Ban Văn hóa – Xã hội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề
EmailPrintAa
16:13 30/05/2013

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVI, sáng ngày 30/5/2013, đồng chí Hoàng Thị Cẩm Tú - TUV, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh và đồng chí Đoàn Đình Anh - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề để tham vấn ý kiến góp ý vào Dự thảo Đề án “ Nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở tỉnh Hà Tĩnh giai đoan 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Tham dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan, đại diện các ban HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh,  đại diện Thường trực HĐND, UBND thành phố Hà Tĩnh, cán bộ quản lý văn hóa 04 phường, xã trên địa bàn và một số chuyên gia trên lĩnh vực văn hóa. 

 

Đồng chí Đoàn Đình Anh - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại buổi tham vấn

 

Dự thảo Đề án đã làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của thiết chế văn hóa, thể thao và đánh giá rõ thực trạng thiết chế văn hóa, thể thao ở các xã, phường, thị trấn, cũng như ở các thôn, làng, bản, tổ dân phố. Theo Đề án, đến nay ở cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh có: 198/262 nhà văn hóa (chiếm tỷ lệ 75,5%), trong đó đạt chuẩn 15 nhà (7,6%), gần đạt chuẩn có 127 nhà (28,3%), chưa đạt chuẩn 127 nhà (64,1%); có 286/262 sân bóng đá, trong đó sân đạt chuẩn 103/286 (36%), sân gần đạt chuẩn 83/286 (29%),, sân không đạt chuẩn 100/286 (35%); có 383/262 sân bóng chuyền, tỏng đó sân đạt chuẩn 241/383 (63%), sân gần đạt chuẩn 45/383 ( 11,7%), sân không đạt chuẩn 97/383 ( 25,3%) … Về tổ chức bộ máy có 61/262 xã có phó chủ tịch UBND phụ trách văn hóa, 60/262 xã có phó chủ tịch UBND xã kiêm phụ trách văn hóa, có 200/262 xã có công chức chuyên trách văn hóa, 47/262 xã bố trí công chức văn hóa kiêm nhiệm. Ở các thôn, làng, bản, tổ dân phố hiện có 2178/2260 thôn có nhà văn hóa, trong đó có 583 nhà đạt chuẩn của bộ Văn hóa TTDL ( chiếm tỷ lệ 26,8%), 315 nhà gần đạt chuẩn ( 14,5%), 1280 nhà không đạt chuẩn (41,2%); có 1213/2260 sân bóng đá, trong đó sân đạt chuẩn 347/1213 (29%), sân gần đạt chuẩn 300/1213 (25%), sân khôngđạt chuẩn chiếm tỷ lệ 46% … Đề án cũng đã nêu lên 4 nhóm giải pháp để tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở với tổng nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2013 - 2020 là 3041,55 tỷ đồng.

Tại buổi tham vấn đã có 16 ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia góp ý vào từng nội dung cụ thể của Đề án. Về tên gọi của đề án có 2 luồng ý kiến khác nhau, một số đề nghị để nguyên như cũ, nhưng cũng có một số ý kiến khác đề nghị đưa mệnh đề “ Tăng cường đầu tư lên trước…”; về thời gian thực hiện Đề án đa số nhất trí để giai đoạn “ 2013 – 2020” mới có tính khả thi. Về bố cục của Đề án, nhiều ý kiến cho rằng bố cục như vậy là chưa phù hợp, có sự trùng lặp trùng lặp; nên bố cục theo hướng: phần thứ nhất là sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án, phần thứ 2 là đánh giá thực trạng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, phần thứ 3 là giải pháp và các cơ chế chính sách thực hiện Đề án … Về nội dung Đề án, các đại biểu đề nghị làm rõ: sự cần thiết phải xây dựng Đề án; phải đánh giá được thực trạng chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở hiện nay như thế nào?; vì trong nội dung mới chỉ đề cập đến thực trạng cơ sở vật chất của các thiết chế. Có đại biểu đề nghị, phải xem “nâng cao chất lượng hoạt động” là mục tiêu của Đề án, còn cơ sở vật chất chỉ là phương tiện, vì mục tiêu của Đề án phải gắn liền với tên gọi của Đề án. Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về số liệu trong Đề án, chưa thống nhất với một số báo cáo gần đây của tỉnh …

Đồng chí Hoàng Thị Cẩm Tú - TUV, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi tham vấn

 

Phát biểu kết thúc buổi tham vấn, đồng chí Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu và công tác chuẩn bị Đề án dự thảo của sở VHTTDL, đồng thời đề nghị Sở cần tiếp thu nghiêm túc ý kiến tham vấn của các chuyên gia, các nhà quản lý về tên gọi, bố cục của Đề án và những góp ý về nội dung, về số liệu, nhất là đánh giá rõ thực trạng hoạt động của các thiết chế hiện nay; thực  trạng về công tác quản lý và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở; bổ sung thêm các giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp về công tác xã hội hóa huy động nguồn lực; về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở…; Sở cần rút kinh nghiệm của những lần tham mưu các Đề án trước đây, hoàn chỉnh Đề án này kỹ hơn để ban Văn hóa - Xã hội thẩm định trình ra kỳ họp HĐND tỉnh trong thời gian tới.


    Ý kiến bạn đọc