Ban Văn hóa – xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh hoạt động tích cực, hiệu quả ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ
EmailPrintAa
14:44 20/12/2016

Ban Văn hóa - Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 được Hội đồng nhân dân tỉnh xác nhận kết quả bầu cử chức vụ Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban tại Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 27/6/2016; được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn các Ủy viên của Ban tại Nghị quyết số 14/NQ-TT HĐND17 ngày 04/7/2016. Theo các Nghị quyết trên, nhiệm kỳ 2016 - 2021 Ban Văn hóa - Xã hội có 01 Trưởng Ban và 01 Phó Trưởng Ban hoạt động chuyên trách; có 07 Ủy viên của Ban hoạt động kiêm nhiệm, tăng 02 Ủy viên so với nhiệm kỳ trước đó. Trong 09 người là lãnh đạo và Ủy viên của Ban thì 04 người là đại biểu tái cử và có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong cơ quan dân cử.

Với những thuận lợi về mặt nhân sự và phát huy truyền thống của Ban ở các khóa trước, bước vào nhiệm kỳ mới 2016 - 2021 Ban văn hóa - xã hội đặt mục tiêu hoạt động tích cực, hiệu quả ngay từ những ngày đầu. Theo đó, Ban đã chỉ đạo bộ phận tham mưu xây dựng quy chế hoạt động và chương trình hoạt động toàn khóa, trong đó có chương trình hoạt động chi tiết 6 tháng cuối năm 2016 và tổ chức họp Ban ngay sau kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trên cơ sở các nội dung, chương trình đã được tập thể thảo luận, thống nhất đồng ý, Ban đã tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch chương trình công tác, cụ thể:


Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh họp triển khai nhiệm vụ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

Về công tác khảo sát, giám sát: Trong tháng 7, Ban đã tiến hành một đợt khảo sát, làm việc với 05 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn huyện Can Lộc, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh để nắm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016 và vấn đề điều chỉnh học phí cho các năm học tiếp theo. Từ tháng 8 đến tháng 11, Ban tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề kết quả thực hiện Nghị quyết số 20/2011/ NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2015. Đây là cuộc giám sát có quy mô lớn, nội dung chuyên sâu, do vậy được chia làm 2 đợt. Đợt 1, từ ngày 16 đến ngày 26 tháng 9 năm 2016, Đoàn giám sát đã tiến hành khảo sát thực tế tại 20 xã, phường, thị trấn và 31 trường học; phát 1.434 phiếu xin ý kiến các đối tượng liên quan, bao gồm 181 cán bộ, công chức cấp xã, 94 cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, 496 giáo viên trực tiếp đứng lớp, 663 phụ huynh học sinh. Đợt 2, từ ngày 07 đến ngày 18 tháng 11 năm 2016, Đoàn giám sát đã tổ chức giám sát, làm việc chính thức với Sở Giáo dục và đào tạo, Ủy ban nhân dân và phòng chuyên môn các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh; họp Đoàn giám sát thông qua kết quả giám sát.

 

Với phương pháp khảo sát, giám sát được bố trí khoa học, linh hoạt, phù hợp đã đảm bảo được chất lượng của các đợt khảo sát, giám sát; tạo điều kiện thuận lợi cho các Ủy viên của Ban tham gia; đồng thời không làm ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của các đơn vị, địa phương được Ban đến khảo sát, giám sát. Kết thúc, các đợt khảo sát, giám sát Ban đã thu thập được nhiều thông tin phục vụ cho công tác thẩm tra Quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của tỉnh và thẩm tra việc điều chỉnh học phí theo quy định mới; đánh giá sát đúng tình hình, kết quả thực hiện các chính sách cho phát triển giáo dục được quy định tại Nghị quyết số 20 để trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất ban hành nghị quyết chính sách mới cho phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

 

Về công tác tham gia các kỳ họp chuyên đề, kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân tỉnh và các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Để chuẩn bị tốt nội dung các kỳ họp, phiên họp theo sự phân công của Thường trực, Ban đã chủ động sắp xếp lịch làm việc với các đơn vị, địa phương để thu thập thông tin phục vụ công tác thẩm tra. Theo kế hoạch đó, trước các kỳ họp thứ hai, kỳ họp thứ ba, Ban đã tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân, Hương Sơn để nghe tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016 trên lĩnh vực văn hóa - xã hội; nghe tình hình triển khai Đề án đặt tên các tuyến đường trên địa bàn. Làm việc với Sở Thông tin Truyền thông về thực hiện nhiệm vụ các tháng đầu năm 2016 và nghe việc xây dựng Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện chỉ số minh bạch và tiếp cận thông tin đối với hoạt động nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh”. Làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và tình hình thực hiện các chính sách được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI ban hành. Làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để nghe Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Kết thúc các cuộc làm việc bên cạnh việc thu thập các thông tin phục vụ công tác thẩm tra của Ban thì thông qua ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ban, ý kiến tham gia góp ý của các Ủy viên Ban còn giúp cho các địa phương, đơn vị bổ sung, hoàn thiện các Đề án, chính sách trước khi tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua.

 

Về thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Mặc dù quỹ thời gian không nhiều, có thời điểm trùng và phải lồng ghép với nhiều hoạt động chuyên môn khác, song lãnh đạo Ban đã có sự phân công, bố trí thực hiện hợp lý. Kết quả, cùng với kết thúc đợt giám sát chuyên đề, Ban đã hoàn thành 2 nội dung khảo sát khác đó là: Khảo sát đánh giá tình hình thực hiện dự án trường học mới trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Dự án VNEN) và khảo sát việc thực hiện quy hoạch các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết 20/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định 2286/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đây vừa là một phần trong nội dung của nhóm các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2015; vừa là vấn đề nóng được cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm. Do đó, việc hoàn thành được mục tiêu kép (khảo sát được Dự án VNEN) không chỉ phục vụ cho việc bổ sung vào các đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết mà còn giúp cho lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng có liên quan, cử tri, Nhân dân có cái nhìn khách quan, đúng với bản chất của mô hình trường học mới; trên cơ sở đó có sự định hướng đúng đắn cho việc áp dụng dự án VNEN vào trên địa bàn.

 

Mặt khác với việc khảo sát, nắm được thông tin một cách cụ thể xác thực nhất về quy mô trường, lớp, điều kiện địa hình và đề xuất Đoàn giám sát chuyên đề đưa vào nội dung kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục soát xét quy hoạch để góp phần tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc cho các địa phương, trường học trong thực hiện Nghị quyết 20/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định 2286/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động theo chương trình, kế hoạch công tác của mình, lãnh đạo Ban đã phối hợp tích cực với các Ban Kinh tế ngân sách, Ban Pháp chế trong hoạt động thẩm tra, làm việc chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp; tham gia đầy đủ các hoạt động, nhiệm vụ chính trị khác do Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức; tham gia với các Đoàn liên ngành của tỉnh trong rà soát thực hiện các chính sách của tỉnh đã ban hành trên lĩnh vực văn hóa.

 

Nhiệm kỳ hoạt động của Ban văn hóa - xã hội đã đi qua được nữa năm đầu tiên. Có thể nói thời gian chưa dài, phần lớn đại biểu mới còn phải làm quen với công việc song với kinh nghiệm và phương pháp điều hành khoa học, bố trí hợp lý của lãnh đạo Ban, sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các Ủy viên của Ban đã góp phần đưa hoạt động của Ban tích cực, hiệu quả ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ. Tin tưởng đây sẽ là tiền đề để Ban văn hóa - xã hội hoàn thành tốt chương trình công tác toàn khóa và tiếp nối truyền thống là một trong những Ban hoạt động tích cực, hiệu quả của Hội đồng nhân dân tỉnh.


    Ý kiến bạn đọc