Thấy gì trong mùa lễ hội năm nay
EmailPrintAa
10:13 14/03/2014

Thực hiện chương trình công tác năm 2014, ngay từ đầu năm Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiếnhành giám sát, kiểm tra thực tế tại một số lễ hội trên địa bàn tỉnh

Nhìn chung công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục được các địa phương, đơn vị thực hiện khá nghiêm túc theo các văn bản quy định, hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương. Việc tổ chức lễ hội từng bước đi vào nề nếp với nhiều hình thức phong phú, vui tươi, tiết kiệm; công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ được tăng cường; các hạng mục công trình trong quần thể di tích và hệ thống dịch vụ ốt, quán được trùng tu, tôn tạo, xây dựng theo quy hoạch, đáp ứng được nhu cầu văn hóa, du lịch tâm linh của du khách thập phương. Nhận thức của người dân về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, sinh hoạt trong văn hóa tín ngưỡng, các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di tích có sự chuyển biến. Các địa phương tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền, quảng bá kiến trúc di tích, danh lam thắng cảnh để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Trong quá trình quản lý và tổ chức hoạt động, các cấp chính quyền đã chú trọng gắn kết hoạt động lễ hội với khai thác các tiềm năng du lịch để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy không thể giám sát tại tất cả các di tích, lễ hội nhưng qua giám sát thực tế, giám sát qua báo cáo, Ban nhận thấy bên cạnh những chuyển biến đáng kể nêu trên thì mùa lễ hội năm nay vẫn đang còn nhiều tồn tại chung chưa được chấn chỉnh điển hình tại một số di tích như:

Chùa Hương Tích được xây dựng trên núi Hồng Lĩnh - một trong 7 ngọn núi hùng vĩ và đẹp nhất của 99 đỉnh non Hồng. Chùa nổi tiếng không chỉ ở các điển tích, sự linh thiêng của cõi Phật, những câu chuyện huyền thoại, truyền thuyết… mà còn là một quần thể du lịch, hành hương kỳ thú luôn thu hút khách thập phương, đạo hữu gần xa. Theo thông lệ ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm dưới chân núi Hồng nơi “Hoan châu đệ nhất danh lam” lại mở hội xuân chùa Hương. Theo thống kê của BQL khu di tích Chùa Hương cho biết đã có gần 55.000 lượt du khách đến đây kể từ đầu năm Tết Nguyên Đán đến nay. Đặc biệt sáng mùng 5 (âm lịch) lượng du khách lên đến 15.000 lượt/ngày. Riêng trong ngày khai lễ đã có 10.000 lượt vé được bán cho du khách vào tham quan và dâng hương.

Hệ thống cáp treo phục vụ du khách đi lễ hội Chùa Hương

 

Qua giám sát, Ban nhận thấy hoạt động tổ chức lễ hội năm nay tiếp tục được thực hiện khá bài bản. Ban quản lý Khu du lịch Chùa Hương hoạt động tích cực, thể hiện rõ vai trò của nhà nước trong bảo vệ, khai thác hiệu quả các giá trị của di tích. Việc thu các loại phí tham quan, trông giữ phương tiện, tiền công đức được triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và quản lý, sử dụng đúng quy định. Tuy vậy, với đặc thù phạm vi di tích rộng, ý thức của du khách chưa tốt, bên cạnh đó việc bố trí đặt các biển báo hướng dẫn, bố trí các thùng đựng, điểm thu gom rác còn ít nên công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý rác thải chưa tốt, mới đầu mùa lễ hội nhưng tình trạng mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường nhất là xung quanh khu vực Chùa khá nghiêm trọng. Việc sắp xếp các ốt, quán trước cửa Chùa chưa khoa học, gây mất mỹ quan và giảm tính linh thiêng, tôn nghiêm của di tích. Công tác đảm bảo an ninh trật tự trước cổng ra vào và tại bãi đỗ xe vẫn còn tình trạng lôi kéo, tranh giành khách của những người làm dịch vụ. Tuyến đường bộ từ Ban quản lý vào ga cáp treo tuy chưa được đầu tư hoàn chỉnh, không đảm bảo an toàn giao thông nhưng vẫn để cho đội ngũ hành nghề xe ôm đưa du khách vào, ra. Việc nhắc nhở du khách hạn chế thắp hương, đốt vàng mã đúng quy định chưa tốt đã gây ô nhiễm khói, bụi và tăng nguy cơ cháy nổ tại di tích.

Tại di tích Đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, mùa lễ hội năm nay cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư nâng cấp khuôn viên khang trang, nơi soạn lễ đảm bảo. Ban quản lý tiếp tục thắt chặt hoạt động nâng cao tinh thần thái độ và chất lượng bộ phận thầy giúp lễ thông qua thi tuyển và cấp thẻ hành nghề; giảm được các hiện tượng ùn tắc trong trả và dâng lễ, mất lễ, thất lạc lễ của du khách, qua đó từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách thập phương. Việc quản lý, sử dụng tiền công đức được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đáng ghi nhận thì công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu vực nội Đền vẫn còn hạn chế. Lực lượng đảm bảo an ninh trật tự hoạt động chưa tích cực, thiếu nhắc nhở thường xuyên nên để xảy ra hiện tượng du khách hành lễ sai khu vực, cắm hương tùy tiện, tổ chức ăn uống trong khu vực nội Đền và xả rác bừa bãi đã gây mất vệ sinh, làm giảm tính tôn nghiêm, linh thiêng của di tích. Việc triển khai thực hiện thu phí theo Nghị quyết số 67/2013/NQ-HĐND ngày 18/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh đến nay mới chỉ triển khai thực hiện được việc thu phí trông giữ phương tiện.

Tại di tích Đền Miếu Ao, sau những băn khoăn quan ngại của mùa lễ hội năm trước khi UBND xã định cho đấu thầu công tác quản lý di tích thì năm nay, Ban quản lý di tích đã được chính quyền chấn chỉnh, kiện toàn và tổ chức các hoạt động đúng với các quy định quản lý nhà nước. Cảnh quan, khuôn viên tiếp tục được giữ gìn, bảo tồn giá trị và tính linh thiêng của di tích. Việc triển khai thực hiện thu phí trông giữ phương tiện tại di tích được thực hiện theo Nghị quyết số 67/2013/NQ-HĐND ngày 18/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Riêng tại di tích Đền Chợ Củi thì việc quản lý di tích đến nay vẫn chưa được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản và các quy định khác của pháp luật. Các tồn tại trong tổ chức lễ hội tại di tích như nặng về phần hành lễ, các loại hầu và nhiều hành vi mê tín dị đoan khác; cơ sở vật chất di tích hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng không tổ chức đầu tư tôn tạo được; việc lấn chiếm, xây dựng trái phép tại khu vực 1, khu vực 2 của di tích đến nay vẫn chưa được chấn chỉnh. Các cửa hàng kinh doanh đồ lễ sai quy định, bàn bán tràn lan, công khai các ấn phẩm văn hóa trái phép, có nội dung mê tín dị đoan. Ban quản lý di tích vẫn chưa đi vào hoạt động. Đặc biệt, tại di tích có những biểu hiện sai phạm khá nghiêm trọng như việc in phiếu ghi công đức ghi tên cơ quan quản lý là UBND xã Xuân Hồng, UBND huyện Nghi Xuân nhưng việc tổ chức phát hành, thu tiền du khách và sử dụng các khoản tiền thu được tại di tích lại do hộ gia đình Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hóa (các con trai của ông Nguyễn Sỹ Quýnh - PV) điều hành, quản lý. Biên lai thu tiền trông giữ phương tiện cũng do hộ dân tự in ấn và đặt ra các mức thu trái với quy định của pháp luật. Vấn đề này vừa vi phạm các quy định của nhà nước, vừa gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước rất lớn.

Mùa lễ hội năm nay vừa mới bắt đầu, song với những mặt được và chưa được cho thấy các cấp chính quyền, ngành chức năng và các đơn vị liên quan cần tiếp tục tăng cường vai trò quản lý nhà nước, nhất là công tác bảo vệ, giữ gìn, khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị của các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định của Trung ương và địa phương, nhất là các văn bản quy định mới như; Thông tư liên tịch số 19 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường tại các di tích; Nghị quyết số 67 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để khai thác hiệu quả giá trị của di tích cũng như đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động của các Ban quản lý theo quy định.  

Bên cạnh đó các ngành chức năng liên quan cần phối hợp tốt để tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho du khách về tham gia lễ hội tại di tích trên địa bàn. Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để tiếp tục xây dựng, tôn tạo, tu bổ một số hạng mục công trình nằm trong quy hoạch để phục vụ tốt hơn hoạt động văn hóa tâm linh và tạo cảnh quan cho các khu di tích trên địa bàn


    Ý kiến bạn đọc