Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch làm việc với 6 địa phương các tỉnh phía Bắc và Miền trung
EmailPrintAa
10:01 22/03/2022

Chiều 21/3/2022. tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với 6 địa phương các tỉnh phía Bắc và miền Trung gồm: Tp.Hải Phòng, Tp.Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. (nguồn báo hatinh.vn)

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Cuộc giám sát này ngoài báo cáo của UBND còn có báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố. Đoàn giám sát đánh giá cao các cơ quan đã gửi báo cáo đầy đủ, đúng hạn. Theo các báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Thường trực HĐND các địa phương đã chỉ đạo sâu sát công tác quy hoạch nhờ đó đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã có những câu hỏi với các địa phương về tiến độ quy hoạch, chất lượng quy hoạch. Các đại phương chia sẻ về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch nhưng vẫn đảm bảo hệ thống quy hoạch; sự lựa chọn nhà đầu tư, tư vấn trong điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ đã có sự phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất thì việc triển khai quy hoạch ở các địa phương có vướng mắc và đề xuất giải quyết như thế nào? Cách thức xử lý của các địa phương nếu quy hoạch sản phẩm, chuyên ngành có sự chồng chéo...

Đánh giá, làm rõ những kết quả làm được, kinh nghiệm trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, tiến độ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển cho biết, Hà Tĩnh triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 từ đầu năm 2018, khi Luật Quy hoạch mới được Quốc hội thông qua, chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Để lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch làm phó ban và các thành viên là Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh; thành lập Ban Quản lý dự án, đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan lập quy hoạch chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng đề cương, nhiệm vụ và dự toán, tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định.

Quá trình triển khai lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu cơ quan lập quy hoạch báo cáo tiến độ hàng tuần, hàng tháng để nắm bắt chỉ đạo kịp thời; đồng thời giao các sở, ban, ngành địa phương nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn, cung cấp đầy đủ các tài liệu, tham gia góp ý kiến kịp thời chất lượng và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh đối với ngành, lĩnh vực được giao. Tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là không khoán trắng cho đơn vị tư vấn mà phải tham gia cùng tư vấn; ý tưởng phải xuất phát từ thực tiễn; cái cần ở tư vấn là công cụ phân tích mô hình, dữ liệu, đề xuất ý tưởng (nhưng ý tưởng phải xuất phát từ thực tiễn), phương pháp xây dựng quy hoạch… còn lại phải là nhiệm vụ của các ngành, cơ quan chuyên môn, tranh thủ được càng nhiều ý kiến càng tốt; nếu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố không tham gia cùng thì một mình đơn vị tư vấn rất khó làm nổi và chất lượng của quy hoạch sẽ không cao.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn Hà Tĩnh (nguồn báo hatinh.vn)

Thông tin thêm về quá trình chọn tư vấn quy hoạch, theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp làm việc với đơn vị tư vấn, các Sở ban ngành để nghe báo cáo kết quả nghiên cứu từng giai đoạn lập quy hoạch, tổ chức hội nghị, hội thảo tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học, tham vấn ý kiến Ngân hàng thế giới; lấy ý kiến của các bộ, ngành trung ương và các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ; đăng tải trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy định và được Hội đồng thẩm định trung ương tổ chức thẩm định theo từng bước chặt chẽ. Tất cả các ý kiến góp ý, thẩm định của các chuyên gia, các nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương trong vùng và các tổ chức, cá nhân trong quá trình lập quy hoạch đã được nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ.

Mặc dù quá trình lập quy hoạch gặp nhiều khó khăn do nội dung, phương pháp lập quy hoạch tỉnh khác nhiều so với quy hoạch tổng thể trước đây, đồng thời là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện nên chưa có địa phương nào đi trước để học hỏi, tham khảo. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng nhân dân và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự tập trung cao của các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn nên đến nay Hà Tĩnh đã hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu phát biểu tại cuộc làm việc. (nguồn báo QH)

Đề cập về sự chồng chéo giữa quy hoạch với quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất, Thời gian qua, tại Hà Tĩnh còn có sự chồng chéo giữa quy hoạch ngành với quy hoạch xây dựng, nhất là giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng. Nguyên nhân là do quy hoạch sử dụng đất chỉ khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng, chưa nghiên cứu chi tiết đến địa hình, địa vật, việc kết nối hạ tầng kỹ thuật của khu quy hoạch như trong các đồ án quy hoạch xây dựng; ngoài ra trong quá trình lập quy hoạch giữa cơ quan được giao lập quy hoạch và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ; công tác lấy ý kiến góp ý, tổ chức thẩm định quy hoạch chưa tốt; năng lực đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế. Việc này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã và đang từng bước khắc phục, chấn chỉnh; theo đó, đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 và các quy hoạch xây dựng; lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, trong quá trình lập, thẩm định phải tổ chức lấy ý kiến đầy đủ các cơ quan tổ chức có liên quan; công tác thẩm định phải chặt chẽ, chất lượng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch.

Để góp phần khắc phục chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch xây dựng trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát các quy định pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng để tham mưu, điều chỉnh thống nhất tên gọi và quy cách thể hiện các loại đất và thời kỳ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch (hiện nay thời kỳ quy hoạch sử dụng đất 10 năm trong khi đó thời kỳ lập quy hoạch xây dựng 20-25 năm).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận cuộc họp (nguồn báo QH)

Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh: Sau một buổi làm việc tích cực đã có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận. Đoàn giám sát đã nghe báo cáo tóm tắt và lãnh đạo 06 địa phương cũng đã có ý kiến phát biểu.

Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức thực hiện lập quy hoạch; khối lượng công việc đã thực hiện tương đối nhiều trước những khó khăn, thách thức lớn như dịch Covid-19 bùng phát và tiếp tục kéo dài, nhiều hoạt động bị đình trệ; phương pháp và cách thức tiếp cận quy hoạch mới, chính sách pháp luật về quy hoạch cũng còn những hạn chế nhất định… Nhưng các địa phương đã có nhiều cố gắng để thực hiện nhiệm vụ.

Đoàn ghi nhận các kiến nghị đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành những nội dung quy định trong các văn bản hướng dẫn không phù hợp với quy định của pháp luật về Quy hoạch; các quy định còn chưa thống nhất, đầy đủ giữa pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, nội dung này, Thành Phố Hải Phòng nêu khá kỹ; rà soát khoản 5 Điều 40 Luật Đất đai năm 2013 vì chưa quy định cụ thể loại quy hoạch đô thị; quy trình và nguồn vốn bố trí cho công tác quy hoạch nhất là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cấp tỉnh chưa rõ; cơ sở dữ liệu thông tin chưa hoàn thiện; quy hoạch phân khu, điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết trong quy hoạch nông thôn còn bất cập; nhiều nội dung quy hoạch ngành còn chồng chéo với quy hoạch xây dựng nhất là quy hoạch sử dụng đất của ngành tài nguyên; chưa có quy hoạch dự án nông nghiệp, một số dự án khác ngoài đô thị; thời kỳ, tầm nhìn giữa các quy hoạch chưa thống nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các địa phương tập hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể, giải pháp để tháo gỡ: Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các báo cáo của địa phương, các ý kiến tham gia hôm nay để trao đổi làm việc cụ thể với các địa phương và các bộ, ngành liên quan, xem xét các vướng mắc của các địa phương; giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết nếu vượt thẩm quyền. Tiếp đó, đề nghị các địa phương tổng hợp ý kiến Đoàn giám sát, ý kiến các đại biểu phát biểu hôm nay để hoàn chỉnh báo cáo gửi lại Đoàn giám sát.  Đề nghị bộ phận giúp việc của Đoàn giám sát tổng hợp ý kiến để đưa những vấn đề nổi bật vào báo cáo chung./.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc