Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với BQL Khu BTTN Kẻ Gỗ và BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh
EmailPrintAa
09:23 09/08/2013

Ngày 8/8/2013, Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc với BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh về tình hình quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tham dự có các vị Đại biểu Quốc hội, đại diện các Sở TN-MT và NN&PTNN, lãnh đạo UBND các xã có rừng cùng lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh.

Ban QL Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với 66 biên chế, 115 hợp đồng đã quản lý 48.074 ha rừng (thuộc địa bàn 25 xã, 4 huyện). Trong đó có 21.768 ha rừng đặc dụng, 16.799 ha rừng phòng hộ, 9.500 ha rừng sản xuất, giao cho các địa phương là 3.322 ha diện tích. Hiện đang quản lý, sử dụng rừng theo 3 loại gồm bản đồ quy hoạch, bản đồ phân cấp, bản đồ hiện trạng. Thời gian qua, trên địa bàn do Ban quản lý tình hình khai khác vận chuyển gỗ, khai thác lâm sản trái phép đó giảm, việc khai thác và bẫy bắt động vật hoang dã từng bước được kiểm soát, các vụ cháy rừng sớm dược phát hiện và ứng cứu kịp thời. Đã thực hiện giao khoán 6.958 ha cho 1.111 hộ dân và hợp tác với Công ty Cao su sản xuất cây giống góp phần tăng thu cho cán bộ công nhân viên chức.

Ban QL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý 26.688 ha, trong đó có 11.200 ha rừng sản xuất, 15.484 ha rừng phòng hộ, diện tích giao cho các địa phương là 21.454 ha (đạt 80% diện tích cần cấp) trải rộng trên địa bàn 10 xã. Việc quản lý, sử dụng đang theo bản đồ hiện trạng rừng; hằng năm đã tiến hành trồng rừng, các loại cây mang tính phòng hộ cao, mang lại hiệu quả kinh tế; công tác quản lý, bảo vệ từng bước được cải thiện, chất lượng rừng trồng ngày càng được nâng cao về diện tích và chủng loại cây trồng, hạn chế được việc chặt phá lấn chiếm.

Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Đoàn ĐBQH chủ trì buổi làm việc

Bên cạnh các kết quả đạt được, tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu lên những tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng như: Việc khai thác, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái phép đang diễn biến phức tạp trên một số địa bàn; việc khoán đất theo Nghị định 135 triển khai chậm, diện tích giao khoán chưa nhiều, một số nơi chưa rà soát đóng mốc ranh giới; hồ sơ giao khoán rừng chưa đầy đủ, còn xảy ra sai sót; nguồn vốn nhà nước đầu tư giảm, nhiều hạng mục cắt giảm; chưa được trang cấp các trang thiết bị, chế độ cho cán bộ công tác bảo vệ rừng; cán bộ còn hạn chế chuyên môn, sự phối kết hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương chưa thực sự mang lại hiệu quả, thiếu thiếu tính đồng bộ. Văn bản hướng dẫn thực hiện còn một số chồng chéo; đời sống người dân còn khó khăn, thu nhập phụ thuộc vào tài nguyên từ rừng nên đã có một số vi phạm pháp luật; công tác quy hoạch ba loại rừng còn một số hạn chế. Chưa thực hiện tốt chính sách khoán rừng, đầu tư thỏa đáng cho lâm nghiệp và bổ sung biên chế và thành lập Hạt kiểm lâm trực thuộc ban theo quy định tại Nghị định 117/2010/NĐ – CP

Phát biểu tại các buổi làm việc, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương về công tác quản lý, sử dụng đất rừng thuộc sự quản lý của các BQL, đồng thời lưu ý thời gian tới các đơn vị cần phát huy tính năng động, sáng tạo khai thác tiềm năng, lợi thế đất rừng để nâng cao thu nhập cho người dân và người lao động, cải thiện môi trường sinh thái; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, phân giới, quản lý và bảo vệ rừng, phối kết hợp với các ngành, đoàn thể địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân…


    Ý kiến bạn đọc