Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh cần xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể khi đề xuất cơ chế tự chủ
EmailPrintAa
17:32 30/10/2019

Sáng ngày 29/10, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã tiến hành giám sát "việc thực hiện các chế độ, chính sách trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2018’’ tại trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trương Thanh Huyền - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các thành viên Ban và đại diện lãnh đạo một số sở ngành có liên quan. Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt - TUV, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội chủ trì làm việc.

Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Hiện nay, Trường có 175 cán bộ, giáo viên, người lao động; trong đó, 1 công chức, 30 viên chức, 144 hợp đồng lao động. Trường có quy mô 3 phòng, 6 khoa, 4 trung tâm, đào tạo 28 mã ngành như: điện công nghiệp, vận hành máy thi công nền, may thời trang, hàn, nghiệp vụ nhà hàng, thú y, ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Nhà trường đang đào tạo gần 3.200 học sinh, học viên tại hai cơ sở.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh Nguyễn Văn Đàn: Nhà trường mong muốn có cơ chế tự chủ để chủ động trong xây dựng, phát triển đội ngũ giảng dạy, quản lý, thu hút nhân tàì

Trong những năm qua, mặc dù có những khó khăn nhất định về công tác tuyển sinh, về cơ chế hoạt động, về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp... nhưng nhà trường đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động và học sinh học tập ở trường. Đối với công chức, viên chức của nhà trường các chế độ về lương, bảo hiểm xã hội, phụ cấp thâm niên nghề, chế độ làm thêm giờ, các khoản phúc lợi, tiền thưởng, lễ, tết… được nhà trường thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đối với học sinh, nhà trường thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước quy định theo từng đối tượng học sinh, đặc biệt là chính sách về học phí thông qua các đề án, dự án như: Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho đối tượng thu hồi đất, lao động thất nghiệp, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự; lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường theo Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ…Thực hiện miễn giảm học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ - CP của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 57/2017/NQ - HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, tập trung nhiều vào các đối tượng là học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở học trung cấp nghề, học sinh học các nghề nặng nhọc, độc hại. Ngoài ra, nhà trường cũng thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh khi gia đình có nhu cầu và rà soát đúng đối tượng để vay vốn.  Đối với việc thực hiện chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, hàng năm Trung ương đầu tư hơn 2 tỷ  đồng để mua sắm các trang thiết bị dạy học về kỷ thuật máy lạnh, điều hòa, kỹ thuật chế biến món ăn và chăn nuôi thú y. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh phân bổ để đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa các hạng mục trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy bảo đảm yêu cầu.

Thành viên Ban VH-XH HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh: yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tham gia tích cực trong tham mưu, quản lý để trường thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nghề nghiệp tại địa phương

Phó Ban KTNS HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga: Đề nghị trường báo cáo rõ hơn việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính theo Thông tư liên tịch số 72 liên bộ Tài chính- Giao thông Vận tải.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chế độ, chính sách trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh trong thời gian qua còn có những tồn tại, hạn chế nhất định như: Việc chi trả chế độ đãi đối với giáo viên hợp đồng còn khó khăn, do vậy chưa thu hút được người giỏi về công tác ở trường, không có nguồn kinh phí để trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên hợp đồng; định mức học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ và Nghị quyết 56, 57 của HĐND tỉnh còn thấp so với kinh phí thực tế đào tạo; tiến độ giải ngân kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng chính sách chậm, ảnh hưởng đến tiến độ đào tạo và tình hình tài chính của nhà trường; cơ chế huy động vốn trong và ngoài trường để đầu tư chưa cụ thể, rõ ràng nên nhà trường khó khăn trong việc huy động nguồn lực để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã đề nghị trường làm rõ thêm một số vấn đề như: Năng lực của đơn vị đào tạo để làm cơ sở tự chủ; cơ sở để xác định thời gian vượt giờ cho giáo viên; tình hình tuyển sinh, đào tạo các đối tượng đặc biệt; thu học phí; vay vốn tín dụng cho học sinh; công tác xã hội hóa…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền ghi nhận những kết quả của Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh đạt được trong lĩnh vực đào tạo nghề. Đồng thời Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị nhà trường xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể khi đề xuất cơ chế tự chủ. làm rõ hơn những khó khăn trong việc thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, giáo viên như chế độ phụ cấp cho giáo viên nghề độc hại, nặng nhọc…

Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt kết luận cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt ghi nhận những nỗ lực của Trường về việc thực hiện các chế độ, chính sách trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2018. Tuy nhiên, trong giai đoạn giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng còn khó khăn, nhà trường phải năng động hơn trong tuyển sinh, đổi mới trong đào tạo.  Trong thời gian tới đề nghị Trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách cho người dạy, người học; củng cố thương hiệu trong hệ thống đào tạo nghề; năng động trong tuyển sinh, đổi mới trong đào tạo để thu hút người học, nâng cao chất lượng dạy nghề và quan tâm đến việc thực hiện chính sách cho giáo viên giảng dạy các ngành nghề độc hại, nguy hiểm theo quy định của Chính phủ và nghị quyết của HĐND tỉnh.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của Trường, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp  trình lên kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới./

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc