Cần thu gọn đầu mối giáo dục nghề nghiệp để đầu tư có trọng điểm
EmailPrintAa
16:36 28/02/2019

Sáng ngày 28/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do đồng chí Triệu Thế Hùng – phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh. Tham dự buổi làm việc với đoàn có đồng chí Đặng Quốc Khánh – UV Dự khuyết TW Đảng – Phó bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Dương Tất Thắng – UVBTV tỉnh ủy – Phó chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các văn bản chỉ đạo, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản thể chế hóa các chính sách của Nhà nước, chương trình hành động thực để hiện công tác GDNN; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm đến với người dân được thực hiện kịp thời, nghiêm túc với hình thức đa dạng, phong phú; tổ chức các hoạt động giám sát việc thực hiện Luật GDNN và thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người lao động, HSSV, đội ngũ giáo viên tại các cơ sở đào tạo.

Phó giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Mai Hoa b áo cáo

Hiện nay, mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Số cơ sở GDNN đã giảm từ 31 cơ sở (năm 2015) đến nay còn 24 cơ sở, gồm: 4 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề, 10 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 1 phân hiệu trường cao đẳng trực thuộc Bộ Công thương. Trong đó, có 2 trường cao đẳng được Chính phủ lựa chọn để phát triển thành trường chất lượng cao, 30 ngành nghề tại 7 trường cao đẳng, trung cấp công lập được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn để phát triển nghề trọng điểm.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đặng Bích Diệp phát biểu

Các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh có năng lực đào tạo trên 60 ngành, nghề ở tất cả các lĩnh vực, với quy mô tuyển sinh học nghề hàng năm là gần 24 ngàn người. Ngoài các cơ sở đào tạo chính quy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn được thực hiện theo phương thức truyền nghề, kèm nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2015 – 2018 là 58,5 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của TW như đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo nghề cho người khuyết tật; cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất sản xuất; lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển,…

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành cũng đã làm rõ một số vấn đề đoàn giám sát quan tâm; đồng thời kiến nghị như: công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; vấn đề Tự chủ ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; về việc đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Việc phân luồng và liên thông ở các cấp học; xã hội hóa về giáo dục nghề nghiệp, vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp, các tổ chức chung tay vào công tác giáo dục nghề nghiệp.

Đồng chí Đặng Quốc Khánh – UV Dự khuyết TW Đảng – Phó bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Dương Tất Thắng – Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Hà Tĩnh luôn xác định phát triển nguồn nhân lực là điều kiện quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, vì thế tỉnh luôn chú trọng quy hoạch đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế, uy tín của các cơ sở đào tạo trên địa bàn gắn với sản phẩm đào tạo. Bên cạnh đó tỉnh chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nâng cao tính tự chủ cùng với xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp. Để có hiệu quả đào tạo nghề, tỉnh vận dụng tối đa chính sách của trung ương và của tỉnh; trong đó hiệu quả nhất là chính sách về phân luồng học sinh; chính sách thu hút giáo viên giỏi,… Tuy nhiên các đồng chí cũng cho rằng, kết quả đạt được vẫn chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của tỉnh, vì thế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ ngành, của Quốc hội, Chính phủ để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo được việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đề xuất với đoàn giám sát có ý kiến để có quy định cụ thể hơn trong việc phân luồng học sinh; ban hành quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; các bộ ngành TW có báo cáo đánh giá về thực trạng lao động để xây dựng cơ cấu ngành nghề đào tạo; nguồn lực quốc gia cho lĩnh vực đào tạo nghề còn rất ít nên cần rà soát lại để có cách hỗ trợ nguồn lực hợp lý…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng kết luận cuộc làm việc

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Triệu Thế Hùng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao việc thực hiện cơ chế chính sách giáo dục nghề nghiệp của Hà Tĩnh. Đoàn cũng tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của tỉnh và sẽ tổng hợp làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng đề nghị các sở, ngành có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác phát triển GDNN, đặc biệt quan tâm tới các em học sinh đang theo học bổ túc văn hóa kết hợp học nghề, đưa ra các chính sách cụ thể hơn đối với thầy cô GDNN, quan tâm, bồi dưỡng, đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên; Tỉnh cần lưu ý điều tiết kinh phí đào tạo học sinh học bổ túc kết hợp học nghề sang cho các trường dạy nghề.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc