình hoạt động của đài PTTH cấp huyện, các trạm truyền thanh xã sau phân cấp. Tham dự có đồng chí Thiều Đình Duy -Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở thông tin truyền thông, các sở ngành liên quan. Đồng chí Đoàn Đình Anh – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Đồng chí Đoàn Đình Anh - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội phát biểu tại cuộc làm vệc

 

Về chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đưa thông tin về cơ sở đã được Chính phủ triển khai thí điểm từ năm 2011 với 3 dự án: dự án về tăng cường năng lực cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở; tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Sau 3 năm thực hiện chương trình, đã đào tạo được 213 học viên là cán bộ văn hóa – xã hội, cán bộ phụ trách trạm truyền thanh cấp xã, sau khi được đào tạo các vị trí cơ bản đảm nhận được các nhiệm vụ được giao; xây mới 8 đài truyền thanh không dây, năm 2013 triển khai lắp đặt tiếp 7 trạm phát thanh không dây; tiến hành sản xuất và phát lại 176 chương trình phổ biến về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước. Các kinh nghiệm, gương điển hình trong sản xuất, phổ biến kiến thức xã hội… Về đề án công nghiệp công nghệ thông tin: đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định để giao nhiệm vụ khảo sát, lập quy hoạch; phối hợp với các đơn vị tư vấn đầu tư xây dựng quy hoạch Khu CNTT tập trung Hà Tĩnh tỷ lệ 1/500, hiện nay đang tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết trong Khu công nghệ giai đoạn 2013 – 2015..

Về tình hình hoạt động của đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn là một trong những nội dung được các thành viên ban Văn hóa – Xã hội quan tâm. Theo báo cáo của sở Thông tin – Truyền thông, hiện nay, tổng số cán bộ, công nhân viên chức các đài phát thanh truyền hình huyện, thành phố, thị xã có 144 người, cơ cấu tổ chức đủ để các đài hoạt động; có 8/12 đài có máy phát truyền hình, 12/12 đài được trang bị đầy đủ thiết bị để hoạt động; ngoài việc tiếp sóng chương trình PT-TH của Trung ương, của tỉnh, các đài huyện đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tuyên truyền về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, phong trào xây dựng nông thôn mới, các phong trào yêu nước, gương người tốt việc tốt gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi tuần có 2-  3 chương trình/ tuần, 8/12 đài sản xuất và phát hình từ 1 – 2 chương trình/tuần…

Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 231 trạm truyền thanh cấp xã đặt tại 231/262 xã, phường trong đó có 133 trạm truyền thanh có dây, 98 trạm không dây; có 31 xã chưa được đầu tư xây dựng. Các trạm truyền thanh cơ sở hoạt động chủ yếu là phát lại các thông tin chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và tiếp sóng đài tỉnh … Công tác quản lý báo chí, xuất bản có nhiều tiến bộ và ngày càng đi vào nề nếp.

Đồng chí Thiều Đình Duy - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Thiều Đình Duy đánh giá cao những có gắng nổ lực của sở sau 8 năm được thành lập. Là một ngành có tính chất đặc thù, nhạy cảm, nhưng kể từ khi thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên của sở đã tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành do vậy từng bước đã nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông; công tác quản lý báo chí, xuất bản có nhiều cố gắng, duy trì thường xuyên chế độ giao ban báo chí, các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn, các phóng viên thường trú được cấp phép và quản lý hoạt động chặt chẽ; hệ thống đài phát thanh, truyền hình cấp huyện và mạng lưới truyền thanh cơ sở được mở rộng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, cơ sở.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành còn có một số hạn chế: hạ tầng thông tin trên địa bàn vừa thiếu, chất lượng chưa cao; trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế; công tác quản lý nhà nước về viễn thông còn nhiều bất cập; hệ thống truyền thanh cơ sở hiệu quả hoạt động còn thấp, thiết bị xuống cấp, đội ngũ nhân viên vận hành còn nhièu bất cập … Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, đồng chí Phó chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị trong thời gian tới ngành cần bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ được giao, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, lộ trình phát triển Trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong quá trình thực hiện, phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực báo chí, xuất bản, quản lý mạng thông tin viễn thông, intenet; tiến hành rà soát, đánh giá lại thực trạng hệ thống truyền thanh cơ sở cả về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ nhân viên vận hành; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để vừa thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước của ngành, vừa lồng ghép, huy động thêm nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống truyền thanh cơ sở … Đối với một số kiến nghị, đề xuất của Sở, Thường trực HĐND nghi nhận, sở cần tính toán cụ thể, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.


    Ý kiến bạn đọc