Bộ Nội vụ hướng dẫn chi tiết về tổ chức bầu cử tại khu vực bỏ phiếu để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19
EmailPrintAa
16:03 14/05/2021

Ngày 13/5/2021, Bộ Nội vụ đã ban hành Văn bản số 2135/BNV-CQĐP hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo đó Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn chi tiết việc tổ chức bầu cử tại khu vực bỏ phiếu; tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc địa bàn bị phong tỏa và tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho cử tri là bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19. Trong đó việc tổ chức bầu cử tại khu vực bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) được hướng dẫn chi tiết như sau:

1. Công tác chuẩn bị:

a. Về nhân sự:

- Bố trí nhân lực tại cổng ra vào để kiểm tra khai báo y tế đối với cử tri từ nơi khác đến, kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn phòng, chống dịch và sàng lọc nhanh sức khỏe của cử tri về các biểu hiện sốt, ho, khó thở và thực hiện khử khuẩn. Đảm bảo 100% thành viên Tổ bầu cử, Cử tri và những người có liên quan phải được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang trước khi vào khu vực bầu cử.

- Bố trí lực lượng nhắc nhở tất cả người tham gia bầu cử thực hiện quy định 5K, hướng dẫn thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau đã qua sử dụng vào thụng đựng chất thải. Thông báo ngay cho Ủy ban bầu cử, ban bầu cử , tổ bầu cử và các lực lượng chức năng có liên quan khi phát hiện cử tri có triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở… trong quá trình đi bầu cử.

- Thành lập Tổ y tế- Phòng chống dịch, chịu trách nhiệm đảm bảo công tác y tế (phòng, chống dịch, kiểm tra sức khỏe của cử tri, vệ sinh phòng dịch…); Tùy theo số lượng cử tri của khu vực bỏ phiếu, địa phương bố trí số lượng nhân viên y tế cho phù hợp.

b) Về cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Khu vực bỏ phiếu có 2 lối vào, ra để đảm bảo di chuyển một chiều.

- Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn đối với bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, các đồ vật, sàn nhà, phòng họp, khu vệ sinh, mặt bàn, các nút bấm điều khiển… trước và sau khi bầu cử.

- Chuẩn bị khu vực cách ly tạm thời đối với các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, gồm: bàn, ghế, dung dịch khử khuẩn tay, găng tay, khẩu trang, phương tiện phòng hộ, thùng chứa có nắp đậy, có đạp chân và có túi lót đựng chất thải lây nhiễm, có dãn nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”

- Tăng cường lưu thông không khí khu vực  trong nhà bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt.

- Kiểm tra vệ sinh môi trường tại khu vực bỏ phiếu, khu vực nhà vệ sinh phải đảm bảo đủ nước, giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay, bố trí thùng đựng chất thải có nắp đậy, chân đạp, đảm bảo có trang thiết bị phục vụ công tác vệ sinh.

- Có dung dịch khử khuẩn tại khu vực ra vào, tại các bàn/ô viết phiếu bầu, thuận tiện cho công dân rửa tay phòng, chống dịch.

- Đảm bảo nước uống hợp vệ sinh và cốc uống nước dùng một lần cho cử tri, lực lượng làm nhiệm vụ.

- Bàn tiếp đón đặt bên ngoài lối vào, bố trí máy đo thân nhiệt tại mỗi điểm bầu cử ở mọi thời điểm, dung dịch sát khuẩn tay.

- Có các bảng hướng dẫn quy trình bầu cử đảm bảo phòng, chống Covid-19 (pano, áp phích…) hoặc sử dụng smart tivi.

2. Quy trình thực hiện

Bước 1: Thành viên tổ chức phụ trách bầu cử và những người có liên quan được đo thân nhiệt, khử khuẩn tay trước khi vào vị trí làm nhiệm vụ tại các điểm bầu cử.

Bước 2: Cử tri đến điểm bầu cử phải đi theo hàng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và được đo thân nhiệt trước khi đến bàn đón tiếp.

Nếu thân nhiệt của cử tri bình thường và không có biểu hiện gì, hướng dẫn cử tri đến khu vực khử khuẩn tay. Nếu phát hiện cử tri có biểu hiện sốt hoặc ho, thành viên tổ chức phụ trách bầu cử và những người liên quan sẽ thông báo cho các cử tri khác ngừng di chuyển, đồng thời đưa ngay cử tri đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí. Theo đó thành viên Tổ bầu cử thông báo cho cơ quan y tế địa phương để điều tra dịch tễ và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch.

Bước 3: Tại khu vực niêm yết danh sách cử tri và tiểu sử người ứng cử, cử tri kiểm tra và tìm hiểu thông tin về người ứng cử.

Bước 4: Tại bàn thu thẻ cử tri và phát phiếu bầu cử, cử tri trình thẻ cử tri:

- Thành viên Tổ bầu cử kiểm tra thẻ cử tri, đối chiếu danh sách cử tri, phát phiếu bầu và hướng dẫn cử tri bước tiếp theo. Cử tri nhận lại thẻ cử tri và tiến đến khu vực viết phiếu bầu.

- Thành viên Tổ bầu cử hướng dẫn cử tri khử khuẩn tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trong suốt quá trình tham gia bầu cử.

Bước 5: Tại Khu vực viết phiếu bầu, cử tri viết phiếu bầu xong và khử khuẩn tay khi rời bàn viết phiếu bầu cử.

Lưu ý: Đối với các trường hợp cần viết phiếu hộ, thành viên tổ bầu cử thực hiện khử khuẩn tay theo quy định.

Bước 6: Tại hòm phiếu, cử tri thực hiện bỏ phiếu theo hướng dẫn và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m so với người phía trước và người phía sau.

Bước 7: Sau khi cử tri bỏ phiếu:

- Thành viên tổ bầu cử hướng dẫn cử tri đưa thẻ cử tri cho tổ bầu cử để đóng dấu  “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

- Hướng dẫn cử tri khử khuẩn tay và đảm bảo khoảng cách khi ra về theo lối chỉ dẫn.

Cũng tại Văn bản số 2135/BNV-CQĐP Bộ Nôi vụ nêu rõ, căn cứ vào số lượng cử tri ở từng khu vực bỏ phiếu, thời gian bầu cử theo quy định và diễn biến của tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương và từng khu vực bỏ phiếu, UBND cấp xã chủ động xây dựng lịch trình, tiến độ bầu cử và phân chia, bố trí thời gian bỏ phiếu phù hợp theo từng thôn, tổ dân phố, đảm bảo không tập trung cử tri quá đông vào cùng một thời điểm bầu cử, đồng thời không để xẩy ra phân tán lực lượng phục vụ bầu cử, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của Tổ bầu cử trong ngày bầu cử.  Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã và Tổ bầu cử xây dựng kế hoạch phân chia thời gian bỏ phiếu của cử tri theo các thôn, tổ dân phố theo từng đợt đi bầu cử, thời gian trung bình mỗi đợt bầu cử cách nhau 01 đến 02 giờ, bảo đảm không tập trung quá đông tại phòng bỏ phiếu.  Trong ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thông báo kế hoạch phân chia thời gian bỏ phiếu để cử tri biết. Trường hợp cử tri không có điều kiện tham gia bỏ phiếu theo đợt thì phải hướng dẫn và tạo điều kiện để cử tri tham gia bỏ phiếu trong ngày bầu cử theo quy định.

Việc bố trí lực lượng trong tình huống sử dụng hòm phiếu phụ cần linh hoạt để vừa tập trung cho công tác bầu cử tại địa điểm bỏ phiếu chính, vừa đảm bảo tại địa điểm sử dụng hòm phiếu phụ. Chú ý bố trí lực lượng tham gia hợp lý để không tạo ra sự phân tán lực lượng phục vụ bầu cử./.

Nguyễn Thị Nhuần - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh

    Ý kiến bạn đọc