Lấy ý kiến góp ý, sửa đổi, bổ sung Luật dạy nghề
EmailPrintAa
14:36 08/05/2014

Sáng ngày 08/5/2014, Trung tâm nghiên cứu Phát triển Nguồn lực nông thôn phối hợp với sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội nông dân tỉnh đã tổ chức Hội thảo triển khai Dự án " Thúc đẩy cộng đồng đại diện các vùng, miền tại Hà Tĩnh tham gia góp ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề. Tham dự Hội thảo có các vị trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam; Lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, các huyện, xã và các đơn vị triển khai thực hiện Dự án.

Luật dạy nghề được Quốc hội khóa XI thông qua năm 2006 và có hiệu lực từ năm 2007, là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển dạy nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề. Sau hơn 7 năm thực hiện, Luật dạy nghề đã tạo động lực quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có một số hạn chế nhất định, nhất là sau khi Quốc hội khóa XIII thông qua bản Hiến pháp mới thì nhiều nội dung của Luật cần phải được sửa đổi, bổ sung. Trong Dự án sửa đổi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này dự kiến sửa đổi, bổ sung 51 nội dung; bỏ hoàn toàn 7 điều ( điều 15,22,29,31,39,85,86) và bỏ hoàn toàn chương 9 ( Luật 2006 có 11 chương với 91 điều). Dự thảo Luật sửa đổi lần này được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và được tổng hợp trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10/2014.

Đồng chí Trần Tiến Dũng, TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia

phát biểu tại cuộc hội thảo

Phát biểu tại buổi hội thảo, đồng chí Trần Tiến Dũng, TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã gợi ý các nội dung cần quan tâm về: nhóm các giải pháp để khuyến khích phát triển và xã hội hóa công tác đào tạo nghề; khuyến khích phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đào tạo nghề; gắn đào tạo vói sử dụng, khắc phục tình trạng "thừa tầy, thiếu thợ". Nhóm giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo chương trình xây dựng nông thon mới, đảm bảo thực chất và hiệu quả. Nhóm giải pháp tập trung đào tạo nghề cho người tàn tật, khuyết tật, đối tượng hộ nghèo, lao động thuộc diện chính sách và các đối tượng xã hội khác. Nhóm giải pháp đào tao nghề phục vụ xuất khẩu lao động …

Phát biểu kết thúc buổi hội thảo, tiến sỹ Mộc Quế, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Nghiên cứu nguồn lực Nông thôn đã cảm ơn ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu, đồng thời đề nghị các đơn vị được triển khai thực hiện Dự án tổ chức cho đội ngũ cán bộ, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo Luật dạy nghề để Trung tâm tổng hợp báo cáo với Đoàn ĐBQH tỉnh và các cơ quan của Trung ương.


    Ý kiến bạn đọc