Chọn lựa đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân - nhân tố quyết định thắng lợi hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước
EmailPrintAa
15:26 27/04/2021

Thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/01/1946 đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta. Nhân dân Việt Nam bầu ra Quốc hội trong khói lửa của cuộc đấu tranh dân tộc gay gắt, nhưng đó vừa là thành quả, vừa là yêu cầu đặt ra bức thiết của cách mạng và đó là Quốc hội lập quốc, Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước, của đại đoàn kết toàn dân và là ý chí của Nhân dân cả nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”.

Từ thắng lợi cuộc bầu cử đầu tiên cho đến nay, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”; “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân… quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân”. Trong đó đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là hạt nhân, trung tâm trong hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi một nhiệm kỳ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với cơ quan quyền lực nhà nước, thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu với Quốc hội và Hội đồng nhân dân; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo... Như vậy, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là cầu nối quan trọng giữa cơ quan quyền lực Nhà nước với Nhân dân, là người tiếp thu những tâm tư nguyện vọng của cử tri phản ánh với cơ quan quyền lực Nhà nước, là người quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, là người giúp đỡ Nhân dân thực hiện các quyền theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, để lựa chọn được đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thật sự tiêu biểu, chất lượng, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân hay không đòi hỏi công tác chuẩn bị nhân sự trước bầu cử. Từ thực tiễn bầu cử các nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã qua cho thấy nhân sự chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng, khách quan, đúng quy định sẽ chọn được đại biểu xứng đáng bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tạo lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyền lực Nhà nước.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chiến lược mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Công cuộc đổi mới tạo ra những tiền đề quan trọng đưa đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh, phát triển bền vững, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, con đường đó còn nhiều khó khăn, thử thách đòi hỏi Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phát huy những thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức cùng với cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.Trong suốt các nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp luôn luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, thì cần tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất , khẳng định vai trò lãnh đạo và sứ mệnh của Đảng đối với công tác cán bộ, nhất là “Nhân dân tin Đảng, Đảng hết lòng vì Nhân dân” tạo thành sự thống nhất trong công tác nhân sự khi Đảng giới thiệu cán bộ và Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lựa chọn của Đảng. Điều này đã được khẳng định trong suốt quá trình lịch sử hơn 90 năm từ Xô viết Nghệ Tĩnh, cách mạng tháng Tám năm 1945 dành độc lập dân tộc, đến 1975 thống nhất đất nước là minh chứng cho thấy Đảng ta luôn dựa vào sức dân, dựa vào sự đoàn kết thống nhất trong Nhân dân và trở thành bài học xương máu của biết bao thế hệ cách mạng. Ngày nay, yêu cầu đó càng nghiêm khắc hơn đối với hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xây dựng Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, gần dân, sát dân để giới thiệu  bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp…

Thứ hai , tuyệt đối không hình thức trong công tác hiệp thương đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Đặc biệt phải chú trọng và phát huy dân chủ trong hiệp thương ở chính cơ sở. Hiệp thương là bước rất quan trọng  trong công tác lựa chọn đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân;   thông qua đó lựa chọn đúng người đưa vào danh sách, những người đủ phẩm chất và năng lực, đảm bảo tiêu chuẩn và điều kiện để giới thiệu ứng cử vào các cơ quan dân cử. Thực hiện đúng quy trình, công khai, dân chủ, minh bạch trong công tác hiệp thương là yếu tố hết sức quan trọng để cử tri chọn mặt gửi vàng, gửi gắm niềm tin của mình vào các đại biểu dân cử các cấp.

Thứ ba , chú trọng đánh giá đạo đức cách mạng người đại biểu từ chính gia đình nơi cư trú của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng gia đình, bởi theo Người gia đình là hạt nhân của xã hội, “rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”4. Gia đình giữ vị trí quan trọng một phần trong rèn luyện ý thức, bản lĩnh, hình thành cốt cách của người cán bộ cách mạng. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay do ảnh hưởng bởi xã hội thì bản lĩnh, đạo đức cán bộ thực sự quan trọng như Người từng khẳng định: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính; thiếu một mùa, thì không thành trời; thiếu một phương, thì không thành đất; thiếu một đức, thì không thành người”. Ngày nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng, đạo đức. Chính vì lẽ đó, cần phải hết sức chú trọng công tác đánh giá đạo đức ngay chính từ gia đình nơi cư trú của cán bộ, tránh những điều đáng tiếc xẩy ra của một số đại biểu vi phạm tư cách bị bãi miễn trong một số nhiệm kỳ vừa qua.

Thứ tư , phát huy tốt “bộ lọc” cán bộ từ cách nhìn nhận, đánh giá của Nhân dân. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, lắng nghe dân, lắng nghe các tổ chức quần chúng Nhân dân, lắng nghe Mặt trận Tổ quốc cơ sở để chọn đúng người, tránh sai lầm không đáng có khi đại biểu không xứng đáng lọt vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Thực tiễn đã chứng minh, Nhân dân là “tai mắt” của Đảng, Nhân dân ở khắp mọi nơi, họ thường xuyên giám sát, theo dõi sát sao. Từ đó, Nhân dân nhìn nhận được cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ làm được việc hay không làm được việc nhân dân đều rõ. Vì vậy, trong công tác nhân sự cần phải đặc biệt quan tâm đến “bộ lọc” từ Nhân dân như yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi”.

Thứ năm , làm tốt công tác tiếp xúc cử tri trước kỳ bầu cử. Đây là dịp để Nhân dân đến dự và đánh giá cán bộ, đánh giá gia đình cán bộ, xem xét người cán bộ đó có đủ “Đức”, “Tài” và đánh giá khả năng thật sự có xứng đáng trở thành đại biểu để bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước hay không. Tại buổi tiếp xúc cử tri, người đại biểu được bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình trước Nhân dân, để Nhân dân hiểu, tin tưởng bầu cho mình. Cử tri đến dự họ nhận thấy rằng bầu được người xứng đáng đại diện cho quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, công tác tiếp xúc cử tri là dịp để cử tri giám sát quá trình thực thi quyền lực của cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp, Bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là bầu ra cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan  đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”7. Điều đó đòi hỏi việc lựa chọn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hết sức quan trọng và thận trọng bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu, khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045./.

Nguyễn Hà Giang - Trường Chính trị Trần Phú

    Ý kiến bạn đọc