Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn
EmailPrintAa
08:38 15/08/2018

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều (13/8) trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Ty, UBTVQH tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai về: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội phạm kinh tế, tội phạm về chức vụ, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy; quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên chất vấn

 

Tham dự có đồng chí  Lê văn Sao - UVBTV, Giám đốc Công an tỉnh và đại diện lãnh đạo: Ban Nội chính, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh,  Sở Thông tin và Truyền Thông.  Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh

 

Bộ trưởng cho biết, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến rất phức tạp, 80% nạn nhân là các cháu gái, đối tượng phạm tội đa số là người quen, thân... nguyên nhân chung là do công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao; nhiều gia đình thiếu quan tâm trong việc chăm sóc con cái; công tác giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại của trẻ còn hạn chế; việc tố cáo, tiếp nhận tin báo xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời, gặp nhiều khó khăn... Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Bộ sẽ tổ chức lực lượng chuyên trách, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phòng chống, điều tra để xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.

Về giải pháp ngăn chặn tội phạm cướp, cướp giật, Bộ trưởng cho biết, loại tội phạm này thường xảy ra ở các thành phố lớn. Chỉ tính riêng Hà Nội, TPHCM đã chiếm khoảng 20% số vụ án cướp giật trên toàn quốc. Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh việc phát động các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, quản lý chặt các đối tượng, Bộ sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, mật phục, xác lập các chuyên án để đấu tranh với các đối tượng, băng nhóm phạm tội...

Nhân dân và cử tri rất bức xúc về việc nhiều vụ việc phạm tội có tổ chức, liên quan đến một số hành vi vi phạm pháp luật của một số sỹ quan, tướng lĩnh công an thời gian qua. Trong đó, vụ Vũ “nhôm” là một vụ điển hình, cài cắm nhân cốt để từ đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn được trao cho nhằm phạm tội…

Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn

 

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vụ Vũ “nhôm” có liên quan đến 5 vụ án, thì hiện chúng tôi đã điều tra, đưa ra xét xử vụ án thứ nhất, liên quan đến vi phạm bí mật nhà nước. Trong đó có liên quan đến một số tướng lĩnh, công an, một số người nguyên là lãnh đạo Bộ công an. Đây là bài học rất lớn trong công tác quản lý cán bộ, công tác xử lý nghiệp vụ có liên quan đến việc lợi dụng hình thành tổ chức bình phong, tạo điều kiện thuận lợi cho vi phạm pháp luật. Và bài học rất đắt giá của Bộ Công an này chắc chắn sẽ không để tái diễn tình trạng này. Giải pháp chính là không để xảy ra những vụ tương tự như Vũ “nhôm”. Chúng tôi đã rà soát và chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Trả lời đại biểu về việc điều tra gian lận thi cử, Bộ trưởng Công an cho biết ngành đã khởi tối 3 vụ án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với những người có chức trách quản lý bài thi của thi sinh. Đây là những thủ đoạn mới được phát hiện ra trong năm 2018 này, các thủ đoạn rất tinh vi. Tuy nhiên, hành vi gian lận thi cử thì không phải là mới và không phải đến 2018 này mới có mà có thể đã diễn ra từ thời gian trước. Chúng tôi có khảo sát một số cháu đỗ đại học với điểm số rất cao nhưng quá trình học thì không theo được chương trình”, Bộ trưởng Công an cho biết: Để phòng chống những thủ đoạn này thì cần tiếp tục có sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý việc ra đề, chấm thi, công bố điểm… sao cho thành khâu phép kín để không thể can thiệp được, nhất là bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là thách thức rất lớn với các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian tới.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp thu ý kiến của đại biểu

 

Thay mặt Chính phủ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, công tác đảm bảo ANTT có vai trò, vị trí quan trọng trong việc tạo môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong công tác đảm bảo ANTT, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các lực lượng chức năng đã thực hiện tốt công tác phòng chống các loại tội phạm, triệt phá nhiều băng nhóm, góp phần bảo đảm môi trường và sự bình yên cho nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo ANTT còn tồn tại một số hạn chế, nhất là công tác nắm tình hình, xử lý tình hình trong một số trường hợp vẫn còn lúng túng; các tội phạm về cướp của, giết người, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm công nghệ cao, tin dụng đen... còn diễn biến phức tạp, gây nhiều lo lắng trong nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, các lực lượng chức năng, cả hệ thống chính trị cần quán triệt một cách nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết về công tác đảm bảo ANTT, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự. Chủ động nắm chắc địa bàn, tập trung đánh mạnh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nguy hiểm, không để tội phạm lộng hành, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của đất nước. Tập trung điều tra, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án lớn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp

 

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, phiên họp 26 đã hoàn thành chương trình đề ra khi cho ý kiến vào 8 dự án luật; giám sát chuyên đề về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016; xem xét nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự án luật và báo cáo giám sát theo kết luận; hoàn thành nghị quyết được thông qua để ký ban hành. Chính phủ và cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức liên quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung cho phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra sắp tới./.

 


    Ý kiến bạn đọc