Thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND củaHĐND tỉnh
EmailPrintAa
16:53 10/10/2016

Triển khai chương trình giám sát về kết quả thực hiện Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 phê duyệt Đề án phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo, ngày 10/10/2016, Đoàn giám Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh. Các đồng chí Võ Hồng Hải, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát; Đoàn Đình Anh, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát chủ trì các cuộc làm việc.

Đồng chí Đoàn Đình Anh, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại huyện Đức Thọ
 

Tại huyện Đức Thọ, nhờ làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và có các biện pháp tích cực trong triển khai thực hiện nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, công tác quy hoạch trường lớp đã được tập trung thực hiện quyết liệt và hoàn thành trước một năm so với lộ trình. Hiện Đức Thọ đã giảm 8 trường học trong đó có 2 trường tiểu học, 6 trường trung học cơ sở, đến nay huyện còn 28 mầm non, 28 trường tiểu học, 10 trường trung học cơ sở. Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, các trường học từ mầm non đến THCS trên địa bàn toàn huyện đã được ngân sách đầu tư gần 32 tỷ đồng và gần 60 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm đồ dùng dạy học.

Việc quy hoạch, sáp nhập trường đã khắc phục được quy mô trường học nhỏ lẻ, manh mún, xuống cấp; công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên hợp lý, khoa học, hạn chế tình trạng dạy chéo môn; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, hiện nay có 54/67 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 80,6%.

Đồng chí Võ Công Hàm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ
 

Công tác đổi mới, quản lý giáo dục được tập trung quan tâm, việc phân cấp quản lý được quan tâm thực hiện. Công tác quản lý nguồn thu, chi trong trường học, quản lý dạy thêm, học thêm; việc rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được tăng cường. Công tác triển khai thực hiện các mô hình, nội dung, phương pháp giáo dục mới, xã hội hóa giáo dục được quan tâm…

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, hệ thống trường học được quy hoạch hợp lý hơn; chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng lên; chất lượng giáo dục được được ổn định và phát triển vững chắc kể cả chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Toàn huyện giữ vững kết quả phổ cập, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi mức độ 2 một cách vững chắc; cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư; nhiều cơ sở dạy học được UBND tỉnh, Bộ GD & ĐT, Thủ tướng Chính phủ tặng cờ.


Đồng chí Trương Thanh Huyền, Bí thư Huyện ủy huyện Lộc Hà
 

Báo cáo của thị xã Hồng Lĩnh cho thấy: Hằng năm thị xã thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả công tác quản lý; công tác quản lý dạy thêm, học thêm được tăng cường quản lý; thường xuyên thanh tra, kiểm tra kịp thời chấn chỉnh những vướng mắc, bất cập. Việc rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên được quan tâm đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn về trình độ, đồng bộ về cơ cấu. Việc thực hiện các mô hình, nội dụng, phương pháp giáo dục mới được thị xã quan tâm. Công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được chú trọng, tổng kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác được 13.933 triệu đồng...

Đồng chí Đặng Thanh Hải, Bí thư Thị ủy Hồng Lĩnh
 

Nhìn chung, sau 5 năm đưa nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống tỷ lệ trường học đạt chuẩn trên địa bàn thị xã tăng từ 66,7% lên 85%, trong đó có 7 trường đạt cấp độ 2; công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm đồ dùng dạy học tại 20 trường học tiếp tục được quan tâm với tổng số tiền đã đầu tư đạt gần 87 tỷ đồng; 100% trường tiểu học dạy 2 buổi/ ngày; xây dựng được 3 trường điển hình tiên tiến ở 3 cấp học; 100% cán bộ, giáo viên đều có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên giỏi hàng năm tăng lên... Đặc biệt, quán triệt Nghị quyết 20 và thực hiện tốt các nội dung trong Đề án phát triển GD&ĐT nên chất lượng giáo dục ở Hồng Lĩnh đã được nâng lên rõ nét. Theo đó, ở bậc học mầm non có tỷ lệ huy động trẻ đạt 46% (vượt 11% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra và cao hơn mặt bằng chung của tỉnh 11,6%), 100% trẻ mẫu giáo ra lớp và được ăn bán trú. Ở cấp tiểu học, 100% học sinh hoàn thành chương trình mẫu giáo được huy động vào lớp 1; phổ cập giáo dục đúng độ tuổi mức độ 2; 6/6 trường đạt chuẩn quốc gia; trong năm học 2015-2016, học sinh hoàn thiện môn học đạt 99,7%, học sinh phát triển phẩm chất đạt 99,9%, phát triển năng lực đạt 99,8%.  Đối với THCS, nhiều năm liền tỷ lệ học sinh thi đậu THPT xếp thứ 2 toàn tỉnh; tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THCS đạt 99%; có từ 60-65% xếp học sinh được xếp loại học lực khá, giỏi trở lên; không có học sinh hạnh kiểm yếu, kém...


Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh
 

Trao đổi tại các đơn vị, các thành phần tham dự làm việc đã tập trung phân tích các vấn đề như: việc triển khai thực hiện mô hình giáo dục mới nhất là mô hình học VNEN; cơ cấu đội ngũ giáo viên, tình trạng thừa thiếu cục bộ; việc xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, việc huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục; việc thực hiện một số mục tiêu của Nghị quyết như tỷ lệ, trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2, tỷ lệ phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề; chất lượng, hiệu quả hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng; công tác cải cách hành chính ở các cơ sở giáo dục và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của một số cán bộ quản lý; tổng số giáo viên hợp đồng, những kiến nghị đề xuất về các nội dung trong Nghị quyết; kinh nghiệm của huyện trong việc đưa học về học tại 1 điểm trường, học 1 ca/ngày; chất lượng học sinh đại trà; giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng anh nhất là chất lượng giáo viên sau khi được đào tạo lại theo chuẩn B2 Châu Âu, chất lượng, tổ chức chịu trách nhiệm trong việc đưa các giáo viên bản ngữ về dạy tại các trường; tình hình phân bổ, sử dụng nguồn ngân sách phục vụ sự nghiệp giáo dục; việc cấp ưu tiên tuyển sinh cho các trường dân lập dạy học có hiệu quả; việc phân công, phân nhiệm trong việc dạy văn hóa, dạy nghề, tỷ lệ xếp loại học sinh đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên.


Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh
 

Trước khi làm việc với UBND huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh, Đoàn đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến các nhóm đối tượng như: phụ huynh học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên…

Kết luận các cuộc làm việc, đồng chí Đoàn Đình Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát và đồng chí Võ Hồng Hải, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND của huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh. Kết quả và các kiến nghị, đề xuất của Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh sẽ được đưa vào xem xét, đánh giá chung với tình hình toàn tỉnh trong kỳ họp thứ 3 sắp tới; trên cơ sở đó HĐND tỉnh sẽ có quyết định cụ thể.


Đồng chí Võ Hồng Hải, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc với UBND thị xã Hồng Lĩnh
 

Đồng thời, các đồng chí cũng đề nghị, UBND huyện Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh cần đánh giá, soát xét lại tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết, nhất là những vấn đề còn khó khăn, các chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu để có giải pháp khắc phục hiệu quả.


    Ý kiến bạn đọc